Aa

Việc nhỏ, lợi lớn, nên làm

Thứ Tư, 16/01/2019 - 06:00

Sau mỗi vụ, báo chí rầm rộ đưa tin. Nếu vụ việc phải ra tòa, thì mọi người mới có cơ hội biết lý do của “thảm kịch”. Nhưng phần lớn sau đó… đều im như thóc. Trong khi thứ mà mọi người chờ đợi nhất là nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn, thì hầu như chả ai làm rõ. Có nhiều lý do, trong đó chắc chắn có việc thỏa thuận giữa người gây tai nạn với nạn nhân, giữa bị cáo với quan tòa… để vụ việc không quá đi vào chi tiết, giữ chút thể diện(?).

Thỉnh thoảng lại xảy ra một vụ tai nạn kinh hoàng trên phố, khi một xe ô tô nào đó (cả to cả nhỏ) bỗng dưng nhảy lên vỉa hè, cắt qua đường, phi lên giải phân cách, băng qua ngã tư đang đèn đỏ giữa một rừng xe máy, thậm chí tự nhiên chạy chữ chi khiến người đi bên phải bên trái đều thành “con mồi”. Thiên hạ gọi chung đây là nạn “xe điên” (thực ra xe không làm sao, vì đa phần đều là xe có thương hiệu, thuộc loại đắt tiền, mọi thiết bị đều hoàn hảo, nên phải gọi là nạn “tài điên” mới đúng). Rồi báo chí cũng dùng luôn từ “xe điên” để gọi những vụ xe gây tai nạn kiểu ấy, cho tiện.

Vào Google gõ hai từ “xe điên”, trong vòng nửa giây cho ra gần 30 triệu kết quả, đủ thấy vấn đề đã ở tầm mức nào? Ai đó chỉ cần chịu khó thống kê thủ công, cũng dễ dàng được con số vụ “xe điên” lên tới hàng trăm. Trong khi đó, mỗi vụ như vậy thường gây hậu quả lớn, làm kinh thiên động địa người đi đường, khiến ngay cả những người ngồi yên trong nhà cũng mất ăn mất ngủ vì không biết nó có chừa mình ra? Kinh hoàng nhất là vụ xe container cán chết 4 người và làm bị thương hơn hai mươi người mới đây ở Long An. Nhìn hiện trường chẳng khác gì một vụ “thảm sát”.

Hiện trường vụ

Hiện trường vụ "tai nạn kinh hoàng" ở Long An.

Thông thường sau mỗi vụ, báo chí rầm rộ đưa tin. Nếu vụ việc phải ra tòa, người gây tai nạn bị phạt tù nặng, thì mọi người mới có cơ hội biết lý do của “thảm kịch”. Còn lại phần lớn sau đó… đều im như thóc! Quá lắm thì chỉ là dòng thông báo ngắn ngủi về kết quả giải quyết vụ việc khi chẳng ai còn quan tâm. Trong khi thứ mà mọi người chờ đợi nhất là nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn, thì hầu như chả ai làm rõ. Có nhiều lý do, trong đó chắc chắn có việc thỏa thuận giữa người gây tai nạn với nạn nhân, giữa bị cáo với quan tòa… để vụ việc không quá đi vào chi tiết, giữ chút thể diện(?).

Theo tôi, đây là một sơ suất vô cùng đáng tiếc và đáng trách.

Đáng lẽ với mỗi vụ kinh hoàng và “điên” như vậy, các ban ngành chuyên môn, trong đó có Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phải vào cuộc, phanh phui tận gốc rễ của vụ việc, phân tích dưới góc độ khoa học thuần túy, tìm ra nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Chẳng hạn, khá nhiều vụ “xe điên”, tài xế là phụ nữ. Nguyên nhân rất có thể là do khi họ học lái xe bằng xe số sàn nhưng khi lái thì lại dùng xe số tự động, những ngày đầu chân phanh chân ga không chuẩn, gây hiện tượng xe “điên”. Hoặc có khi chỉ là do họ đi giầy cao gót, mũi giầy giắt vào khe giữa ga và phanh của loại xe có số tự động. Trong trường hợp này càng cố kéo chân ra, thì cần ga càng bị ép xuống và vì cuống, nên khiến xe chồm lên mất kiểm soát? Thậm chí có thể do họ mải nghe điện thoại (tệ nhất là vừa lái xe vừa nhắn tin!) khiến giật mình khi phải xử lý tình huống, trong cơn hốt hoảng gây ra hiện tượng mất kiểm soát.

Nói chung là mỗi vụ “xe điên” đều có một nguyên nhân nào đó cực kì dễ mô tả bằng ngôn ngữ báo chí. Những nguyên nhân ấy, dù phức tạp hay đơn giản, nếu được làm rõ từng li từng tí, đăng công khai lên báo chí, lan truyền trên mạng xã hội, thậm chí in trong tờ rơi (điều này không hề vi phạm quyền riêng tư), sẽ cho hàng ngàn, hàng vạn ông bà, cô cậu tài xế một kinh nghiệm quý báu để mà không mắc phải, không lặp lại, cảnh giác đề phòng, nhắc nhau cẩn thận khi ngồi sau tay lái, nhất là những người mới biết lái xe. Biết bao là cái lợi từ việc làm rõ ràng là rất nhỏ, trong đó cái lợi lớn nhất là nhờ thế, những vụ “xe điên” chắc chắn sẽ giảm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top