Không biết vì sao quê tôi gọi loại cây có quả này là “Tầm táo”. Gõ trên Google không thấy vùng nào gọi vậy. Một số nơi gọi là cây keo, cây tanh tách... mỹ miều hơn, như cách gọi của Nghệ An là Xi na. Được bạn bè trên Facebook mách bảo, tôi lục tung internet, thì tên “phổ thông” nhất là cây keo dậu hay keo giậu. Gọi là keo giậu, chắc vì nhiều nơi trồng làm hàng rào chăng?
Danh pháp của loại cây này là Leucaena leucocephala (thuộc họ trinh nữ Mimosaceae), còn có tên khác là táo nhơn (hoặc táo nhân), bọ chét, keo giun, bồ kết dại, cây muỗng.... Thôi kệ, là gì thì cũng là một thời ấu thơ của tôi, của quá vãng. Tôi gọi theo cách gọi quê nhà.
Xứ Nghệ, những năm tôi lớn lên, quãng từ 1965 – 1977, trước khi tôi ra Hà Nội học tập, thật là khổ. Thậm khổ. Trẻ con đói và rách.
Tôi nhớ “đồng quà, tấm bánh” mẹ đi chợ về dỗ mấy anh em tôi, để trên nóc mủng (dụng cụ nhà nông đan bằng tre, nhỏ hơn thúng) nay là xâu cậy, mai là bó tầm táo đã luộc sẵn. Hoa trái thời tôi còn ở thôn quê, được nhìn thấy loanh quanh cũng chỉ mấy quả chuối hột, chuối ngự, dứa, thị, mít, cam, bưởi... Tất nhiên, không phải nhà nào cũng có.
Không phải như bây giờ, đầy đủ cây trái của thời thị trường. Na Lạng Sơn, xoài cát, thanh long, nhãn Hưng Yên, bưởi Diễn, bưởi da xanh Nam Bộ... trong vườn nhà tôi ở quê, mỗi loài một gốc. Dân Xứ Nghệ bây giờ đã biết ăn rau xanh, củ quả, hoa trái...
Thời tôi ở quê, cuộc sống người Nghệ thật đơn giản. Lo đủ cơm, khoai, sắn đã bở hơi. Bữa cơm dọn lên, thức ăn chỉ là con cá trích mua ngoài chợ, con cá đồng cha đi bừa bắt được, cà muối mặn ăn quanh năm... Không ai nghĩ đến rau xanh. Trong vườn nhà, may ra có luống cà, vài cây rau dền ta (dền xanh). Cây dền xanh, cao thẳng đứng, khi không còn ra cành để luộc nữa thì đẵn gốc, tước vỏ và muối mặn cùng cà, nhút...
Sáng nay xuống vườn mẹ vợ của chú em trai tôi, bất ngờ tôi gặp cây tầm táo trĩu quả. Tôi quan sát thì thấy thế này, lá tầm táo có hai lần kép lông chim, có cuống chung dài chừng hơn mười phân, phía dưới phình lên và có một hạch ở dưới đuôi cuống phụ đầu tiên. Trên cuống có lông ngắn nằm rạp xuống. Lá chét từ hơn chục đôi, gần như không cuống, hình liềm, nhỏ ở đầu, dài 10 - 15mm, rộng 3 - 4mm. Một vài bông hoa nở muộn màu trắng, hợp thành hình cầu có cuống.
Có lẽ vì quả y chang quả bồ kết nên có nơi còn gọi tầm táo là bồ kết dại. Quả giáp dài cũng mươi, mười ba phân, rộng chừng mười lăm ly, đầu có một mỏ nhọn. Nghe nói khi chín, hoặc khô, quả màu nâu, mỏ đầu quả cứng. Tầm táo có thể ăn sống, có thể luộc lên. Loài quả dân dã này, bà nội tôi bảo rất tốt cho trẻ con. Ăn vào, trẻ con đỡ bị giun kim. Có lẽ vì tác dụng này mà tầm táo có nơi còn gọi là cây keo giun chăng. Chắc là thế.
Nghe đồn rằng, thời Pháp thuộc, mấy thầy thuốc “Tây mũi lõ” đã thí nghiệm dùng tầm táo trị giun ở Bệnh viện Đồn Thủy (cơ sở của Bệnh viện quân đội 108 hiện nay), cho kết quả tốt.
Thường mẹ đi chợ về mua vài bó. Rất rẻ, nhưng chẳng có tiền mua thêm. Anh em chia nhau, bóc vỏ ra, nhặt hạt ăn. Mỗi quả tách ra có chừng 15, 20 hạt, hạt dẹt chỉ hơi phồng lên thôi, sắp nghiêng trong quả, phẳng nhẵn, màu nâu nhạt, hình bầu dục, hơi lẹm ở phía dưới. Bỏ vào miệng, thơm và bùi. Ăn quả xanh, có vị nồng nhưng nếu ăn quen lại thấy ngầy ngậy, có vị béo riêng, nhưng dễ say.
Không biết bây giờ chợ quê còn không? Dễ đến ba mươi năm nay, tôi không đến chợ quê, bởi quê tôi giờ đã lên phố, khuôn mặt chợ quê biến dạng thành chợ phố. Chắc sẽ không còn ai bán nữa. Trẻ con bây giờ thừa dinh dưỡng, bữa ăn bố mẹ phải nạt nộ. Đứa nào đoái hoài đến những loài quả rẻ tiền của thời xa xưa? Với tôi, quả tầm táo, dẫu cũng lâu lắm rồi không ăn, nhưng nó là một phần của ký ức. Thơm thảo như giọt mồ hôi mẹ tôi lăn trên khuôn mặt, thấm vào từng nếp áo.
Tôi quan sát từng chùm quả choãi ra trong nắng, trong vườn nhà bà thông gia. Óng ánh, nắng chan đều mặt lá. Ve sầu mở tiệc đồng ca buổi trưa. Nhìn thân thương không chịu được. Bà thông gia (quê Xứ Nghệ hay gọi thế, con ông lấy con bà, thì con cháu đều gọi nhau là ông, bà thông gia), bảo chim đưa hạt về hoặc “trời trồng”. Tức là mọc tự nhiên. Tự trồng vừa mất đất, vừa không ai ăn, ai dại gì trồng?
Điều gì tự nhiên dường như có sức sống mãnh liệt. Nhân tạo, chăm bẵm, o bế... thường kém về sức chịu đựng nắng gió, mưa bão, hạn hán. Đến con người cũng vậy, tự lập là một giá trị sống. Không cứ “con ông, cháu cụ” được chăm bẵm, sắp đặt sẵn vinh hoa phú quý, quyền lực mà trường tồn.
Bà nội dặn trước khi ra Hà Nội: “Sống đơn giản đỡ lo, nói đơn giản dễ hiểu”. Bà không có tiền lận lưng cho đứa cháu yêu, chỉ cho tôi câu nói này trước khi xa nhà, “lăn” vào cuộc đời. Thưa bà, thưa mẹ, gần trọn đời lăn lộn cháu con luôn vậy.
Bây giờ, ông bà, bố mẹ đều đã về cõi mây trắng. Tôi nhớ ông bà nội, nhớ bố mẹ vô cùng. Tầm táo quê nhà như tấm lòng mẹ, giãi cùng mưa nắng, thảo thơm.../.