Aa

Bệnh lười

Thứ Ba, 24/11/2020 - 07:00

Đã đến lúc cần thức tỉnh mọi người rằng, trong tất cả những phẩm chất tồi tệ mà con người hay mắc phải thì lười biếng thuộc loại gây nhiều hậu quả nhất.

Chưa khi nào căn bệnh lười biếng có cơ hội để hoành hành mạnh mẽ như trong thời đại kỹ thuật số. 

Con người có xu hướng “ăn sẵn” từ tiện ích của những sản phẩm công nghệ. Nói cách khác, đây chính là tình trạng có một số ít người nghĩ rất nhiều, nghĩ ngày nghĩ đêm, để cho rất nhiều người nghĩ cực ít hoặc chẳng nghĩ gì cả.

Chỉ cần chịu khó quan sát, chúng ta dễ dàng bắt gặp biểu hiện này ở khắp mọi nơi.

Một công trình kiến trúc xấu xí, kệch cỡm, lai căng mà bạn chỉ cần bước chân ra ngõ là gặp, không đích thị là sản phẩm của lười biếng thì là gì! Cũng như vậy với một bức tranh cổ động nhợt nhạt, dễ dãi. Lười đến mức một cái băng rôn trương ra trước thiên hạ, chỉ trên dưới chục chữ nhưng sẵn sàng sai chính tả, sai cả về nội dung, sai luôn cái thông điệp mà nó muốn truyền đạt, thì không còn chỉ gây bực mình nữa, mà là phẫn nộ. 

Trong nghệ thuật, bệnh lười biếng luôn cặp kè với thói háo danh. Một bản thảo văn học, chưa vội nói đến nội dung, mà mới chỉ ngồi đếm lỗi morasse thôi, đã thấy ngập lên sự lười nhác của người viết, đã đủ tắt hết mọi cảm hứng và hy vọng. Và khi bạn phải xem một chương trình truyền hình dung tục, bạn sẽ nghĩ đến chuyện gì trước tiên nếu không phải sự lười biếng của người thực hiện? 

Hậu quả của thói lười biếng khiến mỗi chúng ta tự chất lên tâm hồn mình những gánh nặng vô hình và vô bổ. Chẳng hạn, chúng ta cứ tự thêm vào sự bức xúc mỗi ngày mà không biết nguyên nhân đôi khi do phải nghe một bài diễn văn sáo mòn nào đó hay phải đọc những bản báo cáo nhặt ra từ khẩu hiệu có sẵn nào đó...

Không thể nào liệt kê hết sản phẩm đẻ ra từ sự lười nhác cùng các hệ lụy mà căn bệnh đó gây nên. Có những thứ lấy sự lười biếng làm tấm bình phong cầu an. Loại này hay gặp nhất. Chẳng hạn, tôi từng nghe một anh bạn lãnh đạo tờ báo tỉnh hồn nhiên khoe rằng báo của anh về hình thức giống hệt một tờ báo trung ương là cấp trên theo ngành dọc. Anh bảo làm thế cho nó an toàn! 

Có những thứ lười biếng vì mục đích vụ lợi. Nhưng nguy hiểm hơn cả là lười biếng do thói quen. Thói quen này có nhiều nguyên nhân, bắt rễ từ rất sâu, trong đó có việc chúng ta vô tình đề cao thói vâng lời. Những kẻ dốt nát nhưng biết vâng lời, biết muối mặt nhắc lại lời của người khác mà không thấy xấu hổ thường vẫn cứ được đánh giá cao, do đó dễ bề tiến thân. Thế là chẳng tội gì mà không hô khẩu hiệu, chẳng tội gì phải nặn óc suy nghĩ khi mọi cái đều có sẵn, chẳng tội gì phản biện lại cấp trên dù biết là sai. Kết quả là sự lười biếng kéo theo sự lười biếng khiến nó tràn ngập khắp nơi.

Đã đến lúc cần thức tỉnh mọi người rằng, trong tất cả những phẩm chất tồi tệ mà con người hay mắc phải thì lười biếng thuộc loại gây nhiều hậu quả nhất. Nó triệt tiêu sáng tạo, không chấp nhận sáng tạo (bởi vì đặt cạnh sự sáng tạo thì lười biếng bị lật tẩy). Nó dung túng tội ác bằng cách bỏ qua cho tội ác. Nó gây nguy hiểm và lãng phí không sao tính đếm được cho xã hội. Nó luôn muốn kéo cuộc sống xuống ngang bằng với những chuẩn mực vừa cỡ với nó. Nó gieo rắc lòng nghi kỵ, đố kỵ giữa con người với nhau.

Những biểu hiện lười biếng ở các lứa tuổi thời hiện đại.

Nhưng tồi tệ hơn tất cả những thứ tồi tệ đó cộng lại là nó, sự lười biếng mà Ăng-ghen từng mỉa mai gọi là “bệnh lười chảy thây”, cứ từ từ hạ thấp nhân cách con người, nhân cách xã hội, xuống cấp bầy đàn.

Khi sự lười biếng lên ngôi, không chỉ cái đẹp mất chỗ đứng, mất giá (thật kinh khủng nếu điều này xảy ra) mà ngay cả thứ dễ kiếm nhất là tình yêu đồng loại cũng biến mất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top