Được ban hành năm 2013, Luật Đất đai sau 10 năm thực thi đã bộc lộ những "lỗ hổng" về các vấn đề thu hồi đất, đền bù đất, giá đất… Do đó, việc sửa Luật Đất đai được chính thức khởi động vào tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời giao Bộ Tài nguyên và môi trường là cơ quan chủ trì xây dựng Dự án Luật.
Sau một quá trình chuẩn bị, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật).
Đáng chú ý, 18 nội dung Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thống nhất, trong đó có: Thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79); Phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất (Chương VIII); Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất;…
Tại kỳ họp bất thường lần này, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Luật lần này; đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Chính thức được thông qua sáng 18/1/2024, Luật Đất đai mới không chỉ được cơ quan Nhà nước các cấp quan tâm mà khối chuyên gia, cộng đồng các doanh nghiệp, người dân cũng mong đợi. Kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành sẽ trở thành bước đột phá trong khai phóng những điểm nghẽn liên quan đến cơ chế dịch chuyển đất đai và tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho các ngành xây dựng, bất động sản phát triển.