Nguồn vốn luôn là yếu tố cốt lõi trong mọi loại thị trường thương mại, nhất là thị trường bất động sản. Đối với các doanh nghiệp bất động sản, vốn không chỉ là điều kiện tiên quyết để duy trì sự tồn tại và phát triển, mà nó còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, xác lập địa vị pháp lý và đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng mục tiêu.
Vốn được ví như "mạch máu" đối với các doanh nghiệp, và thị trường bất động sản không ngoại lệ bởi đây là ngành cần nguồn vốn lớn. Thị trường bất động sản sẽ "bất động" nếu thiếu dòng vốn. Để thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn cung bất động sản đưa ra thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp rất cần đến nguồn vốn lớn và được huy động từ nhiều kênh để đảm bảo có dòng tiền bền vững.
Mặc dù thị trường bất động sản đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực sau giai đoạn dài chìm trong khó khăn, tuy nhiên, dòng vốn đổ vào thị trường vẫn còn khá "nhỏ giọt". Ở thời điểm hiện tại, không ít doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phải vật lộn với "bài toán" dòng tiền, khi khả năng tiếp cận vốn từ nhiều kênh vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, cần triển khai nhiều giải pháp để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, tạo động lực để thị trường bất động sản "cất cánh".
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đã đề xuất 3 phương án trọng tâm. Thứ nhất, đối với giải ngân vốn đầu tư công, cần thực hiện tháo gỡ các khó khăn trong thủ tục khởi công dự án, các hồ sơ, thủ tục đầu tư cần được sớm chuẩn bị; phân bổ nguồn vốn đầu tư công sớm tại các bộ, ngành, địa phương, điều chỉnh nhanh giá cả theo giá thị trường; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, giải quyết các vướng mắc tại một số địa phương...
Thứ hai, với nguồn vốn tín dụng, cần thực hiện nhanh chóng, nghiêm túc và linh hoạt các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để có thể thực hiện cho vay theo dòng tiền, cho vay theo hợp đồng của các doanh nghiệp bất động sản. Đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần tiếp tục xem xét các động thái của doanh nghiệp, qua đó kịp thời có các biện pháp thay đổi, chỉnh sửa cơ chế, chính sách phù hợp.
Thứ ba, với việc thu hút vốn FDI, cần xem xét đổi mới các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI tiếp cận thủ tục đầu tư, ưu đãi trong việc giảm chi phí đầu tư, giải phóng mặt bằng cũng như tuyển dụng công nhân. Đồng thời, đẩy mạnh số hóa các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng kho dữ liệu toàn diện để giảm thiểu chi phí tiếp cận, thẩm định và rút ngắn quá trình xét duyệt đưa ra quyết định đầu tư.
Ở góc độ huy động vốn thông qua kênh trái phiếu, GS.TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh, cần rà soát tình trạng tài chính của các công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn; căn cứ vào đó để khoanh vùng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu (chủ yếu là các nhà phát triển bất động sản) có thể hỗ trợ. Cùng với đó, tăng cường theo dõi, giám sát các trường hợp doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có liên quan phát hành trái phiếu doanh nghiệp khối lượng lớn.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần có các biện pháp giám sát, ngăn ngừa hiện tượng luân chuyển vốn trực tiếp giữa các Ngân hàng thương mại hoặc gián tiếp luân chuyển vốn thông qua các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… nhằm mục đích mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ do công ty liên quan của cổ đông ngân hàng phát hành.
Đặc biệt, GS.TS. Tô Trung Thành khuyến nghị, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về an toàn vốn của các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng áp hệ số rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức phát hành không được xếp hạng tín nhiệm cao hơn trái phiếu doanh nghiệp đã được xếp hạng tín nhiệm; cần khuyến khích sự phát triển của các nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường bất động sản, thông qua việc thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư bất động sản.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia bổ sung, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp), cần có các cơ chế, chính sách để hình thành, phát triển, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản – REIT). Việc thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư bất động sản sẽ giúp đa dạng hóa nguồn vốn, giảm áp lực cho ngân hàng.
Đưa thêm một số giải pháp cho doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các đơn vị này cần chủ động tham gia đối thoại với cơ quan quản lý, đề xuất những kiến nghị, giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật; cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá lại tình hình tài chính, cơ cấu lại danh mục đầu tư, tập trung vào những phân khúc có tiềm năng, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, nợ đáo hạn.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu và tận dụng các gói hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tài khóa, thuế, phí, tín dụng, cơ cấu lại nợ; chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, không nên phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng, mà cần chủ động tìm kiếm các nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu, hợp tác đầu tư; đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, tập trung vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội; chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn, ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành, kinh doanh bất động sản, phát triển các dự án xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.
"Để có thể thực hiện được những giải pháp nêu trên, bản thân doanh nghiệp cần phải không ngừng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro, xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, chuyên nghiệp. Tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển bền vững", TS. Cấn Văn Lực khẳng định./.