Từ năm 1966, khi đơn vị Sẵn Sàng (Thanh niên xung phong) toàn người Hà Bắc vô đóng quân ở làng tôi để bảo vệ đoạn đường goòng từ ga Ngọc Lâm đến hang Minh Cầm, thì huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) của tôi cũng thành lập Đại đội Thanh niên xung phong 579, gọi là Xê Chín, để "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước!". Nam thanh nữ tú làng tôi chen nhau tình nguyện lên đường nhưng cấp trên chỉ duyệt được hơn chục người, trong đó có O He nhà ông mệ Mẹt Lơ.
O He bị nặng tai từ nhỏ, ai hỏi gì cũng nghệt mặt ra hỏi lại “He? he?”, nên mọi người kêu là con He. Lên sáu tuổi đi học vỡ lòng, cô giáo hỏi tên chi, ông Mẹt Lơ nói ở nhà kêu là con He. Thế là danh sách lớp có tên Trần Thị He, ghi rõ ràng trong các loại sổ sách.
O He nghễnh ngãng nặng tai nhưng khỏe mạnh ít ai sánh bằng. Đi mần thủy lợi, hai tay O cắp nách hai bao xi măng chạy phăm phăm từ đầu mương đến cuối mương, khiến đám trai làng xanh mắt. Nhà ông mệ Mẹt Lơ đông con, O He là con gái cả, tức là lao động chính, thế mà vẫn một mực xung phong đi Sẵn Sàng, trở thành gương sáng của xã.
Đơn vị O He đóng quân ở huyện miền núi Minh Hóa, phụ trách đoạn đường vận tải từ ngã ba Khe Ve đến Bãi Dinh. Đó là một cung đường trọng điểm ác liệt của đường 12A nối Trường Sơn Đông với Trường Sơn Tây; qua Cổng Trời, Cha Lo, Mụ Giạ… Tiểu đội O He phụ trách khu vực đồi Lồ Ô, là trọng điểm ác liệt nhất, có ngày hứng tới hơn trăm đợt oanh tạc của tàu bay Mỹ. Mỗi lần xuất quân lên mặt đường là các O lại làm lễ truy điệu sống. O He là một trong những tấm gương dũng cảm ngoan cường tiêu biểu. Có hôm máy bay Mỹ gào rú ném bom như xối, nhưng O vẫn hiên ngang lao lên cứu xe, cứu hàng. Có hôm tắc đường, O He chạng háng ngồi lên quả bom nổ chậm, nói to: "Các đồng chí cứ bình tĩnh mà lấp bố bom để kịp thông đường, thông xe. Khi mô quả bom ni nóng lên sắp nổ, tui hô chạy thì tất cả mới chạy nha!". Mọi người thấy O He ngồi kẹp chặt quả bom thì vững tâm lắm...
Cấp trên gửi giấy khen về địa phương, biểu dương thành tích anh dũng của đồng chí Trần Thị Thu Hệ. Xã kêu ông mệ Mẹt Lơ lên nhận, nhưng ông mệ nói, đó là con ai chứ nỏ phải con bày tui. Xã phải cử người lên đơn vị xác minh. Hóa ra khi cấp trên cử mấy anh cán bộ tuyên huấn văn hay chữ tốt về giúp O He viết báo cáo thành tích để tuyên dương danh hiệu Anh hùng, mấy anh đã đề nghị O sửa chữ He thành chữ Hệ và thêm tên lót là Thu, thành ra tên O là Trần Thị Thu Hệ, nghe kêu rổn rảng như kẻng phòng không. Ai đời, một nữ anh hùng Trường Sơn lẫm liệt như O mà tên là Trần Thị He, nghe "cú đỉn" lắm!
Giấy khen gửi về tháng trước thì tháng sau O He được thưởng phép. Cả làng ngưỡng mộ kính nể nữ Anh hùng Trường Sơn, nhưng O vẫn như con He ngày nào, siêng năng cần cù chịu thương chịu khó. Nghỉ phép được mấy ngày nhưng O chẳng ngơi nghỉ chân tay. Một bữa, O đang chổng mông quạt thóc giữa sân thì mệ Mẹt Lơ chạy sang thì thào với Mự Ngụ, nói: "Mự ơi, cơm gạo Chính phủ có khác, con He nhà tui đi Sẵn Sàng mới mấy tháng mà béo tốt nổi cả gân khu (!)".
Mự Ngụ lật đật chạy sang, ngó nghiêng hai cái đường gân nổi trên mông O He một chặp, bật cười ha ha rồi quay ra mắng mệ Mẹt Lơ: Mệ lạc hậu vừa vừa thôi, đó là con He hắn mặc quần... quần... Ờ cái quần lót tân thời của đàn bà kêu là cái chi hè? Phải rồi, cái Xi-ta-lít, gân khu mô mà gân khu?
Mệ Mẹt Lơ ngẩn ra một lúc rồi cũng cười ha ha, nói: Mự lạc hậu thì có. Xi-ta-lít là Chủ tịch nước Tây nha. Ăn nói cẩn thận cái mồm nha Mự!
Câu chuyện O He có gân khu chẳng hiểu thế nào mà loang ra khắp xã. Cũng chẳng biết có phải vì rứa mà sau ngày hòa bình, Xê Chín giải thể, O He không về quê mà ở lại thị trấn Quy Đạt lấy chồng rồi đinh cư luôn trong đó cho đến nay.
Năm kia, nhân chuyến công tác trở lại đường 12A để viết về con đường máu lửa, chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Huyền thoại Trường Sơn, tôi đã tìm gặp O He, bây giờ là Mệ He gần 80 tuổi, đang sống cùng con cháu ở sát chợ Qui Đạt. Trong câu chuyện thân tình, tôi hỏi O ơi, tại răng hồi đó thành tích O như rứa mà không được tuyên dương danh hiệu Anh hùng?
O kể: Tại cái lần cấp trên cử nhà báo về viết bài ca ngợi, O trả lời phỏng vấn thiệt thà quá. Thiệt thà như răng hở O? Thiệt thà là nhà báo hỏi vì sao bom đạn ngút trời như vậy mà đồng chí vẫn lao ra cứu xe, cứu hàng? O trả lời là tui nặng tai nghễnh ngãng có nghe bom đạn chi mô? Nhà báo lại hỏi: Động cơ gì thôi thúc đồng chí chích máu viết đơn đi Thanh niên xung phong? O nói hồi nớ thấy mấy O Sẵn Sàng dân Khu Ba về làng mình, được mặc coóc-xê và xi-líp quân nhu, O thích quá mần đơn xin đi luôn. Với lại, đi Sẵn Sàng được ăn no, chứ ở nhà một phần cơm ba phần khoai mà bữa mô cũng đói...
Cấp trên kết luận động cơ như rứa thì không được phong danh hiệu Anh hùng. Đơn vị phải chọn người khác bồi dưỡng thành tích để tuyên dương. Mình thẳng thắn thiệt thà quá thì thua thiệt, rứa đo cháu ạ!
Tôi nắm bàn tay O ngậm ngùi, nói: O ơi bài học xương máu của các chiến sĩ Trường Sơn, chúng cháu xin ghi lòng tạc dạ.../.