Cắt lỗ đất nền không dễ
Chấp nhận giảm tới gần 25% so với đỉnh giá lúc mua vào, nhưng 2 lô đất nền tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh của anh Tuấn Anh - một nhà đầu tư cá nhân trú tại quận Hà Đông, Hà Nội vẫn chưa cắt lỗ thành công. Trong khi đó, phân nửa trong số gần 5 tỷ đồng đầu tư đến từ vay ngân hàng. Lãi suất tăng cao, tình trạng “kẹp hàng” đang là nỗi lo lớn của nhà đầu tư này.
Nhiều nhà đầu tư vào sóng đất nền hồi đầu năm nay cũng đang rơi vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở”, bởi bán không ai mua, trong khi áp lực trả gốc và lãi vay ngân hàng lớn dần, có người phải vay bên ngoài để trả nợ ngân hàng.
Anh Mạnh Hoàng, một nhà đầu tư ôm 2 lô đất diện tích gần 100 m2 tại một dự án ở TP. Đà Nẵng từ cuối năm ngoái chia sẻ, cách đây vài tháng, mặt bằng giá là 3,3 tỷ đồng/lô, nhưng giờ đây, giá rao bán được anh giảm xuống còn 2,7 tỷ đồng/lô mà vẫn không thấy ai hỏi mua.
Xem thông tin chi tiết tại đây
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Cần cải cách hệ thống thuế bất động sản
Phát biểu tại chuyên đề: Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị đô thị toàn quốc 2022 diễn ra chiều 16/11, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu rõ một thực trạng đáng buồn cho sự phát triển chung của nền kinh tế: “Thuế đối với đất đai và tài sản đầu tư trên đất của Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu, điều này thể hiện rõ nét ngay khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa cần ở đâu xa”.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho hay, hiện nay thuế tài sản của Việt Nam chỉ chiếm 0,034% GDP. Trong khi đó thuế này của Indonesia chiếm 0,42%, của Thái Lan chiếm 0,25% và của Philippines chiếm 0,84%.
So với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển OECD (Organization for Economic Cooperation and Development), thuế tài sản của nhóm các nước G7 đều đạt từ 1 - 4% GDP, của các nhóm các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ cũng đạt từ 0,2 - 1%, trung bình toàn khối OECD đạt 1,856%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhà đầu tư chờ đợi cơ hội “bắt đáy” thị trường bất động sản
Thời gian qua, trong bối cảnh FED tăng lãi suất lên mức 3,75 - 4%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng liên tục tăng lãi suất để giúp ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Khi lãi suất tăng, bất động sản tiếp tục chịu ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp “lao đao” trong việc bảo đảm dòng tiền để duy trì hoạt động. Nhất là khi các nguồn vốn chính trong lĩnh vực bất động sản hiện nay đều bị siết chặt.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhà đầu tư bất động sản “nín thở” chờ thị trường
Thị trường bất động sản nửa năm trở lại đây rơi vào trầm lắng, theo đó, lượng người quan tâm, thanh khoản cũng sụt giảm mạnh. Nguyên nhân từ việc các chính sách tiền tệ có phần được kiểm soát chặt chẽ hơn trước, dòng tiền vào thị trường khan hiếm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, lực cầu chủ yếu tới từ nhu cầu thực, còn các nhu cầu đầu tư đã dè dặt hơn vì yếu giá cả. Theo đó, thanh khoản sụt giảm so với giai đoạn trước và biến động giá bất động sản trong quý này cũng đã có dấu hiệu chững lại.
Báo cáo của một số đơn vị nghiên cứu cho thấy, đất nền vùng ven Hà Nội đang có sự sụt giảm về mức độ quan tâm như Hoài Đức, Quốc Oai giảm từ 17 - 39%; về phía Bắc như Sóc Sơn, Đông Anh với mức độ quan tâm giảm từ 8 - 30%; hay phía Đông có Long Biên, Gia Lâm với mức độ quan tâm giảm 21 - 28%; còn phía Nam có Thanh Trì giảm 24%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tăng cung tiền là vấn đề cấp bách để giải phóng thanh khoản cho nền kinh tế
Mặc dù bối cảnh vĩ mô tương đối ổn định, song các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, với biểu hiện chiếm dụng vốn và dòng tiền âm. Điều này làm tăng nguy cơ nợ xấu và thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Kết hợp với tình trạng ảm đạm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã làm cho thị trường tài sản nói chung, nhất là thị trường bất động sản đình trệ. Việc khan hiếm thanh khoản trở thành tình trạng chung của nền kinh tế, đặt ra vấn đề cần thiết tháo gỡ kịp thời. Tại Talkshow Kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp và cơ hội cho thị trường Việt Nam, diễn ra ngày 15/11, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đã có những bình luận về vấn đề này.