Aa

World Bank hủy tài trợ dự án ở Nha Trang và câu chuyện điểm nghẽn giá đất

Thứ Năm, 25/01/2024 - 06:05

Câu chuyện giải phóng mặt bằng mà cốt lõi là đền bù khi thu hồi đất vốn đã phức tạp nay lại càng phức tạp hơn khi World Bank hủy tài trợ vốn cho dự án xây kè, đường hai bên sông Cái Nha Trang.


1. World Bank hủy tài trợ

Đây chỉ là hai hợp phần nằm trong tiểu dự án tại TP. Nha Trang. Tiểu dự án này lại nằm trong Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải (CCSEP) được Chính phủ Việt Nam đề nghị và World Bank (WB) ký hiệp định tài trợ cho vay vốn đầu tư tại 4 thành phố ven biển thuộc các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Tiểu dự án CCSEP Nha Trang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2016 và điều chỉnh năm 2017 với tổng mức đầu tư 72 triệu USD (1.746 tỷ đồng). CCSEP Nha Trang gồm 4 hợp phần; trong đó hai hạng mục mà WB hủy tài trợ thuộc hợp phần 2, có vốn đầu tư hơn 10 triệu USD (250 tỷ đồng) gồm hợp đồng xây dựng kè và đường dọc bờ Nam sông Cái Nha Trang và hợp đồng xây dựng kè bờ Bắc sông Cái Nha Trang và đường Chử Đồng Tử (khu vực Tháp bà Ponaga). World Bank đưa ra hai lý do hủy tài trợ. Một là bồi thường cho dân bị ảnh hưởng từ dự án thấp hơn khung chính sách của WB; và hai là giải phóng mặt bằng chậm.

2. "Chuyện thường ngày ở huyện..."

Thực ra, chuyện giải phóng mặt bằng chậm, thậm chí rất chậm không có gì lạ, mà hầu như dự án nào ở nước ta cũng vấp phải, không ít thì nhiều, như "chuyện thường ngày ở huyện...". Ngay cả các dự án vốn đầu tư công hay các công trình trọng điểm, thì chuyện khiếu nại về giá đền bù thu hồi đất hay chậm giải phóng mặt bằng cũng xảy ra thường xuyên. Và việc phải lùi khởi công, giãn tiến độ, thậm chí nhiều năm, cũng là chuyện… bình thường (!). Bình thường đến mức, dự án nào hoàn thành đúng tiến độ và không có khiếu nại mới là… lạ (!).

Nhưng với WB thì khác. Mặc dù đã đồng ý gia hạn thêm 18 tháng, nhưng sau nhiều lần kiểm tra tiến độ, rà soát, thẩm định việc thu hồi đất và bồi thường cho người dân, WB thông báo cho UBND tỉnh Khánh Hòa "không thể tiếp tục tài trợ cho 2 hợp đồng" nói trên.

3. Sự vênh nhau về chính sách

Hai lý do mà WB đưa ra thực ra cũng chỉ là một, đó là việc bồi thường. Vì giải phóng mặt bằng chỉ là hệ quả của việc bồi thường, do người dân cho rằng đền bù không thỏa đáng nên không di dời dẫn đến không giải phóng được mặt bằng. Như vậy, suy cho cùng, vấn đề mấu chốt ở đây là giá đền bù. Trong vấn đề này có hai chi tiết đáng chú ý. Thứ nhất, WB cho rằng hợp phần trên có 50 trường hợp bồi thường cho dân thấp hơn và "không tuân thủ khung chính sách" của WB. Thứ hai, trong khi đó, lãnh đạo Ban quản lý dự án trên của Nha Trang cho rằng, việc bồi thường cho dân tại tiểu dự án này đã tốt hơn nhiều dự án khác, nhưng nhiều người dân vẫn không chấp nhận và không bàn giao đất.

World Bank hủy tài trợ dự án ở Nha Trang và câu chuyện điểm nghẽn giá đất- Ảnh 1.

