Aa

Xấu hổ không chịu được...

Thứ Hai, 05/04/2021 - 08:30

Tôi cho rằng cái cô giải Nhất "bịp" kia cũng là nạn nhân của tự sướng. Nếu không bị phát hiện, thì làng xóm, rồi bà con lại chẳng ồ ạt vào "phây" "like"...

Tại thành phố Pleiku vừa diễn ra một hoạt động thể thao ý nghĩa: Giải việt dã và Marathon. 

Nói riêng cái giải Marathon, mới nghe thì rất đáng để... kính nhi viễn chi thật. Mà quả là, đây là môn thể thao khốc liệt nhất, thử thách con người ghê gớm nhất. Nhưng chính vì thế mà, bên cạnh sự chuyên nghiệp của các vận động viên chuyên nghiệp, hết sức chuyên nghiệp, thì nó còn có sân chơi dành cho vận động viên nghiệp dư với nhiều cự ly khác nhau, với cái đích đến cũng khác chuyên nghiệp, ấy là anh chạy từng ấy cây số, trong từng ấy thời gian, thì được cấp cái chứng nhận đã hoàn thành cuộc chạy, ghi tên bảng vàng hẳn hoi.

Tất nhiên không thể chưa chạy bao giờ mà có thể đăng ký chạy được. Tất cả đều đã tự chạy, tự rèn luyện thường xuyên, nhiều người tham gia nhiều cuộc chạy, kể cả nước ngoài. Có nhiều người đăng ký một năm chạy đến ba bốn cuộc. Và những người chạy phong trào không những không được đài thọ mà còn phải mua vé để được chạy.

chạy marathon
Việc chạy nói riêng, thể thao nói chung, việc đầu tiên là phải trung thực. (Ảnh sưu tầm)

Và, dù gì thì gì, chạy không thể là cuộc chơi. Nó phải đổ mồ hôi, phải luyện tập, phải kiên trì, kết hợp với sự sảng khoái của những cuộc đi chạy, nhiều người coi như một chuyến du lịch, khiến con người khỏe mạnh về nhiều phương diện.

Ở cuộc chạy Marathon Pleiku mà tôi đương kể, có rất nhiều gia đình cả nhà cùng chạy. Tôi có chụp được bức ảnh hai vợ chồng và hai đứa con bé xíu trên đường chạy. Cũng như thế, thấy có một lão tướng từng lừng danh trên đường chạy mấy chục năm trước, giờ chạy phong trào, cũng cố "nuốt" hết khối lượng. Rất nhiều cặp vợ chồng mới cưới, vợ chồng son, vợ chồng... trốn con, rủ nhau đi chạy "hâm nóng" tình yêu.

Và việc chạy nói riêng, thể thao nói chung, việc đầu tiên là phải trung thực.

Mỗi người chạy được phát một cái BIB (như con chip). Khi đăng ký chạy thì anh đóng tiền và được cấp cái này. Thông tin của anh trong ấy, phải đeo trước bụng để kiểm tra và khi về đích nó sẽ quét mã để biết thời gian anh về.

Vui thì vui nhưng vẫn cần trung thực.

Mỗi một cự ly ban tổ chức quy định một thời gian tối thiểu để hoàn thành, anh về trong khoảng thời gian ấy coi như đã hoàn thành cuộc thi. Với rất nhiều người việc hoàn thành cuộc thi là sự quyết tâm, là vượt lên chính mình, một cách thử thách mình.

Thế nên mới có những bác sáu bảy mươi tuổi chạy bên những bà mẹ đẩy xe nôi, các cháu năm sáu tuổi chạy cùng ông bà mình... lấy vui là chính, lấy sự sảng khoái làm mục tiêu, vô tư, trong sáng và nghị lực, đúng tiêu chí thể thao.

