Aa

Bất động sản 24h: Dịch chưa qua, tháng cô hồn lại đến, thị trường BĐS sẽ ra sao?

Thứ Ba, 11/08/2020 - 10:41

Dịch chưa qua, tháng cô hồn lại đến, thị trường bất động sản sẽ ra sao?; Đề xuất cấm chủ đầu tư "ôm" 2% quỹ bảo trì: Kỳ vọng giảm thiểu tranh chấp là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Dịch chưa qua, tháng cô hồn lại đến, thị trường bất động sản sẽ ra sao?

Thời gian qua, dù việc mua bán nhà đất không còn quá "kiêng kị" tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch) nhưng dường như tâm lý chung là vẫn "e dè" khi xuống tiền vào tháng này. Đó cũng là lý do, vào tháng 7 hàng năm nhiều doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận khách hàng so với các tháng khác trong năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong quý 1/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát lần 1 các sàn giao dịch bất động sản chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, cao điểm có tới 80% sàn tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, trong quý 2, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các sàn giao dịch BĐS đã phục hồi, nhiều sàn đã hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, với làn sóng Covid-19 mới bùng phát kể từ tháng 7 tại Đà Nẵng lan ra nhiều tỉnh thành trên cả nước thì thị trường bất động sản trong các quý còn lại được dự báo không mấy sáng sủa. Chưa kể như hàng năm, quý 3 sẽ có tháng Ngâu hay còn gọi là cô hồn.

Các chuyên gia cho rằng, nếu dịch bùng phát mạnh, các địa phương tiếp tục triệt để việc giãn cách thì thị trường bất động sản sẽ lại tiếp tục rơi vào trạng thái tạm dừng. Trạng thái "ngủ đông" này có thể đáng sợ hơn vì sức lực doanh nghiệp đã hao kiệt do làn sóng dịch Covid-19 lần 1.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đề xuất cấm chủ đầu tư "ôm" 2% quỹ bảo trì: Kỳ vọng giảm thiểu tranh chấp

Liên quan đến 2% quỹ bảo trì chung cư gây ra nhiều vụ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu từ trong suốt một thời gian dài, Bộ Xây dựng mới đây cho biết, Bộ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ (Nghị định 99) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Trong đó, điểm đáng chú ý là sửa đổi quy định về việc người mua nhà nộp kinh phí bảo trì tòa nhà cho chủ đầu tư thông qua tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán.

Đánh giá về dự thảo của Bộ Xây dựng, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay: "Đề xuất mới của Bộ Xây dựng là bắt buộc chủ đầu tư phải mở tài khoản thu 2% và tài khoản này ghi rõ trong hợp đồng. Điều đó cho thấy đề xuất mới là giải pháp hợp lý và có sự quy định rõ về trách nhiệm của bên chủ đầu tư và khách hàng đối với khoản phí 2% này.

Nếu chủ đầu tư thu tiền của khách hàng mà không nộp vào tài khoản thì việc quy trách nhiệm chuyển sang hướng hình sự rất dễ dàng, vì đó là hành vi lạm dụng quyền, chiếm đoạt tài sản. Giải pháp này cũng đơn giản, rõ ràng về trách nhiệm hơn quy định đang hiện hành".

Xem thông tin chi tiết tại đây

Có chờ được để bắt đáy bất động sản?

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phải đối mặt với những thách thức trước tác động của làn sóng Covid-19 thứ 2, nhiều nhà đầu tư có tâm lý thăm dò và chờ đợi bắt đáy thị trường.

Nhận định về tác động của dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, còn quá sớm để đánh giá hết tác động của đợt bùng phát dịch lần này đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ông Đính vẫn cho rằng, sự bùng phát của dịch Covid-19 trở thành cú đấm thứ 2 với thị trường bất động sản.

“Dịch bùng phát trở lại có thể làm tổn thương sâu sắc đến toàn thị trường, thậm chí ảnh hưởng mạnh hơn so với lần trước. Cú đấm thứ 2 thường sẽ tác động xấu hơn, gây hoa mắt hơn cú đấm thứ nhất”, ông Đính nhận định.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giới thượng lưu sẵn sàng chi trả, BĐS hạng sang nắm bắt cơ hội ra sao?

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, tại một số quốc gia, người giàu không ở chung cư mà thường chọn biệt thự ngoại ô có diện tích rộng lớn làm chốn an cư. Điều này có nghĩa, phân khúc bất động sản hạng sang sẽ rất có lợi thế ở vùng ven, còn trung tâm thành phố là dành cho những phân khúc còn lại.

“Về các chung cư hạng sang ở một số quốc gia, tôi thấy rằng người giàu căn bản là không ở chung cư. Tôi đã đến nhà tỷ phú giàu nhất của Hồng Kông và Singapore, họ ở biệt thự có khung cảnh thiên nhiên rộng lớn”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Nhưng với người Việt, dựa trên văn hóa, thói quen sinh hoạt và quan niệm sống lại có sự khác biệt, giới thượng lưu có xu hướng chọn nhà ở khu vực trung tâm để thuận tiện sinh hoạt, làm việc. Đó cũng là lý do mà phân khúc bất động sản hạng sang phải nằm ở những vị trí đắc địa ở khu vực trung tâm nội đô.

“Căn hộ hạng sang ở giữa Thủ đô là trúng về quan điểm hạng sang ở thập kỷ này của người Việt Nam mình. Cầu của căn hộ cao cấp ngày càng lớn. Giá bất động sản Hà Nội, TP.HCM trong tương lai còn đắt hơn cả Singapore vì nhu cầu nhập cư tại các thành phố lớn của Việt Nam ngày càng gia tăng. Áp lực nhập cư khiến bất động sản hạng sang ngày càng có giá cao”, ông Nghĩa nói thêm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Covid-19 bùng phát, nhà đầu tư có tiền dễ mua miếng đất sinh lời cao

Một điều thực tế là thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay không còn sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Nguyên nhân là có quá ít dự án dẫn đến sự trầm lắng, việc đầu tư ở thị trường TP.HCM không còn mang lại nhiều lợi nhuận như kỳ vọng.

Qua tìm hiểu tại khu vực quận 9, hình thức bán đất nền nhỏ lẻ vẫn diễn ra khá tốt. Dù giá đất quận 9 đã lên rất cao nhưng không ít nhà đầu tư vẫn chấp nhận xuống tiền. Nhiều nhà đầu tư mạnh vốn vẫn đang gom đất, săn tìm mua hàng giá rẻ.

Anh Minh Quân, một nhà đầu tư quận 9 cho rằng, cũng như các thị trường khác, bất động sản luôn là cơ hội cho những người “tham lam khi người khác sợ hãi” và chỉ ai chấp nhận xuống tiền khi thị trường đang khó khăn mới nhiều khả năng thu lợi lớn thời gian tới.

“Covid - 19 bùng phát lần nữa khiến không ít người phải chấp nhận hạ giá đất vì không thể cầm cự được nữa. Vì vậy, giai đoạn này nhiều nhà đầu tư có tiền rất dễ mua vào những miếng đất có giá trị sinh lời cao…”, anh Quân nói.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top