Thời gian qua, câu chuyện quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) được dư luận đặc biệt quan tâm. Đáng chú ý, suốt một thời gian dài, tình trạng sốt đất xảy ra ở các địa phương vùng ven đô Hà Nội, khiến cho vấn đề vi phạm đất đai, xây dựng có diễn biến phức tạp và “nóng” trở lại. Trong khi những vấn đề tồn tại cũ chưa được giải quyết dứt điểm thì một bài toán nan giải được đặt ra, đó là việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm mới phát sinh.
Còn nhớ vào năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận và nêu rõ: Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý trật tự xây dựng; chấp hành không nghiêm kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Nhằm chấn chỉnh những vi phạm trong lĩnh vực đất đai, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã ra Thông báo số 2354-TB/TU ngày 29/11/2019, giao Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng giao Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở đối với việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai…
Với riêng Huyện ủy Ba Vì, ngày 27/7/2019, Huyện ủy Ba Vì đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/HU về việc tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Ba Vì.
Chỉ thị số 36 yêu cầu: “Làm tốt công tác nắm tình hình tại cơ sở, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng ngay từ khi mới phát sinh; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị nào để xảy ra vi phạm trên địa bàn, lĩnh vực quản lý của mình mà không được xử lý kịp thời, kiên quyết thì phải chịu xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước”.
Những chỉ đạo quyết liệt là vậy, nhưng các cấp chính quyền cơ sở của UBND huyện Ba Vì lại đang để những vi phạm mới tràn lan và chưa có hồi kết trong công tác xử lý. Việc này đặt ra dấu hỏi lớn về vấn đề chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện Ba Vì và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Vào đầu tháng 12/2021, người dân đang quản lý sử dụng đất tại khu vực ven hồ Chằm Cò (thôn Gò Sống, xã Tản Lĩnh, Ba Vì) có gửi đơn tới UBND xã Tản Lĩnh và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì phản ánh việc người dân xây dựng trái phép công trình nhà ở kiên cố trên đất trồng cây lâu năm.
Sau đó, ngày 9/12/2021, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì đã yêu cầu xã Tản Lĩnh tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép tại khu vực ven hồ Chằm Cò.
Ngày 30/12/2021, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì nhận được Báo cáo số 105/BC-UBND ngày 22/12/2021 của UBND xã Tản Lĩnh, về việc kiểm tra theo đơn của công dân phản ánh một số hộ dân xây dựng lấn chiếm hồ Chằm Cò, thôn Gò Sống, xã Tản Lĩnh.
Theo báo cáo của UBND xã Tản Lĩnh, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra hiện trạng khu vực hồ Chằm Cò, thôn Gò Sống, phát hiện có một hộ dân đang xây dựng tường bao xung quanh đất và phần móng của nhà cấp 4 trên thửa đất đã được cấp Thửa đất số 18, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.724m2 toàn bộ là đất trồng cây lâu năm (theo Giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BD 763245 do UBND huyện Ba Vì cấp ngày 5/11/2010, vào sổ cấp GCN số CH 00185/QSDĐ-TL, đăng ký sang tên ông Phùng Quang Trí ngày 16/11/2021).
Ngày 11/1/2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì đã ban hành Văn bản số 05/TNMT, về việc kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai tại khu vực Chằm Cò, thôn Gò Sống. Theo đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND xã Tản Lĩnh thực hiện những nội dung cụ thể: Kiểm tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm, chủ đầu tư xây dựng công trình vi phạm tại thửa đất số 18, tờ bản đồ 11, như theo nội dung báo cáo của UBND xã.
Đồng thời, yêu cầu UBND xã Tản Lĩnh đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại nguyên trạng của thửa đất trước khi vi phạm.
Bên cạnh đó, yêu cầu UBND xã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 36-CT/HU ngày 22/7/2019 của Huyện ủy Ba Vì về việc kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng; Thông báo kết luận số 158-TBKL/HU ngày 28/12/2012 của Thường trực Huyện ủy Ba Vì về tăng cường, quyết liệt xử lý nghiêm các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện; báo cáo kết quả về Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện trước ngày 20/1/2022.
