Aa

Bằng giả, bổng lộc thật

Thứ Ba, 01/12/2020 - 07:00

Vốn chỉ nhằm đến mục tiêu bổng lộc, chả tội gì người ta không coi đó là một thương vụ buôn bán béo bở, một cách đầu tư lấy lãi, nhất là khi số vốn bỏ ra một lần có thể thu lời cả đời?

Tin trường Đại học Đông Đô cấp nhiều chứng chỉ ngoại ngữ giả, để các đối tượng mua nó sử dụng vào việc nâng cao bằng cấp cho mình, thực ra chả có gì quá gây sốc. Vẫn là chuyện thường ngày, giống như gian lận thi cử, giống như tham nhũng, giống như chạy chức chạy quyền… chẳng qua nơi nào bị lộ thì nơi đó… đành chấp nhận rủi ro!

Tuy không gây sốc, nhưng phẫn nộ thì chắc chắn có. Trước hết, nó gây tổn thương đạo đức xã hội. Biết bao nhiêu người bị lừa dối bởi tin vào bằng cấp của lũ tiến sỹ giả? Biết bao giấy tờ vô giá trị lại vẫn cứ ngự nơi thiêng liêng, chỉ vì người ta tin đó là sản phẩm trí tuệ? Biết bao nhiêu thiệt hại gây ra bởi những thứ giả ấy, không ai đếm xuể. Tuy nhiên, những tai họa thật mà nó gây ra thì không thể nào lượng định được. Chỉ biết rằng hậu quả cuối cùng đều trút lên vai xã hội.

Làm sao lại không phẫn nộ, kinh tởm, khinh bỉ… cho được.

Nhưng, cho dù không thể bỏ qua, dứt khoát không bỏ qua, thì vấn đề đáng bàn hơn lại vẫn cứ nằm ở chỗ khác. Đó là tại sao người ta cứ phải cố sống cố chết chạy cho được cái bằng học hàm học vị? Nó là giả, thì người mang nó vinh quang nỗi gì, nếu không muốn nói thẳng ra là chuốc nỗi nhục vào người. Bởi vì một cái chứng chỉ ngoại ngữ giả chả là gì so với một cái bằng tiến sỹ giả. Một tiến sỹ giả cũng chưa là gì so với một nhân cách giả. Nhân cách giả sẽ phải đối mặt với sự phán xét của thời gian, ở tất cả các cấp độ và không có cách nào thoát những hình phạt tinh thần còn đáng sợ hơn cả tù tội.

Một đường dây làm bằng giả bị phát hiện.

Vấn đề ở đây là bổng lộc? Vì tiền người ta bất chấp tất cả! Bằng giả, nhân cách giả, nhưng chức tước, bổng lộc thì thật. Người ta cố sống cố chết lo được cái học vị thạc sỹ, tiến sỹ không phải để sau đó có ích cho xã hội hơn, tiếng nói có trọng lượng khoa học hơn, mà chỉ thuần túy vì mục tiêu tiền bạc. 

Trong bất kì đất nước nào, như những gì tôi biết, thì bằng cấp chưa bao giờ thôi quan trọng khi đánh giá một con người nào đó, khi cân nhắc sắp xếp, đề bạt anh chị ta vào vị trí xứng đáng nào đó. Và trong mọi xã hội đều có tệ nạn bằng cấp giả. Để chống lại điều này, ở những đất nước phát triển, có nền quản trị tốt, họ đặt ra cơ chế xét tuyển nghiêm ngặt dựa trên thực lực, trong đó bằng cấp chỉ là một yếu tố nhỏ chứng minh năng lực, chứ không phải là chính, càng không phải là tất cả. Lệ thuộc hoàn toàn vào bằng cấp, coi bằng cấp là thước đo duy nhất về học vấn, năng lực… của người mang nó, thì đấy là bệnh thuộc về hệ thống.

Chúng ta phải nói rõ với nhau như vậy. Chính sách cán bộ lấy tiêu chí bằng cấp làm chuẩn mực về kiến thức, là điều kiện để được quy hoạch, đề bạt mà không dựa trên năng lực thật, chính là căn nguyên sâu xa khiến bệnh dối trá lan tràn khắp xã hội mà bằng cấp giả chỉ là một biểu hiện cụ thể của thói dối trá ấy. Rất khó để biết có bao nhiêu cán bộ lớn nhỏ của chúng ta sử dụng bằng cấp giả, dưới một thình thức nào đó? Nhưng có thể tin rằng con số này nhiều gấp bội số “các đồng chí bị lộ”. Khi mà chỉ cần bỏ ra vài trăm triệu đồng để có một cái học vị và nhờ thế khiến cho hồ sơ thăng tiến trở nên đẹp lung linh, thì với những bổng lộc sẽ đến sau khi được đề bạt, số tiền đó trên thực tế luôn quá bèo! 

Vốn chỉ nhằm đến mục tiêu bổng lộc, chả tội gì người ta không coi đó là một thương vụ buôn bán béo bở, một cách đầu tư lấy lãi, nhất là khi số vốn bỏ ra một lần có thể thu lời cả đời?

Đó mới là gốc của căn bệnh nan y có tên bằng giả.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top