Aa

Xin 10 phút làm Chủ tịch UBND TP. Hà Nội!

Thứ Sáu, 14/02/2020 - 13:55

Tính pháp lý đã không vững thì mấy ai dám công khai, minh bạch, ai dám đi thuyết phục người dân, ai bảo đảm tất cả các bên liên quan đều tâm phục khẩu phục?

Trong khoảng hơn một tháng gần đây, UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) đã 2 lần định “âm thầm” xử lý triệt để vụ vi phạm quản lý xây dựng của Tòa nhà 8B Lê Trực mà không thành.

Lần đầu là vào ngày cùng tháng tận, giữa đêm 30/12/2019, chính quyền phường cho xe cần cẩu, tháp cẩu đến với dự định phá dỡ tầng 17 và 18 của Tòa nhà nhưng đã bị người dân mua nhà ở đây ngăn chặn, không cho thực hiện.

Rồi đến hôm vừa rồi, ngày 8/2/2020, người dân nghe tin, chính quyền phường lại “bí mật” cho phép một công ty đến để làm việc và lắp cẩu mà không có một quyết định hay hồ sơ pháp lý nào, người dân lại tập hợp lại để phản đối. Kết cục, mọi việc vẫn y nguyên như nó xảy ra cách đây gần 5 năm.

Một câu hỏi rất trọng yếu được đặt ra: Vì sao chính quyền đang bảo vệ quyền lợi của dân mà lại có những quyết định và hành vi thiếu minh bạch (thú thật, tôi rất muốn dùng từ “mờ ám” nhưng thấy nó hơi nặng) như vậy?

Tình trạng này chỉ có thể xảy ra khi: Thứ nhất, chính quyền không tin dân và dân cũng không tin chính quyền; thứ hai, sự việc xảy ra liên quan đến cả hai bên nhưng đều không dám đối thoại với nhau vì thiếu cả tình lẫn lý; thứ ba là do sức ép của trách nhiệm và của cấp trên nhưng thiếu lý lẽ để thuyết phục dân chúng...

Người dân căng băng rôn mong muốn lấy lại nhà tại 8B Lê Trực sau nhiều năm chờ đợi

Là người theo dõi vụ việc này nhiều năm qua, lại là một công dân yêu Thủ đô nước mình đến cháy lòng, tôi rất muốn “làm Chủ tịch TP. Hà Nội” trong 10 phút để xử lý dứt điểm việc này.

Các nguyên tắc được đặt ra: Một là phải dựa vào các văn bản pháp luật; hai là phải minh bạch, công khai; ba là phải thuyết phục được dân chúng; bốn là tất cả các bên liên quan phải tâm phục khẩu phục.

Tuy là 4 nguyên tắc nhưng nếu thực hiện được 2 nguyên tắc đầu thì với 2 nguyên tắc sau cũng coi như đã thực hiện được phân nửa rồi.

Vậy Tòa nhà 8B Lê Trực được sinh ra như thế nào?

Ngày 05/12/2008, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã ký Quyết định số 2452/QĐ-UBND về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường tỷ lệ 1/500 tại lô đất này. Theo đó, chiều cao công trình không vượt quá 70m và số tầng không quá 20 tầng. Theo quy định của pháp luật, đây là văn bản quy phạm pháp luật, mọi quy định của văn bản này sẽ “được Nhà nước bảo đảm thực hiện”, trừ khi có những văn bản ở cấp cao hơn bãi bỏ.

Tôi sẽ đặt ngay một câu hỏi trong đầu: Bây giờ bắt “nó” tụt xuống còn 18 tầng và 53m thì Quyết định số 2452/QĐ-UBND kia đã bị bãi bỏ chưa? Theo các nguồn thông tin thì cho đến nay, văn bản này vẫn còn giá trị pháp lý. Vậy thì việc “được Nhà nước bảo đảm thực hiện” sẽ xử lý như thế nào đây? Nhà nước ở đây là mình đại diện chứ còn ai?

Với trách nhiệm cao cả ấy, tôi bắt buộc phải kiểm tra lại ý kiến của các cơ quan tham mưu về vấn đề này như thế nào.

Văn bản số 499/QHKT-P3 ngày 16/3/2009 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc Chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc dự án tại số 8B phố Lê Trực. Theo đó, tổng diện tích khu đất 5.683,5m2 (trong đó, 1.941,82m2 đất để mở đường của thành phố; 3.741,68m2 là đất dự án). Tại văn bản này xác định: “Khối cao tầng có khối đế 5 tầng, khối tháp 17 tầng (tính cả chiều cao khối đế) và 2 tầng kỹ thuật, 3 tầng hầm”. Tổng chiều cao công trình là 69,1m (tính từ độ cao sàn tầng 1 đến đỉnh mái).