Vi phạm không xử lý, liệu có được “hợp thức hóa”?
Theo tìm hiểu, thời điểm Tổ công tác của UBND xã Tản Lĩnh kiểm tra, phát hiện chủ công trình đang xây dựng nhà kiên cố trên đất trồng cây lâu năm đã yêu cầu dừng thi công. Tại thời điểm đó, công trình xây dựng gồm các hạng mục: Xây tường bao xung quanh khu đất tiếp giáp với bờ đập hồ Chằm Cò có kích thước 50m x 2,5m. Đang thi công xây dựng phần móng nhà cấp 4 mái thái gồm: Nhà có kết cấu cốt bê tông cốt thép và xây dựng chỉ đỏ chờ cột sắt.
Vậy nhưng, sau hơn 4 tháng kể từ ngày xã Tản Lĩnh kiểm tra hiện trạng và gần 3 tháng kể từ ngày Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì yêu cầu đình chỉ thi công, công trình không những không bị tháo dỡ mà còn được tiếp tục xây dựng, biến phần “móng nhà cấp 4 mái thái” thành ngôi nhà 2 tầng kiên cố, đang trát phần tường bao quanh và các mặt tường bên trong nhà, hoàn thiện hệ thống điện nước.
Dấu hỏi lớn được đặt ra, rằng công tác quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng của UBND xã Tản Lĩnh và huyện Ba Vì được thực hiện như thế nào, mà sau khi chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý thì công trình vi phạm còn “phình to” hơn?
Trả lời Reatimes, ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cho biết: “Cái này chúng tôi cũng phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường để xử lý. Chúng tôi đã có kiểm tra, lập biên bản, đã tạm dừng thi công. Sau đó, gia đình (cá nhân vi phạm - PV) có nguyện vọng chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đã làm hồ sơ”.
Về phản ánh sau khi lập hồ sơ xử lý vi phạm, công trình này còn bành trướng thêm, ông Hùng có ý đùn đẩy trách nhiệm: “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại cán bộ Địa chính - Xây dựng, chúng tôi chỉ đạo đi xử lý việc đó”. Về việc báo cáo huyện theo chỉ đạo tại Văn bản số 05/TNMT ngày 11/1/2022, ông Hùng cho biết: “Cái này tôi sẽ kiểm tra lại cán bộ chuyên môn, văn bản này có thể là tôi hoặc Phó Chủ tịch ký”.
Nói về hướng xử lý trường hợp vi phạm trên, ông Hùng cho hay, hiện đã yêu cầu gia đình ông Trí làm hồ sơ thủ tục chuyển đổi mục đích và họ đã thực hiện, trình lên UBND huyện. “Đây là một hướng để xử lý. Nếu không chuyển đổi được thì sẽ cưỡng chế vi phạm”, ông Hùng nói.
Nếu đúng như thông tin ông Hùng cung cấp, dư luận không khỏi hoài nghi và đặt dấu hỏi liệu rằng vi phạm trên có phải đang chờ được “hợp thức hóa” hay không? Và, tại sao chính quyền cơ sở lại chậm trễ trong việc xử lý vi phạm xây dựng như vậy? Có thể, chính việc thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo của các cấp quản lý địa phương đã để công trình vi phạm này ngày càng “phình to”?
Đề nghị UBND TP. Hà Nội và UBND huyện Ba Vì, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị vào cuộc kiểm tra, có chỉ đạo xử lý quyết liệt và áp dụng những chế tài xử lý nghiêm minh với trường hợp vi phạm nêu trên.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 24/3/2022, UBND xã Tản Lĩnh cũng trả lời công dân liên quan đến việc khiếu nại hành vi làm việc của ông Nguyễn Hồng Quang, công chức Địa chính – Xây dựng xã Tản Lĩnh trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư của công dân phản ánh một số hộ xây dựng lấn chiếm hồ Chằm Cò, thôn Gò Sống, xã Tản Lĩnh. Theo đó, UBND xã Tản Lĩnh đã họp kiểm điểm cán bộ đối với ông Quang.