Ngã ba Đồng Lộc, một địa chỉ linh thiêng gắn với sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) tuổi đời từ 18 đến 20, tất cả đều là trinh nữ trở thành liệt nữ. Ai về viếng thăm Ngã ba Đồng Lộc đều được nghe bài thơ “Cúc ơi!” của Yến Thanh thật xúc động từ giọng đọc của một nữ hướng dẫn viên. Đây là bài thơ gọi hồn liệt sĩ. Ở đây còn có bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng và bức thư của chị Võ Thị Tần viết cho mẹ trước khi hy sinh được khắc vào bia đá.
Bài thơ “Cúc ơi” đã được khắc ghi trong tâm trí của bao nhiêu người. Tôi được nghe chị Yến, nguyên Phó Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, người có nhiều công lao sưu tầm các hiện vật của 10 cô gái, trong đó có tấm áo của Hồ Thị Cúc, kể rằng: Cứ sắp đến ngày giỗ các cô thì hồ nước gần đó nở đúng 10 bông hoa súng rực rỡ, sắc đỏ đẹp đến ngỡ ngàng. Cố nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo khi đến Ngã ba Đồng Lộc sau chiến tranh, ông ngạc nhiên nhận ra trên quả đồi Trọ Voi, nơi năm xưa anh hùng La Thị Tám lập đài quan sát đếm bom nổ chậm, vẫn còn sót lại 10 cây bạch đàn xanh. Trong trường ca “Con đường của những vì sao” viết về Ngã ba Đồng Lộc, ở chương “Khúc hát mười cây xanh”, nhà thơ đã viết: “Bạch đàn xỏa mái tóc xanh/ Tôi đi qua cuộc chiến tranh trở về” và “Bạch đàn mười chị em tôi/ Những ngày lửa cháy bom rơi mịt mù”.
Tôi gặp nhà thơ Yến Thanh tại nhà ông Nguyễn Thế Linh - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 552 của 10 cô gái TNXP, mới biết họ từng là đồng đội trong những ngày chiến tranh ở Ngã ba Đồng Lộc. Yến Thanh có nhiều bài thơ hay, là hội viên Hội văn nghệ Hà Tĩnh. Ông tên thật là Nguyễn Thanh Bính, còn bút danh Yến Thanh là tên lót của ông ghép với tên một cô gái TNXP là Yến, có giọng hát khá hay, ở cùng Tổng đội TNXP.
Yến Thanh tốt nghiệp trường Trung cấp Thủy bộ Hà Nội, năm 1965 được Ty Giao thông vận tải Hà Tĩnh biệt phái sang làm cán bộ kỹ thuật cho Tổng đội TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc. Yến Thanh hay sáng tác các hoạt cảnh dân ca cho đội văn nghệ và khi ra mặt đường thì ứng khẩu những câu hò đối đáp giữa nam và nữ để hò lên mà đối mặt với hy sinh, vất vả. Chữ ông đẹp, vì thế các cô TNXP thường nhờ ông viết chữ lên gối để họ thêu tặng người yêu. Các cặp chữ họ hay yêu cầu là “Hạnh phúc” hoặc chữ cái đầu tiên tên của hai người lồng vào nhau, bền chặt và đầy lãng mạn.
Yến Thanh kể: "Sau khi quả bom vùi lấp 10 cô TNXP lúc 16 giờ chiều ngày 24/7/1968, thì sau đó, thi thể 9 cô được bới tìm ra ngay vì họ ở cùng chung một căn hầm. Riêng o Cúc, người nhận đào một cái hố tròn cách đó không xa để dành cho A trưởng Võ Thị Tần chỉ huy. Ở đó, đất đồi đá cứng, khó đào, nhưng Cúc thường hay nhận những việc khó về mình.
Tuổi thơ của Cúc khá vất vả, phải bươn chải tự lực vì bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác. Chiều ngày 25/7, khi Ty Giao thông vận tải điện cho anh hùng Uông Xuân Lý đem máy ủi ra ủi để tìm Cúc thì chi bộ đại đội 552 họp đột xuất, ra nghị quyết: Tiếp tục đào bới bằng tay cho đến khi tìm được thi thể của Hồ Thị Cúc. Vì thế mà trong bài thơ “Cúc ơi” của Yến Thanh có câu: “Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc/ Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng”.
Yến Thanh kể xuất xứ ra đời của bài thơ: Khi đó, ông ngồi một mình nhìn ra ngoài vườn dưới những tán lá cọ nơi kê chiếc quan tài thứ 10 chờ thi thể Hồ Thị Cúc. Cảm xúc dâng trào trong lòng khi Yến Thanh hình dung lại hình ảnh o Cúc thường ngày ông gặp: Tóc loe xoe vàng, mặt luôn tư lự, luôn có vẻ buồn buồn, vì thế mà o Cúc có biệt danh là “Cúc mục”. Thế là mạch thơ ùa ra. Ông viết chỉ trong hai tiếng đồng hồ, không cầm nổi nước mắt.