Văn bản số 2154/SXD-TĐ ngày 7/4/2009 của Sở Xây dựng Hà Nội thông báo Kết quả thẩm định thiết kế cở sở. Theo đó, Sở đã xác định tất cả các văn bản nêu trên là phù hợp với các quy định hiện hành, trong phần những lưu ý, yêu cầu đối với chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế có đoạn viết: “Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở, Chủ đầu tư cần gửi hồ sơ về Sở Xây dựng để xác nhận và lưu trữ trước khi phê duyệt dự án đầu tư. Các bước thiết kế tiếp theo do Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt (sau khi dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) nhưng không được trái với thiết kế cơ sở đã được thẩm định...".

Hoàn toàn thuận chèo mát mái, không có một kiến nghị phản đối nào. Vậy con số hạ chiều cao công trình xuống còn 18 tầng và 53m là ở đâu ra nhỉ?

Đây rồi, Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 của Sở Xây dựng Hà Nội điều chỉnh công trình này xuống còn 18 tầng, chiều cao công trình 53m.

Ồ, cái “anh chàng này” căn cứ vào đâu mà đưa ra một con số “chắc như cua gạch” thế này? Liệu Chủ tịch Thành phố hồi đó có ra văn bản pháp lý nào chỉ đạo không? Không tìm thấy!

Mà cái giấy phép này dù có văn bản nào đó của Thành phố bảo hộ giá trị pháp lý thì cũng không được phép sử dụng vì nó vi phạm các quy định của Quốc gia.

Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành TCXDVN 323:2004 "Nhà ở cao tầng - Tiêu chuẩn thiết kế". Tại tiêu chuẩn 6.2.4.12 quy định: Chiều cao thông thủy các phòng ở không được nhỏ hơn 3m và không được lớn hơn 3,6m. Chú thích: Chiều cao thông thủy là chiều cao từ mặt sàn đến mặt dưới của trần.

Về Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 của Sở Xây dựng Hà Nội, công trình được cấp phép chiều cao là 53m và 18 tầng nổi, có 4 tầng hầm. Chiều cao bình quân của các tầng là 2,94m (53m: 18 tầng = 2,94m). Trừ đi chiều dày bê tông dầm sàn, trần 0,6m, chiều cao thông thủy của một tầng chỉ còn khoảng 2,36m.

Tôi dù là người ít gần dân và khi đi ngủ cũng ít khi ngắm trần nhà, tuy nhiên vẫn cảm thấy rằng, nếu căn hộ có trần chỉ cao có 2,36m thì chỉ nên làm kho chứa hàng là phù hợp.

Những chứng cứ trên đã khiến tôi toát mồ hôi hột, cả 4 nguyên tắc đặt ra lúc đầu đều bị đảo lộn. Tính pháp lý đã không vững thì mấy ai dám công khai, minh bạch, ai dám đi thuyết phục người dân, ai bảo đảm tất cả các bên liên quan đều tâm phục khẩu phục?

Hôm vừa rồi, Chủ tịch UBND quận Ba Đình lần đầu tiên tổ chức cuộc họp báo về vấn đề này nhưng làm sao dám phán xét sai đúng với các văn bản của cấp Sở và cấp cao hơn. Mà nói chung chung thì dân không phục. Khi dân không phục thì chính quyền đâu có thể quay mặt đi mãi được?

Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Xuân Long

Vì đã trót xin làm Chủ tịch UBND thành phố trong 10 phút, tôi bắt buộc phải ra “quyết định”: Hoặc là phải hợp pháp hóa cái giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD kia bằng cách thu hồi các văn bản pháp lý cao hơn nó đã sinh ra tòa nhà; hoặc là nghiên cứu kỹ hồ sơ, sau đó dành một buổi trực tiếp đối thoại với người dân một cách công khai, minh bạch để tìm phương án ít xấu nhất, nhanh nhất để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân!

Bởi Bác Hồ đã căn dặn rằng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong” kia mà!

Còn nếu cho tôi 10 phút nữa thì tôi sẽ đặt mình vào hoàn cảnh những người dân có nhà mua hợp pháp mà 5 năm phải đi thuê nhà để xem tâm cảm như thế nào. Và nếu cho nữa thêm 10 phút thì lại đặt mình vào hoàn cảnh của nhà đầu tư với một công trình 12 năm không được nghiệm thu và đưa vào hoạt động thì sẽ xoay xỏa ra sao...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top