Aa

Xu hướng dòng vốn bất động sản 2025

Thứ Hai, 27/01/2025 - 06:40

Quy mô dòng vốn trên thị trường bất động sản 2025 có nhiều khả năng lớn hơn so với năm 2024. Tuy nhiên, việc phân bổ dòng vốn sẽ không đồng đều giữa các phân khúc.

Quy mô dòng vốn trên thị trường bất động sản 2025 có nhiều khả năng lớn hơn so với năm 2024. Tuy nhiên, việc phân bổ dòng vốn sẽ không đồng đều giữa các phân khúc. Điều này là do dòng vốn chảy vào bất động sản phụ thuộc nhiều vào hiệu quả các chính sách tài chính, cải cách thể chế, biến động thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là khả năng hồi phục của các phân khúc.

Nhiều động lực thúc đẩy dòng vốn chảy mạnh vào bất động sản

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến 2029.

Trên thực tế, Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều kế hoạch phát triển mạnh mẽ cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, trong đó, 2025 được xem là năm bứt phá quan trọng. Chính vì vậy, ngay từ cuối năm 2024, Chính phủ đã ban hành nhiều công điện về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm nay, nổi bật là Công điện số 137/CĐ-TTg.

Công điện nêu rõ, cả nước năm 2025 sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8%; tăng trưởng GRDP của địa phương tối thiểu ở mức 8 - 10%, nhất là TP. Hà Nội, TP.HCM; điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; hạ lãi suất cho vay; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi (gói tín dụng nhà ở xã hội, hỗ trợ nông, lâm, thủy sản…);…

Năm 2025, Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc, sân bay mới và hệ thống đường sắt đô thị… Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước trong năm nay ước gần 800.000 tỷ đồng, cao hơn con số 670.000 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024.

Xu hướng dòng vốn bất động sản 2025- Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong

Bên cạnh tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế thông qua các chính sách điều tiết vĩ mô ổn định, mở rộng đầu tư công, nước ta hiện nay cũng đang từng bước tháo gỡ các "nút thắt" thể chế để góp phần khơi thông dòng vốn trên thị trường bất động sản. Đồng thời, Ban Chỉ đạo của Chính phủ, các Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của một số địa phương đã và đang phối hợp, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, đi đôi với nỗ lực tái cấu trúc của các doanh nghiệp bất động sản để tồn tại chờ cơ hội phục hồi trở lại.

Đặc biệt, thời điểm kết thúc năm 2024 được đánh dấu bởi việc 63/63 tỉnh thành công bố quy hoạch tổng thể được phê duyệt là nền tảng quan trọng để gỡ "nút thắt" quy hoạch và giải bài toán phát triển đô thị.

Với việc quy tụ nhiều động lực tích cực, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ chuyển biến tốt trong năm 2025. Khi thị trường hồi phục tốt, dòng tiền của người mua thực cũng như nhà đầu tư sẽ đổ mạnh về đây.

Bất động sản công nghiệp tiếp tục sứ mệnh "dẫn dắt"

Bất động sản công nghiệp đã hoàn thành rất tốt vai trò là phân khúc "dẫn dắt" thị trường bất động sản hồi phục trong năm 2024. Bước sang năm 2025, với lực đẩy chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành sản xuất, đặc biệt là xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc tăng mạnh, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục sứ mệnh là phân khúc đi đầu của thị trường.

Theo khảo sát của JETRO (Nhật Bản), trong hai năm 2024 - 2025, hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh do coi Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất trong ASEAN.

Thông tin mới đây từ Tập đoàn Google (Mỹ) cũng cho biết, doanh nghiệp dự định mở văn phòng ở Việt Nam vào tháng 4/2025. Nvidia (Mỹ) cũng sẽ mở trung tâm R&D để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.

Việc gia nhập mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI sẽ khiến nhu cầu đầu tư phát triển nguồn cung bất động sản công nghiệp gia tăng. Trên thực tế, giai đoạn vừa qua không ít "ông lớn" trong ngành bất động sản công nghiệp đã tích cực gom đất để nắm bắt cơ hội mở rộng các dự án trong giai đoạn tới. Một số doanh nghiệp trước đây vốn không phát triển bất động sản công nghiệp cũng đã lấn sân vào thị trường này khi nhìn thấy tiềm năng rộng mở.

Xu hướng dòng vốn bất động sản 2025- Ảnh 2.

Bất động sản công nghiệp tiếp tục sứ mệnh "dẫn dắt" thị trường. (Ảnh minh họa: Cường Nguyễn)

Đất nền và nhà ở thương mại giữ vị trí thứ 2

Ngoài bất động sản công nghiệp, năm 2025, dòng vốn sẽ chảy mạnh vào phân khúc đất nền do nhiều dự án đấu giá đất tiếp tục được triển khai tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác. Đặc biệt là đất nền đã tách thửa, có pháp lý chuẩn chỉ tại khu vực hạ tầng phát triển, tiềm năng tăng giá cao.

Bên cạnh đó, dòng vốn cũng sẽ chảy vào phân khúc nhà ở thương mại do những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các địa phương và cơ quan bộ, ngành. Nhiều địa phương như TP.HCM, Bình Định, Bình Dương đã có những bước tiến đáng kể trong việc giải quyết vấn đề pháp lý cho các dự án. Từ đó, tạo niềm tin cho sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong năm nay.

Theo ước tính từ nhiều đơn vị nghiên cứu, thị trường chung cư sẽ được bổ sung 23.000 - 30.000 căn trong năm 2025 và 24.000 căn trong năm 2026, gần gấp 3 lần so với năm 2023.

Dòng vốn cho phân khúc nhà ở thương mại tăng lên còn do giá chung cư dự báo sẽ điều chỉnh về mức phù hợp hơn. Năm 2025, đà tăng giá chung cư sẽ không còn quá mạnh như năm 2024 bởi các chính sách điều tiết thị trường bắt đầu có độ ngấm và nguồn cung được dự báo sẽ cải thiện. Phân khúc nhà ở xã hội cũng đang được nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia phát triển./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top