Thêm một phiên tăng điểm nữa của các chỉ số chứng khoán trong đó, dù đôi lúc phải chịu những đợt rung lắc nhưng cả VN-Index và VN30-Index tiếp tục vươn lên đỉnh cao mới.
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên 29/6 với việc sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế ở nhóm vốn hóa lớn đặc biệt là ngân hàng và điều này giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Các mã như STB, SHB, VCB, LPB... đều tăng giá tốt. STB tăng đến 2,6%, SHB tăng 1,8%, VCB tăng 1,2%, LPB tăng 1,2%.
Tuy nhiên, đà tăng của VN-Index chỉ thực sự mạnh khi có sự tham gia của các cổ phiếu trụ cột như VIC, VHM, VNM hay VJC. Trong đó, có thời điểm, 2 cổ phiếu VIC và VHM bứt phá rất mạnh và là động lực chính giúp củng cố sắc xanh của 2 chỉ số. Dù vậy áp lực rung lắc cũng xuất hiện sau đó là phần nào kìm hãm lại đà tăng của 2 cổ phiếu này. Chốt phiên, VIC tăng 1,1% lên 118.000 đồng/cp (mức cao nhất của VIC lên đến 119.300 đồng/cp), VHM tăng 2,7% lên 118.600 đồng/cp (mức cao nhất 119.400 đồng/cp). Hai cổ phiếu này đóng góp lần lượt 1,26 điểm (0,09%) và 2,93 điểm (0,2%) cho VN-Index.
Bên cạnh đó, VJC tăng 3,9% lên 120.000 đồng/cp, FPT tăng 3,4% lên 88.600 đồng/cp, VNM tăng 2% lên 91.000 đồng/cp. Đối với VJC, doanh nghiệp này mới tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vào sáng 29/6, trong đó, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 21.900 tỷ đồng, giảm so với kế hoạch 32.000 tỷ đồng trước đó do làn sóng Covid-19 thứ 4.
Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí biến động tiêu cực khi giá dầu thô thế thới giảm. Chốt phiên, GAS mất 2,1%, PVD giảm 3,7%, PVS giảm 2,3%, PLX giảm 1,6%... Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn khác như ACV, HSG, GVR, VPB, BVH... cũng chìm trong sắc đỏ và gây áp lực lớn lên thị trường chung. Có thời điểm, áp lực quá lớn đã kéo VN-Index về sát mốc tham chiếu.
Tại nhóm bất động sản, bên cạnh VIC và VHM, NVL cũng là mã có sự đóng góp lớn vào việc giữ sắc xanh của VN-Index. Cổ phiếu này tăng 0,8% lên 121.000 đồng/cp. NVL mới thông qua Nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ vốn góp hơn 237.5 tỷ đồng tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển BĐS Phúc Thịnh. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, NVL sẽ không còn sở hữu vốn góp tại đơn vị trên. HĐQT cũng thống nhất phương án phát hành tối đa 300 tỷ đồng trái phiếu. Bên đảm bảo là ông Bùi Thành Nhơn và cổ phiếu NVL thuộc sở hữu ông Nhơn cùng các tài sản hợp pháp khác.
Ngoài ra, PDR và THD cũng tăng giá tốt trong phiên 29/6. Chốt phiên, PDR tăng 1,4% lên 95.900 đồng/cp còn THD tăng 0,5% lên 204.200 đồng/cp. Trong khi đó, VRE là cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn hiếm hoi còn giảm giá ở phiên 29/6 với mức giảm 0,3% xuống 31.700 đồng/cp.
Tại nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn, trong đó, các mã thanh khoản cao như HDC, ITA, CEO, DRH, TIG... đều đồng loạt giảm giá. CEO giảm 1,9% xuống 10.100 đồng/cp. Sáng 29/6, CEO tổ chức ĐHĐCĐ, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.600 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2020 và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm nay, công ty sẽ tập trung triển khai và kinh doanh các dự án trọng điểm gồm dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City (Quảng Ninh), CEOhomes Hana Garden (Hà Nội), River Silk City (Hà Nam).
DXG giảm 1,2% xuống 24.050 đồng/cp. Công ty con của DXG là CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh vừa công bố giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên là 32.000 đồng/cp. Mức giá niêm yết này bằng giá chào bán lần đầu cho công chúng (hơn 35,8 triệu cổ phiếu) và thấp hơn giá 4x (trên 40.000 đồng/cp) mà lãnh đạo công ty dự kiến trong buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư.
Ở chiều ngược lại, vẫn còn nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ khác tăng giá tốt như trường hợp của NVT, ASM, VPI, NLG, SCR... Trong đó, NVT có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 10.850 đồng/cp. LHG tăng 5,3% lên 45.500 đồng/cp, ASM tăng 1,8% lên 14.200 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/6, VN-Index tăng 4,23 điểm (0,3%) lên 1.410,04 điểm. Toàn sàn có 153 mã tăng, 244 mã giảm và 46 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,69 điểm (0,21%) lên 323,79 điểm. Toàn sàn có 95 mã tăng, 127 mã giảm và 55 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,5 điểm (0,56%) lên 90,3 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt chỉ 23.900 tỷ đồng (phiên trước là 25.800 tỷ đồng). FLC vẫn là mã bất động sản duy nhất nằm trong số 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường chứng khoán với 22,7 triệu đơn vị. Chốt phiên, FLC giảm nhẹ 0,4% xuống 13.650 đồng/cp.
Khối ngoại mua ròng nhẹ khoảng hơn 40 tỷ đồng ở phiên 29/6. Trong đó, VHM tiếp tục được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 165 tỷ đồng. Bên cạnh VHM, DXG và KBC cũng là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại với lần lượt 11,3 tỷ đồng và 11 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC và TCH là 2 mã bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh với lần lượt 40 tỷ đồng và 12 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm trong phiên thứ tư liên tiếp với mức tăng nhẹ và thanh khoản tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên là không thực sự mạnh, tâm lý của nhà đầu tư đang có sự thận trọng nhất định đối với xu hướng của thị trường. Trên góc nhìn phân tích kỹ thuật, VN-Index đang tiến dần tới mốc kháng cự mạnh quanh ngưỡng 1.420 điểm do vậy các giao dịch ngắn hạn mua đuổi ở vùng giá hiện tại không được khuyến khích. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 30/6, thị trường có thể sẽ tiếp tục rung lắc tại vùng giá hiện tại.