Aa

VN-Index vượt 1.300 điểm trong phiên 30/7, nhiều cổ phiếu BĐS tăng trần

Thứ Bảy, 31/07/2021 - 06:16

Các chỉ số tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch 30/7 trước sự bứt phá của nhiều nhóm cổ phiếu. Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh do đây là phiên các quỹ ETF hoàn thành việc tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục biến động theo chiều hướng tích cực trong phiên 30/7. Tương tự như phiên trước, các chỉ số đều bật tăng ngay từ đầu phiên giao dịch và biến động ở trên mốc tham chiếu trong toàn thời gian của phiên.

Tâm điểm của phiên giao dịch này là nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản. Nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên 30/7 có sự bùng nổ do đây là phiên giao dịch các quỹ ETF mô phỏng theo các chỉ số như VNFIN Lead, VN30, VNDiamond… hoàn thành việc cơ cấu danh mục đầu tư kỳ này. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng được hưởng lợi từ hoạt động trên do VNFIN Lead đã thêm đến 6 cổ phiếu ngân hàng vào danh mục kỳ này gồm ACB, LPB, MSB, SSB, OCB và VIB. Tương tự, VN30 cũng thêm ACB, GVR và SAB vào “rổ” VN30. Trong đó, SSI Research dự báo ACB sẽ có thể được các quỹ ETF mua vào đến hơn 31 triệu cổ phiếu ở kỳ cơ cấu này.

Chốt phiên, ACB tăng 5,9% lên 36.150 đồng/cp, LPB tăng 6,3% lên 25.500 đồng/cp, MSB tăng 1,5% lên 29.650 đồng/cp, VIB tăng 2,6% lên 41.600 đồng/cp. Trong khi đó, bất chấp thông tin hỗ trợ ở trên, SSB và OCB lại giảm giá với mức giảm lần lượt 1,1% và 1,3%.

Bên cạnh đó, một cổ phiếu gây được sự chú ý cho nhà đầu tư là HVN khi tiếp tục được kéo lên mức giá trần. Tương tự như phiên trước, HVN tăng trần ngay từ đầu phiên và đều duy trì mức dư mua giá trần với khối lượng rất lớn.

Biến động các nhóm ngành cổ phiếu phiên 30/7.
Biến động các nhóm ngành cổ phiếu phiên 30/7 (Nguồn: Vietstock).

Nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch vẫn theo chiều hướng tích cực khi sắc xanh áp đảo đáng kể. Trong đó, NTB, PPI, CLG, NRC, TIG, NTL… đều được kéo lên mức giá trần. Kết quả kinh doanh nhóm bất động sản tiếp tục được công bố và là động lực đi lên của nhiều cổ phiếu thuộc ngành này. Trong đó, VPI tăng trần lên 39.050 đồng/cp. Theo kết quả kinh doanh mới được công bố, VPI lãi gần 37 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 28% cùng kỳ năm trước; doanh thu thuần đạt 313 tỷ đồng.

KDH tăng 2,3% lên 40.700 đồng/cp. Doanh thu thuần quý II/2021 tăng 42% so với cùng kỳ, đạt gần 1.112 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 4,5% lên 265 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.949 tỷ đồng, tăng 31% và lợi nhuận sau thuế 472 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Tương tự, DXG tăng 1,4% lên 21.550 đồng/cp. Theo kết quả kinh doanh quý II/2021, doanh thu thuần của DXG đạt 3.563 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước do ghi nhận đột biến từ bán căn hộ và đất nền (2.685 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 6.517 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 830 tỷ đồng.

Cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 ngành bất động sản là VIC cũng công bố kết quả kinh doanh quý II/2021. Theo đó, tổng doanh thu thuần đạt 38.451 tỷ đồng, tăng 65% cùng kỳ năm trước. Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều tăng, đặc biệt là bất động sản và công nghiệp với mức tăng tương ứng 62% và 53%. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.618 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.

Dù vậy, sự tích cực không thể lan tỏa đến toàn bộ nhóm bất động sản. Các mã như PVR, STL, AGG, IDV, NTC, IDJ, KHG… đều chìm trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 16,45 điểm (1,27%) lên 1.310,05 điểm. Toàn sàn có 259 mã tăng, 113 mã giảm và 46 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,88 điểm (1,25%) lên 314,85 điểm. Toàn sàn có 115 mã tăng, 79 mã giảm và 74 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,79 điểm (0,92%) lên 86,93 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 23.800 tỷ đồng, tăng 36%.

Khối ngoại mua ròng mạnh hơn 500 tỷ đồng, trong đó, NVL là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại với 25 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE, VIC, VHM và SZC đều là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 41,22 điểm (3,2%) lên 1.310,05 điểm; HNX-Index tăng 13,08 điểm (4,3%) lên 314,85 điểm. Thanh khoản trên hai sàn HoSE và HNX giảm so với tuần trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần với trung bình khoảng 19.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 7,3% xuống 84.860 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,5% xuống 2,6 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 2,9% xuống 10.878 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 10,8% xuống 444 triệu cổ phiếu.

Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), cuối cùng thì sau ba tuần liên tiếp giảm điểm, thị trường mà đại diện là VN-Index đã có tuần hồi phục trở lại với thanh khoản giảm nhẹ và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự mạnh, nhà đầu tư vẫn đang thận trọng với xu hướng thị trường. Điểm tích cực là việc khối ngoại quay trở lại mua ròng nhẹ khoảng gần 700 tỷ đồng trên hai sàn trong tuần qua.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện đang tiến vào vùng kháng cự tương ứng với mục tiêu của sóng hồi hiện tại nên dư địa để tiếp tục tăng trong tuần tới có thể không còn nhiều và rung lắc có thể diễn ra thường xuyên hơn. Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 2/8 - 6/8, thị trường có khả năng sẽ bước vào giai đoạn rung lắc khi mà áp lực chốt gia tăng trong vùng kháng cự 1.300 - 1.350 điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top