Aa

VN-Index “thử thách“ niềm tin

Thứ Sáu, 21/10/2022 - 09:15

Lãi suất tăng cùng niềm tin thị trường suy giảm kéo theo sự dịch chuyển dòng tiền từ các tài sản đầu tư rủi ro như tiền gửi của ngân hàng chuyển sang các ngân hàng thương hiệu lớn.

Thanh khoản thị trường tiếp tục xuống thấp, dòng tiền đổ vào thị trường ngày 20/10 chỉ đạt hơn 9.354 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nhà đầu tư duy trì sự thận trọng dù mức giảm của cổ phiếu đã rất lớn. Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,62 điểm xuống 1.058,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 398,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 8.392,1 tỷ đồng.

Mức thanh khoản này chỉ cao hơn một chút so với phiên ngày 19/10. Thanh khoản trên HoSE vẫn xoay quanh vùng đáy 2 năm qua. Toàn sàn HoSE có 131 mã tăng giá, 287 mã giảm giá và 92 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,02 điểm xuống 225,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 34,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 705,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 60 mã tăng giá, 110 mã giảm giá và 47 mã đứng giá.

Còn UpCOM-Index tăng 0,11 điểm lên 80,87 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 16,9 triệu đơn vị, tương ứng trên 257,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 135 mã tăng giá, 117 mã giảm giá và 66 mã đứng giá.

Điểm sáng trong phiên hôm nay là khối ngoại mua ròng trên toàn thị trường. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 183,49 tỷ đồng trên HoSE, 10,06 tỷ đồng trên HNX và 5,82 tỷ đồng trên UpCOM.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có 14 mã tăng giá thì cũng có 14 mã giảm giá và 2 mã đứng giá như FPT tăng 3%, GAS tăng 1,6%, VNM tăng 1,2%, GVR giảm 2,1%, HPG giảm 1,6%, 3 mã là KDH, POW và SSI đều giảm 1,4%.

Các nhóm chứng khoán, bất động sản, hóa chất, bảo hiểm chìm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng như VCB tăng 1,9%, ACB tăng 1,2% tạo lực nâng đỡ chỉ số VN-Index. Các mã như SHB giảm 2,7%, TCB giảm 2,4%, MBB giảm 2% đã tác động tiêu cực lên thị trường chung. 

Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,62 điểm xuống 1.058,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 398,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 8.392,1 tỷ đồng

Trong bối cảnh thị trường bị thiếu thanh khoản như hiện nay thì niềm tin là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Nếu niềm tin bị sụt giảm ở thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, ở hệ thống ngân hàng thì hệ lụy sẽ là rất lớn khi nguồn vốn nhàn rỗi sẽ tìm những nơi trú ẩn khác. Khi đó, vấn đề sẽ trở thành cấp tính và liều thuốc cần có phải mạnh và đắng hơn.

Từ đầu năm 2022, VN-Index có thời điểm đã giảm hơn 30%, rơi vào top giảm sâu hàng đầu thế giới. Bên cạnh các nguyên nhân như lãi suất tăng, áp lực lạm phát thì không ít lần thị trường còn bị rớt do tin đồn. Khi tin đồn xuất hiện đều khiến tâm lý không ít nhà đầu tư hoang mang, dẫn đến bán tháo cổ phiếu, theo đó mà thị trường chứng khoán lao dốc mạnh.

Một tháng trước, tin đồn về việc bắt một chủ doanh nghiệp bất động sản lớn được nhiều người lan truyền một cách ẩn ý, không rõ thực hư. Và rồi, cái tên Vạn Thịnh Phát xuất hiện dày đặc hơn trên các hội nhóm, sau khi ông Nguyễn Tiến Thành, chủ tịch Chứng khoán Tân Việt đột ngột qua đời. Thị trường chìm trong chảo lửa, chỉ số VN-Index giảm một mạch gần 39 điểm, nâng tổng mức giảm trong một tuần lên tới 8,5%, khiến chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường có mức giảm sâu nhất trong tuần.

Ngay sau đó, thông tin chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt tạm giam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được phát ra. Sự việc này khiến không ít nhà đầu tư dè chừng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: "Nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích cụ thể rủi ro và tiềm năng cơ hội trên thị trường chứng khoán để ra quyết định đầu tư hiệu quả".

Tiếp đến, ngày 7/10, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn. Trước tình trạng này, sáng ngày 8/10, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra thông cáo khuyến nghị người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.

ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC đánh giá, lãi suất tăng cùng niềm tin thị trường suy giảm kéo theo sự dịch chuyển dòng tiền từ các tài sản đầu tư rủi ro như tiền gửi của ngân hàng chuyển sang các ngân hàng thương hiệu lớn, đồng thời, tạo ra cuộc đua lãi suất. Thị trường trái phiếu gần như đóng băng trong nửa năm gần nhất nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đặc biệt là trong ngành bất động sản (với 47% giá trị trái phiếu phát hành). Nhà đầu tư cũng cần lưu ý rút tiền khỏi các ứng dụng đầu tư rủi ro cao hoặc chưa có chế tài quản lý, do tình trạng rút tiền hàng loạt có thể ảnh hưởng xấu đến thanh khoản của các doanh nghiệp quản lý.

Dù trên thực tế không phải tin đồn tiêu cực nào cũng thành sự thật, nhưng đều có điểm chung là ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với tin đồn, dễ bị điều chỉnh mạnh, tạo ra cú sốc lớn ngắn hạn, kể cả những thị trường phát triển cũng bị. Do đó, khi nghe tin đồn, nhà đầu tư cần phải thật sự bình tĩnh. Bởi tin đồn có thể đúng hoặc sai, nếu nhà đầu tư đưa ra quyết định trong lúc hoảng loạn sau đó phát hiện tin thất thiệt thì đã bị thiệt hại.

Dưới góc nhìn của CTCK Tân Việt (TVSI), thanh khoản thấp vẫn là điểm yếu của thị trường bởi khi thanh khoản chưa cải thiện rất khó để thị trường vượt được vùng 1.070 điểm ngay lúc này trước khi nghĩ tới việc hồi phục xa hơn. Dòng tiền trên thị trường hiện co hẹp khi liên tiếp chịu sức ép từ đà tăng của lãi suất VND, áp lực mất giá của VND so với USD và áp lực đáo hạn trái phiếu của nhiều tổ chức phát hành.

Theo đó, nhóm phân tích duy trì quan điểm VN-Index vẫn đang theo hướng tích lũy đợi cơ hội vượt qua vùng 1.070 điểm, nhưng với dòng tiền yếu như hiện tại sẽ có rất ít cổ phiếu tạo ra mức tăng ngắn hạn đủ hấp dẫn để chọn lựa khi xét tới tương quan giữa kỳ vọng và rủi ro./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top