Ban quản lý dự án Nha Trang cho rằng đền bù đã cao hơn nhiều dự án khác nhưng WB nói vẫn thấp hơn khung chính sách của họ chứng tỏ chính sách giữa hai bên "vênh" nhau... (Ảnh: VnExpress)

Từ đây có thể suy ra: 1/ Như vậy ở nhiều dự án mức đền bù còn thấp hơn mức đền bù ở dự án này; 2/ Mức đền bù được cho là "tốt hơn" nhiều dự án khác mà vẫn bị WB cho là "thấp" so với khung chính sách của họ, chứng tỏ quan điểm và chính sách đền bù giữa hai bên có sự vênh nhau.

4. Đơn giản nhưng không đơn giản

Sự vênh nhau này không hẳn là giữa WB với Ban quản lý dự án của Nha Trang, bởi mức đền bù bị khống chế theo luật và chính sách chung, nên Ban quản lý có muốn nâng lên cũng chẳng được. Như vậy, suy cho cùng, sự khác biệt ở đây là ở quan điểm về việc di dời giải tỏa và cách định giá đất nói chung, chứ không phải của riêng ban quản lý dự án nào. 

Bởi, WB quan tâm đến sinh kế của người dân di dời trước khi quan tâm đến tính pháp lý về mảnh đất mà họ sử dụng. Trong khi chính sách của ta, mức đền bù lại dựa vào tính chất pháp lý của mảnh đất.

Do đó, nếu có phải thay đổi thì phải thay đổi từ tư duy, trong đó có việc phải tính đến cả và quan trọng hơn cả là sinh kế và cả những thiệt hại phi vật chất của người dân có đất thu hồi, chứ không phải chỉ tính theo giá trị diện tích đất thu hồi.

Thực ra, sự vênh nhau trong chính sách đền bù giữa Ban quản lý dự án Nha Trang và WB cũng là chuyện bình thường, bởi mỗi bên đều "có cái lý" và đều tuân theo những nguyên tắc đã đặt ra của mình. Mặt khác, WB cũng không ép buộc Ban quản lý dự án Nha Trang phải tuân theo "khung chính sách" của họ.

Tuy nhiên, nếu không tuân thủ thì họ rút tài trợ, bởi đó là điều khoản chúng ta đã đồng ý với WB khi đặt bút ký và thỏa thuận. Và nói rộng ra, chúng ta có quyền giữ luật chơi của mình, nhưng có điều, nếu không chấp nhận và tuân thủ luật chơi của họ thì chúng ta sẽ không tham gia được vào sân chơi của họ.

Đơn giản thế thôi!

5. Câu chuyện điểm nghẽn giá đất

Nói đơn giản, nhưng thực ra không đơn giản, khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Và, việc WB hủy hợp đồng tài trợ vốn ở Nha Trang nói trên chỉ là câu chuyện cụ thể, để chúng ta nhìn rõ hơn nút thắt, điểm nghẽn lớn nhất trong việc triển khai các dự án từ trước đến nay, đó chính là giải phóng mặt bằng. Mà nguyên nhân ách tắc dẫn đến chậm trễ trong giải phóng mặt bằng chính là đền bù. Nguyên nhân của người dân có đất thuộc diện thu hồi không chấp nhận đền bù lại chính là mức đền bù thấp. Mà nguyên nhân của mức đền bù thấp là do định giá đất.

World Bank hủy tài trợ dự án ở Nha Trang và câu chuyện điểm nghẽn giá đất- Ảnh 5.

Điểm nghẽn về định giá đất cần nhanh chóng tháo gỡ cả về tổ chức thực hiện. (Ảnh: Zing)

Vì vậy, có thể nói, định giá đất là điểm nghẽn của điểm nghẽn cần phải nhanh chóng tháo gỡ.

Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua đã có sự thay đổi lớn trong xác định giá đất. Tuy nhiên, từ luật đến Nghị định, Thông tư và vận dụng pháp luật vẫn là một vấn đề. Và nếu chúng ta không nhất quán trong sự thay đổi, thì những điểm nghẽn gây nên những ách tắc vẫn không được tháo gỡ triệt để. Và câu chuyện WB hủy hợp đồng tài trợ ở Nhà Trang nói trên chắc chưa phải là sự việc cuối cùng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top