Aa

2 đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD

Thứ Tư, 19/02/2025 - 10:11

Quốc hội ban hành hàng loạt cơ chế đặc biệt cho hai đô thị đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc Hội Việt Nam, sáng 19/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. HCM.

Theo Nghị quyết, trong quá trình chuẩn bị và triển khai đầu tư các dự án thuộc danh mục kèm theo, Thủ tướng Chính phủ sẽ căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách để bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Theo đó, TP. Hà Nội được bố trí tối đa 215.350 tỷ đồng, TP. HCM được bố trí tối đa 209.500 tỷ đồng. Khoản vốn này thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035. Việc phân bổ vốn sẽ sử dụng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nếu sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, thì không phải tuân theo thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

2 đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội Việt Nam

Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội và TP. HCM có trách nhiệm cân đối và bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm từ ngân sách địa phương để thực hiện các dự án. Đồng thời, UBND hai thành phố được phép quyết định bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trước khi có quyết định đầu tư nhằm phục vụ các hoạt động triển khai dự án đường sắt đô thị, đặc biệt theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).

Nghị quyết cũng dành một số cơ chế đặc thù riêng cho TP. HCM, bao gồm quyền thu và sử dụng 100% các khoản thu trong khu vực TOD để phục vụ phát triển hệ thống đường sắt đô thị, giao thông công cộng và hạ tầng kỹ thuật kết nối. Ngoài ra, Hội đồng nhân dân TP. HCM sẽ quy định chi tiết về phương pháp xác định mức thu, trình tự và thẩm quyền thu tiền, đảm bảo không trùng lặp với các loại thuế, phí khác. UBND TP. HCM được phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay vốn từ các tổ chức tài chính trong nước, tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ để phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Tổng mức dư nợ vay không được vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp…

2 đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD- Ảnh 2.

Quốc hội thông qua cơ chế phát triển đường sắt dô thị tại Hà Nội và TP. HCM. Ảnh: Internet

Nghị quyết cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư các dự án đường sắt đô thị, phát triển đô thị theo mô hình TOD, phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đường sắt đô thị.

Việc thông qua Nghị quyết này được đánh giá là bước đột phá trong việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông công cộng, giảm ùn tắc và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững trong thời gian tới.

Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên. Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top