Aa

Bất động sản 24h: Khó khăn ập đến, hàng loạt dự án “đất vàng” đổi chủ

Thứ Tư, 26/08/2020 - 10:30

Khó khăn ập đến, hàng loạt dự án “đất vàng” đổi chủ; Làn sóng Covid-19 thứ hai đập tan hy vọng về sự hồi phục của ngành khách sạn; Thận trọng với quảng cáo bất động sản giá rẻ vì dịch Covid-19... là tin tức nóng 24h qua.

Khó khăn ập đến, hàng loạt dự án “đất vàng” đổi chủ

Trong một báo cáo mới đây của Savills Việt Nam ghi nhận gần đây một số dự án bất động sản tại Hà Nội và Tp.HCM được thương lượng mua và chuyển nhượng theo hình thức M&A với tổng giá trị hơn 500 triệu USD. Đương nhiên, con số này chỉ là phần nổi trong "tảng băng chìm" về hoạt động sang nhượng dự án đang diễn ra ầm thầm trên thị trường địa ốc.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam tại Hà Nội cho rằng, M&A là xu hướng diễn ra mạnh trong lĩnh vực BĐS thời gian qua. Trước khó khăn của thị trường BĐS do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhiều chủ đầu tư dự án rơi vào tình trạng khó khăn về tiềm lực tài chính cũng như thanh khoản nên buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng, san sẻ bớt cổ phần... Theo bà An, đây cũng chính là cơ hội mua bán sáp nhập các dự án BĐS cho cả nhà đầu tư nội và ngoại - những người có tiềm lực mạnh về tài chính.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, cộng với những thách thức trong năm 2019 khiến nhiều doanh nghiệp không đủ dòng tiền xoay xở, buộc phải tìm cách bán bớt tài sản để xử lý.

Xem chi tiết tại đây

Làn sóng Covid-19 thứ hai đập tan hy vọng về sự hồi phục của ngành khách sạn

Sự bùng nổ của dịch Covid-19 đã tạo nên làn sóng cách ly xã hội và hạn chế di chuyển ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Xu hướng này khiến cho thị trường du lịch và khách sạn gần như rơi vào trạng thái ngủ đông trong suốt nửa đầu năm 2020.

safe_image

Sau nhiều năm liên tục đạt tốc độ tăng trưởng du lịch ấn tượng, Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa trong sáu tháng đầu năm 2020 với mức giảm lần lượt là 56% và 50% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam tạm dừng các chuyến bay quốc tế kể từ cuối tháng 3, vì vậy lượng khách quốc tế đến giảm mạnh gần 99% chỉ trong quý II.

Dịch bệnh bùng phát khiến nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn và ngành kinh doanh khách sạn vì thế gặp nhiều khó khăn hơn. Doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) trong nửa đầu năm tại thị trường Hà Nội và TP.HCM lần lượt giảm khoảng 56% và 64% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) cho cả Việt Nam trong cùng kỳ cũng ghi nhận mức giảm tương tự khoảng 55%. Công suất phòng giảm sút nghiêm trọng trong tháng 4, giai đoạn diễn ra cách ly toàn xã hội, và bắt đầu được cải thiện trong tháng 5 và tháng 6 nhờ vào lượng khách nội địa bắt đầu du lịch trở lại.

Xem chi tiết tại đây

Thận trọng với quảng cáo bất động sản giá rẻ vì dịch Covid-19

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã khiến thị trường bất động sản Việt Nam một lần nữa điêu đứng, các giao dịch gần như đóng băng. Để thay đổi tình trạng này, nhiều lời rao, quảng cáo như: “Cắt lỗ” căn hộ… vì dịch Covid-19, cần tiền bán gấp, giá rẻ chưa từng có... đã liên tục xuất hiện trên các trang rao vặt, mạng xã hội…

