Aa

Việc xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả đang có những cải thiện

Thứ Ba, 17/09/2024 - 09:14

Trong tháng 8/2024, hàng nghìn tỷ đồng dư nợ trái phiếu đã được hoàn trả tiền gốc cho nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp phát hành thành công hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ. VIS Ratings đánh giá, việc xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả đang có những cải thiện.

Tại Báo cáo tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành, VIS Ratings cho biết, trong tháng 8/2024, 13 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực bất động sản nhà ở, bán lẻ và nông nghiệp đã hoàn trả tổng cộng 2.400 tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ. Sau khi thanh toán một phần, dư nợ trái phiếu chậm trả còn lại của nhóm các tổ chức phát hành này là 8.500 tỷ đồng.

Trong tổng số 567 trái phiếu chậm trả phát sinh từ năm 2022, 63 trái phiếu đã thanh toán toàn bộ gốc lãi chậm trả cho các trái chủ và 294 trái phiếu đang trong quá trình tái cấu trúc. Tỷ lệ thu hồi chậm trả của các trái phiếu chậm trả đã tăng lên 20,8% vào cuối tháng 8/2024. Như vậy, các doanh nghiệp chậm trả trái phiếu đang có những động thái tái cấu trúc quyết liệt hơn, để có dòng tiền thanh toán dư nợ trái phiếu cho các trái chủ.

Tổng kết tháng 8/2024, lượng phát hành trái phiếu mới tăng lên 57.700 tỷ đồng, từ mức 46.800 tỷ đồng trong tháng 7/2024. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản và phần lớn là huy động trái phiếu để đảo nợ.

Đơn cử, trong tháng 8, Tập đoàn Đầu tư I.P.A (HNX: IPA) - hoạt động trong 4 lĩnh vực Dịch vụ tài chính, Bất động sản, Năng lượng và Đầu tư công ty - đã phát hành thành công 1.100 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9,5%/năm, nhằm cơ cấu lại nợ của 3 lô trái phiếu IPAH2124002, IPAH2124003 và IPAH2225001.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) cũng huy động thành công 1.000 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10,5%/năm. Trái phiếu có tài sản bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Tiền thu được nhằm cơ cấu lại các khoản nợ của KBC đối với 2 công ty con là Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (KBC sở hữu 88,6%) và Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên (KBC sở hữu 93,93%). Thời gian dự kiến trả nợ trong quý III - IV/2024. Được biết, KBC đã thanh toán hết nợ trái phiếu trong năm 2023.

Việc xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả đang có những cải thiện- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

1.000 tỷ đồng cũng là con số mà Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (HOSE: BCM) huy động thêm trong tháng 8, lãi suất từ 10,2 - 10,5%/năm. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng 2,4ha và 1,15ha đất ở tại đô thị, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương. BCM đang nợ trái phiếu khoảng 13.200 tỷ đồng.

Còn Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) cũng phát hành thành công hai lô trái phiếu với tổng giá trị 950 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, thời hạn đến năm 2027, lãi suất 9,78%/năm. NLG công bố dùng số tiền huy động được để thanh toán toàn bộ khoản gốc đáo hạn của trái phiếu NLGB2124001 và NLGB2124002. Trước đó, trong tháng 6/2024, NLG cũng đã huy động thành công lô 550 tỷ đồng, nâng tổng lượng trái phiếu từ đầu năm đến nay đạt 1.500 tỷ đồng.

Huy động số tiền lớn nhất trong tháng 8 là Đầu tư Xây dựng Thái Sơn, với gần 1.900 tỷ đồng, lãi suất cố định 12%/năm trong suốt thời gian 2 năm. Đây là trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản do Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) lưu ký.

Bên cạnh đó, VIS Ratings cũng lưu ý, trong tháng 9/2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn đạt 24.500 tỷ đồng, cao hơn so với tháng trước là 18.100 tỷ đồng.

"Chúng tôi dự kiến trong số các trái phiếu đáo hạn vào tháng 9/2024, có 1.800 tỷ đồng có nguy cơ chậm trả nợ gốc, phần lớn trong số này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó.

Trong vòng 12 tháng tới, ước tính có khoảng 18% trong số 245.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Trong số đó, 76% giá trị trái phiếu rủi ro cao thuộc các công ty trong nhóm ngành bất động sản nhà ở và xây dựng", báo cáo của VIS Ratings nêu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top