Cũng cuộc chạy này, tôi chứng kiến một nữ vận động viên ung thư, chạy cự ly 10km, và chị đã về thứ 17 trong hàng mấy trăm vận động viên dự thi. Một nghị lực phi thường, một trái tim quả cảm trong một cơ thể không khỏe mạnh. Tôi biết cô bé này nhân một lần viết về một bệnh nhân ung thư khác. Bạn này vào nhắn tin: "Cháu cũng mới phát hiện bị ung thư chú ạ. Nhưng cháu sẽ chiến thắng nó, vì các con của cháu và vì công việc cháu đang làm. Cháu rất yêu công việc". Và quả là cô bé đã gần như chiến thắng. Cái việc tham gia giải chạy lần này để chứng minh và khẳng định thêm quyết tâm là cô ấy sẽ chiến thắng. Chiến thắng chính mình và chiến thắng bệnh tật, chiến thắng nghịch cảnh. Và đã thực sự như thế...

Vậy nên rất nhiều người đã sốc khi phát hiện một "vận động viên" nữ đã lấy BIB của mình gắn vào người một vận động viên nam, để anh này... chạy hộ, chị này chỉ việc đứng một chỗ cách nơi về đích một đoạn, khi anh này về đích thì "tiện thể" đưa BIB của chị này cho chính chủ, chị này chạy thêm một đoạn và... về đích. Và với sức chạy của một vận động viên nam, chị này đã... đoạt giải nhất cự ly 21 km lứa tuổi 45 trở lên dành cho nữ. 

gian lận marathon Tiền phong
"Vận động viên" nữ không trung thực trong giải chạy (Ảnh sưu tầm)

Tất nhiên là nhận huy chương, tiền thưởng, là chụp ảnh đăng phây, là "nghẹn ngào xúc động", có khi còn e lệ... cắn huy chương (nhân đây tôi xin thắc mắc, không hiểu ai là người đầu tiên "phát minh" ra cái lệ vận động viên cắn huy chương khi nhận giải để chụp ảnh. Cá nhân tôi chẳng thấy nó đẹp hay ý nghĩa gì, thậm chí thấy thô thô, buồn cười). Không biết có báo nào kịp phỏng vấn không, nếu có chắc là lại những lời có cánh những là nghị lực, danh dự, trung thực v.v...

Quả là không thể nào hiểu nổi rằng, tại sao lại có những con người hành xử kỳ lạ đến như thế. Sự háo danh đạt đến độ không thể tưởng tượng nổi, dù vẫn biết rằng bây giờ, những kẻ háo danh bằng mọi giá nhiều lắm.

Chẳng biết tự bao giờ, phong trào "tự sướng" lại phát triển mạnh đến như thế. Và ai nghĩ ra cái từ tự sướng phải nói là cao thủ. Để tự sướng người ta nghĩ ra đủ kiểu đủ cách để... sướng. Mà có khi nó có từ khi có... phây búc cũng nên. Loay hoay chụp cái ảnh thật đẹp, thật rực rỡ (và không lo không đẹp vì có các loại app hỗ trợ), rồi đăng lên rồi ngồi chờ... khen. Ai không kịp khen có khi còn bị... "block" (chặn tài khoản).

Tôi cho rằng có khi cái cô vận động viên giải nhất cự ly 21km bịp kia cũng là một nạn nhân của tự sướng. Nếu không bị phát hiện, thì làng xóm, rồi bà con lại chẳng ồ ạt vào "phây" "like" và "còm" cái ảnh cô hiên ngang đứng ở bục, tay giương cao phần thưởng... 

Trong phong trào tự sướng tới mức... thiếu kiềm chế hiện nay, việc làm của cô "vận động viên" may mà đã bị phanh phui, nó sẽ là một "sự kiện" thể thao, mà không chỉ thể thao, là sự kiện xã hội, khiến người ta nhớ mãi những tháng năm này.

Quả là xấu hổ không chịu được và cũng chẳng hiểu sao, đến cái việc khó như thế mà người ta cũng nghĩ ra để làm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top