Hầu hết các tin đăng bán bất động sản này đều có một điểm chung là có giá bán rất rẻ, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá ở thời điểm trước đó. Theo các lời rao, nguyên nhân chính của việc “bán rẻ”, “bán gấp vì lỗ"” đều có liên quan đến đại dịch Covid-19. Từ làm ăn thua lỗ, cạn tiền để duy trì kinh doanh mùa dịch... những lý do bán bất động sản này dường như không thể nào hợp lý hơn.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp đăng tin giá bán thấp, khi phóng viên gọi đến thì nói giá đó là 50% hoặc 1/3 giá trị của sản phẩm. Như trường hợp liên hệ với số điện thoại trên một trang web quảng cáo bán đất nền tại Gia Lâm chỉ có giá chỉ 109 triệu đồng/nền 100m2, nhưng nhân viên môi giới nói giá đó là 70%; nếu mua thì đặt cọc trước 20 triệu đồng/nền, thời gian bán sẽ thông báo cho người mua.

Xem chi tiết tại đây

Ế ẩm căn hộ cho thuê

Xu hướng xây dựng nhà trọ cao cấp cho thuê xuất hiện mấy năm gần đây. Đa phần những khu nhà trọ này được xây dựng cao tầng khép kín trong các ngõ ngách ở các thành phố lớn. Giá thuê ở mức từ 3,5- 5 triệu đồng/tháng tùy diện tích với đầy đủ các thiết bị từ giường tủ, bếp, máy giặt, điều hòa… Những khu nhà trọ này thu hút được nhiều sinh viên, gia đình trẻ thuê bởi tiện nghi hơn so với những khu nhà trọ cấp 4.

Ông Trần Hoài Linh, Tổng giám đốc VNO Group cho rằng, thị trường nhà cho thuê đang chịu tác động tiêu cực từ làn sóng COVID-19 thứ hai với 2 biểu hiện cụ thể là giảm giá và ế khách. Căn hộ cho thuê từ vùng giá 15 triệu đồng/tháng trở lên bắt đầu rơi vào nhóm khó khăn và dễ mất khách. Căn hộ cao cấp cho thuê với giá mỗi tháng cả nghìn USD nguy cơ bỏ trống cao, thuộc diện nguy hiểm nhiều hơn căn hộ trung cấp và bình dân. Trong khi đó, nhà phố cũng chịu áp lực giảm giá thuê rất mạnh do nhu cầu thuê sụt giảm.

Xem chi tiết tại đây

Giá BĐS quận 2, 9, Thủ Đức thuộc Thành phố phía Đông tương lai đã tăng hơn 40% trong vòng 3 năm qua

Nhìn lại sự phát triển thị trường bất động sản khu vực 3 quận phía Đông của TPHCM trong vòng 3 năm qua từ năm 2017 đến 2019 có thể thấy giá bán sơ cấp căn hộ tại 3 quận được quy hoạch thuộc thành phố phía Đông TP.HCM đã tăng chóng mặt.

Theo dữ liệu thống kê của batdongsan.com có thể thấy tính từ quý 1/2017 đến hết quý 4/2019, giá căn hộ chào bán trên địa bàn 3 quận khu Đông là quận 2, quận 9 và Thủ Đức đang có xu hướng tăng nhanh và mạnh nhất thị trường TP.HCM, nhất là dòng sản phẩm chung cư cao cấp.

Cụ thể, tại thời điểm quý 1/2017, giá bán trung bình căn hộ tại khu Đông rơi vào tầm 29 triệu đồng/m2. Hai năm sau, quý 1/2019, giá bán sơ cấp khu vực tăng lên mức 37 triệu đồng/m2 và đến quý 1/2020 đã lên mức 41 triệu đồng/m2. Bình quân giá bán căn hộ tại khu Đông đã tăng hơn 40% chỉ sau 3 năm. Theo đánh giá của các chuyên gia, giá bất động sản khu Đông sẽ còn tiếp tục thiết lập mặt bằng mới trong thời gian tới khi thành phố phía Đông được thành lập trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục khan hiếm.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top