Aa

Ý nghĩa sự cầu nguyện

Thứ Bảy, 08/12/2018 - 06:00

Cầu nguyện là một cách định tâm, định ý để chuyển hóa lòng mình, lòng người. Nếu hiểu chính xác ý nghĩa cầu nguyện thì cầu nguyện là một phương pháp tu tập, có giá trị tương đương với phương pháp thiền định, quán chiếu tự tâm.

Có thể bạn quan tâm

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với quý vị về ý nghĩa của sự cầu nguyện.

Trong các buổi lễ, cầu nguyện là sự tập trung tâm trí, nhất tâm chuyển đổi vọng niệm mê lầm, xấu ác, trở nên thanh tịnh. Cầu nguyện vì thế chính là phương pháp quán chiếu, nhìn lại con người thật của mình, quan sát tâm tình, trừ khử tà kiến mê tín, khát vọng phàm tình, ích kỷ, nhỏ nhen, ỷ lại, yếu đuối.

Cầu nguyện là một cách định tâm, định ý để chuyển hóa lòng mình, lòng người. Nếu hiểu chính xác ý nghĩa cầu nguyện thì cầu nguyện là một phương pháp tu tập, có giá trị tương đương với phương pháp thiền định, quán chiếu tự tâm.

Người xưa nói: “Hữu cầu tất ứng”, nhưng đó là cầu với tâm vị tha và trong sáng, thì lời cầu nguyện mới đạt được như ý. Cầu mà chỉ nhắm vào lợi mình, trong khi mình sống không có lòng thương và bao dung thì lời cầu chẳng khác gì như kẻ liệng đá xuống sông mà ngồi cầu cho đá nổi.

Người sống có thiện tâm hay kẻ biết hồi tâm hướng thiện như phao kia gặp nước, tất sẽ nổi lên. Ai ở trên đời mà không tạo tội. Một việc ác dù nhỏ, biết đâu đó là cái mầm họa khôn lường, làm đảo loạn tâm thần, si mê mở lối. Thánh nhân hay kẻ trí biết trừ tai ương nghiệp chướng từ nơi mầm nhỏ.

Nhân danh thiện thần, thánh nhân hay vì tiên tổ mà làm máu chảy đầu rơi để tế lễ cúng bái, có biết đâu là làm trái với ước nguyện cứu người độ vật của họ. Cướp đi mạng sống, để lấy máu thịt làm vật cúng tế có khác chi như kẻ bơi sông mà quàng thêm đá nặng vào người.

Nhân gian có thiện thần tất có ác thần. Phật dạy: Nơi đâu có máu chảy thịt rơi là làm mồi cho ác quỷ, hung thần xâm nhiễm não hại. Nơi đâu lời kinh tiếng kệ âm vang, tượng Phật ngự trị là có Thiện thần tìm cách bảo hộ.

Rèn thân tĩnh trí thì người đời noi theo, tiếng thơm truyền tụng (ảnh minh họa)

Rèn thân tĩnh trí thì người đời noi theo, tiếng thơm truyền tụng (ảnh minh họa)

Ở đời, khi còn sống tai không màng nghe kinh, mắt không màng nhìn Phật tượng, tâm thì mải mê theo danh lợi, thường nghĩ điều hại người, chứa đựng ích kỷ nhỏ nhen. Kẻ đó như người vượt sông, bơi chẳng biết mà còn vương phải đá nặng. Sống dương gian thế há chẳng tội lắm sao!

Thân tuy xác thịt, nhưng cũng là đền đài chứa đựng tâm tánh ngời rạng làm nên thánh triết hiền nhân. Bổ thân mà quên tâm thì như loài dùng sức mang vác cày bừa. Rèn thân tĩnh trí thì người đời noi theo, tiếng thơm truyền tụng.

Khi sống thiện lành, thác gặp con cháu vì mình cầu nguyện thì như diều gặp gió, có thể tung tăng được cảnh trời cao ngoạn mục. Một đời, miệng lưỡi không đọc được câu kinh, không biết ca tụng điều lành, thường thích chỉ trích lỗi người, tai thường nghe điều thị phi phải trái, làm thành câu chuyện chuyền trao đâm thọc thêu dệt, tâm đó tính đó, đất còn không dung, bảo sao Ngục tốt Diêm vương không phán tội gia hình.

Sinh ở kiếp người, gặp được điều hay lẽ phải để theo đòi là khó, nhưng cứ nổi trôi theo bè hư bạn xấu chuốc lấy tai ương thì cần chi gắng sức. Tụ hội để học hỏi tiền nhân, làm gương cho mai hậu noi theo thì ít, mà để có dịp chén thù chén tạc làm mình thoả lòng ham thích thì nhiều vô kể.

Tâm tính thuần lương thì nhân sinh vật lợi. Lòng người tham độc thì thiên tai địch hoạ dấy khởi.

Lễ thiết lập là để con người biết sống thuận theo khuôn phép luật tắc của thế giới tự nhiên, hòa với người, hợp với thánh nhân mà cầu nguyện thì cầu tất ứng và kiếp sống thăng hoa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top