Phú Thọ đặt mục tiêu 9.755 căn nhà ở xã hội (NƠXH)
Theo kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2025 vừa được tỉnh Phú Thọ phê duyệt, tỉnh sẽ xây dựng thêm 27 dự án NƠXH trên địa bàn các huyện, thị xã và TP. Việt Trì. Kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2025 tỉnh Phú Thọ phê duyệt cho thấy, tỉnh dự kiến phát triển các dự án nhà ở xã hội để hoàn thành khoảng 516.895m2 sàn nhà ở xã hội.
Trong đó, từ các dự án đang triển khai thực hiện khoảng 168.811m2 sàn; từ các dự án dự kiến triển khai khoảng 348.084m2 sàn. Cụ thể, hiện nay toàn tỉnh có 5 dự án NƠXH đang triển khai. Bao gồm, 3 dự án ở TP. Việt Trì, là: Dự án khu NƠXH tại khu Thành Công, phường Thọ Sơn; Khu NƠXH thấp tầng tại lô đất N02 - Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Minh Phương, phường Minh Phương và Khu nhà ở và dịch vụ khu công nghiệp Thụy Vân giai đoạn 1. Một dự án ở thị xã Phú Thọ, đó là Khu NƠXH cho công nhân KCN Phú Hà và Một dự án ở huyện Lâm Thao là Khu nhà ở công nhân, chuyên gia Hóc trẹo, Tiên Kiên.
Giai đoạn đến năm 2025, tỉnh Phú Thọ dự kiến triển khai xây dựng 27 dự án NƠXH. Trong đó, bao gồm 5 dự án độc lập; còn lại là các dự án thuộc quỹ đất 20% của các khu nhà ở thương mại.
Cụ thể, tại TP. Việt Trì, 5 dự án NƠXH độc lập gồm: Khu nhà ở xã hội Hoà Phong tại Phường Gia Cẩm; khu nhà ở xã hội tại Thụy Vân; Khu Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Thụy Vân; Khu nhà ở và dịch vụ khu công nghiệp Thụy Vân giai đoạn 2 và nhà ở xã hội tại Khu đô thị Minh Phương.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Người vay mua nhà "dài cổ" ngóng giảm lãi suất
Cứ đến ngày mùng 10 hàng tháng, anh Nguyễn Quang (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại nhận được tin nhắn thông báo số tiền gốc và lãi phải trả cho khoản vay mua nhà trả góp của gia đình.
"Đã nhiều tháng qua, lãi suất tiết kiệm ngân hàng giảm mạnh, nhưng lãi suất các khoản vay của gia đình tôi vẫn không thấy giảm, thậm chí còn tăng. Sau thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi 6,5%/năm, kể từ đầu năm nay, các khoản vay theo từng đợt giải ngân mua nhà của chúng tôi bị tính lãi suất thả nổi từ 10,9%/năm, sau lên 12,2%/năm, giờ lên tới 15,4%/năm, áp lực tài chính rất lớn", anh Quang chia sẻ.
Với dư nợ hơn 1 tỷ đồng, gia đình anh Quang mỗi tháng đang phải trả ngân hàng gần 20 triệu đồng tiền gốc và lãi, gấp từ 2 - 2,5 lần so với trước đây và chiếm đến 50% thu nhập của cả gia đình.
Tương tự, chị Khánh Hà (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cũng đang đứng tên một khoản vay trị giá hơn 800 triệu đồng, lãi suất 12,1%/năm. Chị Hà cho biết, từng có thời điểm ngân hàng áp lãi suất khoản vay của chị lên tới 17%/năm. Quá áp lực nên chị cùng gia đình quyết định vay mượn người thân, bạn bè để tất toán khoản nợ đó rồi chuyển sang ngân hàng hiện tại để vay, dù lãi suất vẫn cao nhưng "dễ thở" hơn.
Đối với khách hàng hiện hữu là thế, còn với khách hàng vay mới cũng không khác nhiều. Anh Mạnh Cường (nhân viên văn phòng tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tìm hiểu nhiều ngân hàng được biết lãi suất cho vay mới phổ biến từ 10 - 12%/năm, có nơi khá "mềm" chỉ từ 4,99 - 6%/năm. Nhưng quan trọng, mức lãi suất ưu đãi này thường chỉ giữ trong 3 - 6 tháng đầu, sau đó sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thanh khoản bất động sản chuyển động theo làn sóng hạ lãi suất
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh ở một số nền kinh tế lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất.
Còn ở trong nước, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát được kiểm soát; thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đảm bảo.
Do đó, tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành.
Theo đó, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm lãi suất điều hành. Hiện lãi suất cho vay của các khoản vay mới bình quân đang ở mức khoảng 9,07%.
Động thái điều chỉnh lãi suất linh động phía Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay đã đánh dấu sự chuyển biến quan trọng của chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đại biểu Quốc hội: Phương pháp nào xác định giá đất theo thị trường?
Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm và qua 5 lần sửa đổi, bổ sung, gần nhất là vào năm 2013. Sau hơn 8 năm thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được, cho tới nay, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo so với các luật khác dẫn đến sự mập mờ về trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện.
Một trong những bất cập là thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay đang tồn tại cơ chế hai giá đất:
Một là giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án.
Hai là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá Nhà nước quy định.
Thực tế cho thấy, sự chênh lệch rất lớn giữa hai loại giá này đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau như khiếu kiện kéo dài, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu và cụ thể hóa cơ bản chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý Nhà nước là tiêu chí nào để định giá đất sát với thị trường và nên giao cho đơn vị, cơ quan nào thực hiện? Việc tính giá đất nên do một cơ quan độc lập, có trách nhiệm thực hiện hoặc do địa phương thực hiện dựa trên thăm dò ý kiến, đề xuất của người dân?
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội đang có hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang, ai chịu trách nhiệm?
Theo UBND TP. Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện kế hoạch đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô cần thêm 7.117 căn hộ mới, tương đương khoảng 560.000m2 sàn để đáp ứng đủ nhu cầu tái định cư. Trong khi thành phố nỗ lực thực hiện kế hoạch nhằm chỉnh trang đô thị và ổn định nơi ở cho người dân thì có một nghịch lý là hàng nghìn căn hộ tái định cư đã được xây dựng cách đây hàng chục năm vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên và mất mỹ quan đô thị.
Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Quốc hội cho biết, nhiều căn nhà, căn hộ tái định cư chưa được đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bị bỏ hoang đang xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí.
Đơn cử, như 3 tòa nhà tái định cư tại Khu đô thị mới Sài Đồng, Long Biên; Khu nhà tái định cư trên đường Trần Phú, quận Hoàng Mai; và cách đó không xa, tại đường Tân Mai, đoạn gần chợ đầu mối Đền Lừ, cũng có 3 tòa nhà tái định cư để hoang phí không có người ở trong nhiều năm. Được biết, trong đợt cao điểm của đại dịch Covid-19 thì 3 tòa nhà này được trưng dụng làm cơ sở điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19 nhưng sau đó lại tiếp tục bị bỏ hoang. Cũng phải kể đến 2 tòa nhà tái định cư với hàng trăm căn hộ trên phố Khuyến Lương, quận Hoàng Mai và 1 tòa nhà cao hơn 10 tầng ở gần ngõ 156 đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai đều đang trong tình trạng tương tự…