Cung - cầu đang chênh lệch trên thị trường địa ốc
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, về lực cung, tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước đạt 165,742 sản phẩm. Trong đó, chung cư: 106,804 sản phẩm chiếm 64% tổng sản phẩm; thấp tầng (bao gồm cả đất nền): 58,938 sản phẩm chiếm 36% tổng sản phẩm.
Dòng sản phẩm cũ: Cả nước có 118,227 sản phẩm. Trong đó, Hà Nội: 23,339 sản phẩm; TP.HCM: 7,677 sản phẩm.
Dòng sản phẩm mới, cả nước có 47,515 sản phẩm. Trong đó, Hà Nội là 3,163 sản phẩm; TP.HCM là 5,006 sản phẩm và chỉ chiếm 1/3 tổng sản phẩm.
Về lực cầu, tổng lượng giao dịch cả nước: 61,766 sản phẩm. Cụ thể, chung cư: 30,190 sản phẩm; thấp tầng (bao gồm cả đất nền): 31,576 sản phẩm. Phản ánh thực trạng về dự án chung cư ở Hà Nội và TP.HCM hiện nay đang dần ít đi. Trong đó, Hà Nội là 8,965 sản phẩm; TP.HCM là 6,213 sản phẩm.
"Như vậy, tương quan cung cầu đang có sự chênh lệch. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, trong 4 năm trở lại đây các chỉ số về sản phẩm đang có sự tăng trưởng khá mạnh mặc dù 2 năm gần đây ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thị trường vẫn rất khả quan và tốt", ông Đính nhấn mạnh.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá căn hộ tại phố nhà giàu đua lập đỉnh
Giá chung cư khu An Phú, Thạnh Mỹ Lợi, Thảo Điền, Thủ Thiêm đạt mức trần 75 - 210 triệu đồng một mét vuông, tăng 100 - 131% hơn nửa thập niên.
Theo báo cáo diễn biến giá nhà cao tầng tại quận 2 vừa được Rever công bố, hiện phố nhà giàu Thủ Thiêm dẫn đầu về mức trần căn hộ trên địa bàn quận với mốc 210 triệu đồng một m2. Chung cư ở khu An Phú, Thảo Điền và Thạnh Mỹ Lợi lần lượt ghi nhận giá cao nhất là 75 - 85 - 95 triệu đồng một m2. Những nơi này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng giá cao nhất, đạt trên 100% sau 6 - 7 năm, trong đó Thạnh Mỹ Lợi dẫn đầu với mức tăng trần lên đến 131%.
Tại Thủ Thiêm, chung cư có giá bán cao nhất là The Opera Residence thuộc giai đoạn 3 của dự án The Metropole Thủ Thiêm hiện ghi nhận mốc 210 triệu đồng một m2, dự kiến bàn giao năm 2023. Xếp thứ hai là dự án Narra Residences thuộc giai đoạn 4 của siêu dự án Empire City hiện có giá 180 triệu đồng một mét vuông. Mức tăng giá cao nhất tại phố nhà giàu này là 112 - 118%, ghi nhận tại dự án Sadora và Sarica (đều đã bàn giao) thuộc khu đô thị Sala.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản
Ngày 25/11, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay".
Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) là đơn vị tổ chức Hội thảo. Đơn vị đồng hành là Công ty CP Tập đoàn Meey Land, HD Mon.
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng); đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường và lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương; lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; trên 50 chuyên gia, nhà khoa học và đại diện hàng trăm doanh nghiệp bất động sản.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, trong giai đoạn vừa qua, sự phát triển và đóng góp hiệu quả của thị trường bất động sản Việt Nam đã góp phần quan trọng làm nên sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước và trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngành bất động sản vẫn giữ vai trò quan trọng đối với việc thu hút, gia tăng lao động. Các doanh nghiệp bất động sản đã tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động và thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội, đời sống cho người lao động tại nhiều địa phương.
Tuy nhiên, chưa bao giờ doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn như giai đoạn hiện nay, nhất là về cơ chế, chính sách đầu tư, về nguồn vốn tín dụng và thị trường. Dù thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng thời gian qua chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và thế mạnh, nhiều mảng thị trường chưa được khai thác và đầu tư có hiệu quả. Không thể phủ nhận rằng, cơ chế và chính sách đối với thị trường bất động sản trong thời gian qua còn những hạn chế nhất định.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp BĐS mong sửa đổi các vướng mắc pháp luật như “mong mẹ về chợ”
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest nhìn nhận, ách tắc lớn nhất trên thị trường bất động sản hiện nay là do khung pháp lý. Có lẽ chính vì bất động sản phải chịu sự tác động điều tiết của 12 Luật khác nhau. Trong đó, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Đầu tư… là “xương sống” của thị trường nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, thiếu đồng bộ.
Theo ông Hiệp, đối với các doanh nghiệp bất động sản, “hàng rào barie” lớn nhất hiện tại có lẽ là quy định phải có 100% đất ở hoặc “dính” đất ở mới được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại. Ông Hiệp cho hay, hiện có khoảng 400 dự án trên toàn quốc đang bị ách tắc bởi quy định này, do chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp có thể đảm bảo 100% đất ở, còn đa phần các doanh nghiệp sở hữu các loại đất khác hoặc đất hỗn hợp (đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở). Chính vì vậy, doanh nghiệp rất mong mỏi sửa đổi vướng mắc về thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Đây được xem là "nút thắt" lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thị trường bất động sản, từ đó đẩy giá nhà tăng cao.
“Doanh nghiệp mong sửa đổi các vướng mắc, khó khăn về thủ tục pháp lý như mong mẹ về chợ. Sửa đổi được quy định này là nhấc được barie lớn nhất, góp phần khơi thông các dự án, phục hồi thị trường nhà ở, gia tăng nguồn cung trên thị trường”, ông Hiệp bày tỏ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Các xu hướng bất động sản công nghiệp được kỳ vọng bứt phá trong năm 2022
Về nguồn cung đất công nghiệp, bất chấp đợt bùng phát Covid-19 mới ở Việt Nam, một số khu công nghiệp mới đã được thành lập và các dự án công nghiệp trọng điểm đã bắt đầu hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 25 khu công nghiệp mới được thành lập - tăng 19 khu công nghiệp so với cùng kỳ năm trước. So với năm ngoái, tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp tại một số tỉnh tăng nhưng nhìn chung vẫn ổn định. Do còn nhiều hạn chế trong việc đi lại và tỷ lệ lấp đầy tương đối ổn định, giá tăng ở mức khiêm tốn so với giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, một số tỉnh như Hưng Yên và Bà Rịa - Vũng Tàu có giá thuê tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc phong tỏa và hạn chế đi lại đã làm chậm sự di dời hoat động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc như dự kiến 2021. Tuy nhiên, các nhà phát triển tin rằng hoạt động cho thuê sẽ hiệu quả hơn vào năm 2022; khách thuê và nhà đầu tư cũng sẽ có lựa chọn về nguồn cung mới khi các hạn chế được dỡ bỏ.