Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với chung cư: Làm gì để không "chết yểu" trên bàn giấy?
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, áp dụng từ ngày 15/4/2018, nghị định này sẽ thay thế nghị định số 35/2003/NĐ-CP trước đó.
Theo đó, tất cả nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.
Thực tế, dù có quy định từ rất lâu nhưng cả chủ đầu tư, ban quản lý và cư dân đều không mặn mà với bảo hiểm cháy nổ. Chỉ đến khi vụ cháy chung cư Carina Plaza (Q.8, TP.HCM) xảy ra, nhiều cư dân và cả chủ đầu tư mới giật mình mới tìm hiểu về bảo hiểm này.
Vậy nghị định số 23/2018/NĐ-CP ra đời có những điểm mới đặc biệt gì, có khắc phục được tình trạng thờ ơ trước "giặc lửa" của nhiều chủ đầu tư và cư dân sống trong các tòa cao ốc? Và làm thế nào để nghị định thực sự mang hơi thở của cuộc sống chứ không đơn thuần được đưa ra rồi "chết yểu" trên bàn giấy?
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nguồn cung nhà ở TP.HCM dự báo không ngừng tăng
Trước đó, báo cáo tình hình thị trường bất động sản năm 2017, dự báo năm 2018 của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, trong năm 2017 toàn thành phố đã phát triển được 10,11 triệu mét vuông sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở thành phố lên 162,25 triệu mét vuông, bình quân đạt 18,87 mét vuông/người.
Trong đó, nhìn tổng thể toàn thành phố, khu vực nhà dân tự xây dựng hiện nay vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn nhất, với hơn 80% tổng diện tích nhà ở xây dựng mới. Bên cạnh đó, các dự án nhà ở do doanh nghiệp đầu tư đang có xu thế ngày càng tăng lên, trong đó có nhiều dự án lớn. Toàn thành phố hiện có 29 dự án nhà ở quy mô lớn với tổng mức đầu tư lên đến gần 158 ngàn tỷ đồng, trong đó, có 2 dự án có quy mô trên 50ha, và 27 dự án mà mỗi dự án có tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, hoặc có trên 1.500 căn hộ/căn nhà;
Với bước đệm của năm 2017, HoREA dự báo thị trường bất động sản năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Trong đó, phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền có 1 - 2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường bất động sản; phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường.
Xem thông tin chi tiết tại đây
TP.HCM: Mức phí quản lý chung cư tối thiểu 500 đồng/m2/tháng
Theo đó, khung giá này được áp dụng cho việc thu phí quản lý, vận hành nhà chung cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP.HCM theo quy định tại điều 106 Luật Nhà ở, làm cơ sở để các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở hoặc trong trường hợp có tranh chấp về giá dịch vụ giữa đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được UBND TP.HCM ban hành đối với nhà chung cư không có thang máy mức tối thiểu là 500 đồng/m2, tối đa là 3.000 đồng/m2; đối với nhà chung cư có thang máy mức tối thiểu là 1.500 đồng/m2, mức tối đa là 6.000đ/m2. Các mức giá này chưa có dịch vụ gia tăng và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có).
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nữ môi giới với cuộc chinh phục ước mơ làm giàu từ 20 triệu đồng
30 tuổi với 8 năm kinh nghiệm trong nghề môi giới bất động sản, Nguyễn Thị Huế - hiện là Trưởng phòng Kinh doanh kiêm Giám đốc nhân sự cho một sàn giao dịch bất động sản có tiếng tại Hà Nội khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi tuổi đời của cô dường như không tương xứng với bề dày kinh nghiệm và khối lượng kiến thức về thị trường bất động sản mà cô đang sở hữu. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người biết về Huế nể phục hơn cả chính là khả năng “vượt bão” để thành công khi bất động sản rơi vào “thế khó”.
Cô chia sẻ: “Người môi giới bất động sản trước hết cần hiểu dự án, nắm bắt tiến độ và thông tin chính xác đến khách hàng của mình. Tuy nhiên, họ phải thể hiện được kiến thức của mình bằng cái tâm, ánh mắt và trái tim. Trong trường hợp xấu nhất, hãy xác định không bán được cũng không sao cả, và cứ làm bạn của khách.
Nếu môi giới không biết gây dựng lòng tin với khách hàng, họ sẽ không thể thành công lâu dài, bởi lẽ khách hàng chỉ tin 20% vào kiến thức của bạn, còn 80% là họ tin bạn. Minh chứng rõ nhất là một khách hàng sau khi quyết định mua ngay căn hộ do tôi tư vấn đã nói: “Anh mua căn hộ này vì tin em chứ không hẳn đã hiểu hết về nó”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Xung đột căng thẳng trong chung cư, vì đâu nên nỗi?
Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều khu chung cư, khu đô thị mới, nếp sống mới, văn hóa cộng đồng tại các đô thị này cũng bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, do người dân một phần chưa thích nghi kịp với cuộc sống nơi đây khiến văn hoá chung cư phải chịu nhiều tác động sự đan xen bởi các yếu tố phức tạp. Đằng sau mỗi căn hộ, mỗi cánh cổng chung cư là những câu chuyện "dở khóc, dở cười".
Chị Lan Anh, cư dân một dự án chung cư tại Hà Đông, Hà Nội cho biết, chị và và cư dân toà nhà từng có lần hoảng loạn khi giữa trưa phát hiện khói bốc mù mịt từ ban công một căn hộ tầng 8. Sau khi mùi khói nồng nặc lan ra khắp khu nhà, xuống cả khu sân chơi sinh hoạt chung, ban quản trị mới phát hiện ra nguyên nhân của vụ “hoả hoạn” là do một hộ dân vừa chuyển đến chung cư này sinh sống.
Do chưa kịp thích nghi với môi trường sống mới tại chung cư nên hộ dân này vẫn vô tư đốt bếp than tổ ong như thời còn ở khu tập thể cũ khiến cả chung cư “hiểu nhầm”.