Thị trường tăng mạnh trong trở lại trong tuần qua và VN-Index đã lập đỉnh cao mọi thời đại mới. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 62,24 điểm (+5,4%) lên 1.224,45 điểm; HNX-Index tăng 23,93 điểm (+8,8%) lên 294,89 điểm; UPCoM-Index tăng 2,42 điểm (3,03%) lên 82,27 điểm.
Đa phần các nhóm ngành cổ phiếu đều diễn biến tích cực trong tuần VN-Index phá đỉnh năm 2018, trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế này. Thống kê 113 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần từ 29/3 - 2/4 thì có đến 85 mã tăng giá, trong khi chỉ có 18 mã giảm.
Toàn bộ 6 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhóm bất động sản đều có được mức tăng sau 1 tuần giao dịch, trong đó, VIC của Tập đoàn Vingroup đóng vai trò quan trọng trong việc giúp VN-Index vươn lên đỉnh cao mới khi tăng 9,4% từ 112.000 đồng/cp lên 123.000 đồng/cp.
Cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes cũng tăng 5,2% chỉ sau một tuần giao dịch. Trong tuần, VHM đã tăng trọn vẹn cả 5 phiên giao dịch. Một cổ phiếu cũng cùng họ Vingroup là VRE của CTCP Vincom Retail cũng tăng 5,1%.
Tiếp đến, NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va tăng 3,1%. Vào ngày 29/3 đến 30/3, Công đoàn công ty này đã thu hồi 800.000 cổ phiếu ESOP 2020 của người lao động nghỉ việc. Sau giao dịch, công đoàn nắm giữ 2,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,2% vốn.
Hai cổ phiếu THD của CTCP Thaiholdings và BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp tăng nhẹ lần lượt 0,8% và 0,7%.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong nhóm bất động sản là TIG của CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long với 35,3%. Giá cổ phiếu TIG trong tuần qua tăng từ 8.500 đồng/cp lên 11.500 đồng/cp. Dù không có thông tin hỗ trợ nhưng TIG vẫn tăng mạnh với thanh khoản đột biến. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân trong tuần qua của cổ phiếu này đạt gần 3,7 triệu đơn vị, gấp 3 so với tuần trước đó.
Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá của nhóm bất động sản là VHM của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex với 22%. Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thông báo đã bán toàn bộ 4,9 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 70% vốn của VHD. Như vậy, Vinaconex đã hoàn tất thoái vốn tại VHD.
Các cổ phiếu thanh khoản cao như IDV của CTCP Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc, AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, FLC của Tập đoàn FLC, ITA của CTCP Đầu tư Công Nghiệp Tân Tạo… đều tăng giá tốt.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HD6 của CTCP Phát triển nhà số 6 Hà Nội đi ngược lại xu hướng đi lên của thị trường chung khi giảm đến 21,4%. Thanh khoản của cổ phiếu này thuộc diện rất thấp và hiện tại không có thông tin liên quan xuất hiện.
Bên cạnh đó, cả 2 vị trí giảm giá tiếp theo ở nhóm bất động sản đều có thanh khoản rất thấp, thậm chí, thường xuyên không có giao dịch khớp lệnh là VNI của CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam và HD8 CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị HUD8./.