Bài thơ có giọng điệu tự sự, mộc mạc, chân tình, như một sự trải lòng, dồn nén, và cuối cùng là tiếng nấc: "Cúc ơi!" như tiếng gọi hồn người đồng đội đã mất. Ban đầu, ông đặt tên bài thơ là “Hồn trinh nữ ở đâu”, rồi lại xóa, bởi nghe mang máng như chất giọng của nhà thơ Nguyễn Bính khóc cô hàng xóm. Sáng ngày 26/7/1968, ông và Bí thư Chi bộ C552 ra hiện trường cạnh hố bom, ở đó có một bàn thờ dã chiến khói hương nghi ngút. Ông thành kính thắp hương và đọc thầm bài thơ “Cúc ơi!” như một nén tâm nhang trước linh hồn người đồng đội. Đọc xong, ông hóa bài thơ bùng cháy cạnh hố bom thì khoảng 10 giờ trưa đồng đội đã tìm được o Cúc ở cái hầm tròn. Đầu o đội cái nón bẹp dí, vai dựa vào cán cuốc. Thi thể o còn nguyên vẹn nhưng tím bầm, hai bàn tay đầy máu khô. Có lẽ trong những giấy phút cuối cùng, o Cúc đã tận lực cào bới...
Tôi hỏi Yến Thanh: Bài thơ này có thể là bài thơ sớm nhất viết về sự hy sinh của 10 cô TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc, vậy nó được công bố khi nào? Yến Thanh kể: Một dịp, nhà thơ quân đội Phạm Ngọc Cảnh, cũng quê Hà Tĩnh, đi qua Ngã ba Đồng Lộc, Yến Thanh chép bài thơ “Cúc ơi!” gửi cho nhà thơ. Hai tháng sau, Đài tiếng nói Việt Nam trong chương trình “Tiếng thơ” đã giới thiệu bài thơ “Cúc ơi!” qua giọng ngâm trầm ấm rất xúc động của nghệ sĩ Văn Thành. Nhưng phải đến năm 1991, bài thơ mới in ra trên báo.
Yến Thanh trầm ngâm, hai mắt đỏ hoe, kể tiếp: Buổi trưa tìm được thi thể của Hồ Thị Cúc, tháng 7, Đồng Lộc rất nóng, gió Lào thổi rát mặt, thi thể liệt sỹ phình to, không bỏ lọt quan tài. Một tình huống thật khó khăn vì ở đây không có cỗ quan tài nào rộng như thế. May thay, ở trong xóm có một ông cụ rất có kinh nghiệm trong việc mai táng. Cụ lấy hai chiếc đũa bếp (loại đũa để dùng xới cơm) bế thi thể o Cúc đặt lên mặt quan tài. Cụ vừa khấn nguyện vừa khéo léo dùng hai chiếc đũa ấy ấn dần và thật ngạc nhiên, thi thể o Cúc đã nằm vừa vặn trong cỗ quan tài mà không cần phải nắn gãy xương tay chân như một phương án ban đầu đưa ra.
Bài thơ “Cúc ơi!” không kể về chiến công gan dạ, anh hùng của người đã khuất mà chỉ nhắc về kỷ niệm quê hương như tâm tình và đặc biệt là lời điệp khúc: “Cúc ơi em ở đâu!” và “ Em ở đâu hỡi Cúc!” cùng tiếng gọi hồn người đã khuất: “Cúc ơi.. ời .. ơi”, vẫn như còn vọng lại, lay thức đến hôm nay, vẫn làm xúc động biết bao nhiêu tấm lòng...
Cúc ơi!
Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ mặt:
Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh.
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
Chín bỏ làm mười răng được.
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em thì xanh
Áo em thì mỏng!
Cúc ơi! Em ở đâu?
Về với bọn anh tắm nước trong Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ
Bài toán lớp 5 em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn
Em ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em:
Đũa găm, cơm úp
Gọi em
Gào em
Khản cổ cả rồi
Cúc ơi... ời... ơi!
Hà Tĩnh, ngày 20 tháng 7 năm 2021
* Chú thích ảnh:
1. Nhà thơ Yến Thanh bên mộ Hồ Thị Cúc
2. Bản thảo viết tay bài thơ “Cúc ơi!” của Yến Thanh
3. Yến Thanh đang đọc bài báo viết về 10 cô TNXP và bài thơ “Cúc ơi!”