Gần 2.000 doanh nghiệp địa ốc dừng kinh doanh trong quý I
Theo Bộ Xây dựng, trong quý I, có 341 doanh nghiệp địa ốc giải thể (tăng 30%) và 1.816 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 61%) so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I. Theo đó, cơ quan này đánh giá thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành.
"Thị trường đã có những dấu hiệu tích cực, niềm tin của nhà đầu tư được phục hồi, một số dự án được tiếp tục triển khai sau một thời gian phải tạm dừng, lượng tìm kiếm và giao dịch bất động sản đã dần tăng lên, đặc biệt vào cuối quý I", Bộ Xây dựng đánh giá.
Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, cơ quan quản lý nhận thấy thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Trong quý I, nguồn cung về nhà ở thương mại vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhà đầu tư sẵn tiền chực chờ thị trường bất động sản tạo đáy
Không ít nhà đầu tư có sẵn tiền mặt nhưng đang quan sát thị trường, chờ cơ hội "bắt đáy" bất động sản trong bối cảnh thị trường trầm lắng.
Anh Nguyễn Văn Thái - một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp ở Hà Nội - cho biết, nhiều tháng qua, anh luôn dành thời gian theo dõi diễn biến của thị trường. Dù thấy có nhiều sản phẩm cắt lỗ nhưng anh nhận định đây vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để "xuống tiền".
"Tôi đã đi xem các sản phẩm bất động sản cắt lỗ, nhưng đều không nhìn ra cơ hội đầu tư. Có những lô đất giảm tới 50% nhưng vị trí lại xấu, khó có tiềm năng tăng giá. Một số sản phẩm cắt lỗ 20 - 30%, nhưng giá vẫn ở mức cao so với giá trị thực", anh Thái nói.
Cũng giống như anh Thái, nhóm đầu tư của chị Nguyễn Thị Hạnh ở Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng tài chính, nhưng chưa tham gia vào thị trường lúc này. Chị Hạnh cho biết, giá cắt lỗ của nhiều sản phẩm bất động sản chưa về sát với giá trị thực sau 2 năm tăng nhanh.
"Một căn liền kề ở Hoàng Mai, năm 2019 có giá 7 tỷ đồng, nhưng đến năm 2022 đã tăng lên tới 14 tỷ đồng. Hiện tại, chủ căn liền kề này đang rao bán cắt lỗ với giá 11 tỷ đồng", chị Hạnh dẫn chứng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội: Giá bán biệt thự, liền kề vẫn "neo cao"
Theo báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2023, phân khúc biệt thự/liền kề tại Hà Nội rất ít giao dịch.
Biệt thự, nhà liền kề liên tục tăng giá trong vài năm gần đây, nhất là vào thời điểm sốt đất năm 2020 và 2021 đã tăng lên gấp 2 lần. Theo khảo sát của PV Reatimes, giá liền kề, biệt thự tại Hà Nội đang "neo cao", dao động từ 60 - 300 triệu đồng/m2, tùy vị trí, diện tích và giá trị khai thác của sản phẩm. Cụ thể, tại khu đô thị Nam An Khánh, khu đô thị Lideco, huyện Hoài Đức có giá nhà liền kề, biệt thự dao động từ 60 - 140 triệu đồng/m2; Khu đô thị Vân Canh giá biệt thự, liền kề có giá từ 56 - 140 triệu đồng/m2, còn ở mặt đường 30m có giá từ 110 - 150 triệu đồng/m2; dự án liền kề, biệt thự tại Thanh Đàm, quận Hoàng Mai có giá dao động từ 110 - 150 triệu đồng/m2; tại dự án The Manor Central Park giá dao động từ 200 - 380 triệu đồng/m2;...
Theo anh Huỳnh Đại Nghĩa, một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội, năm 2021, thấy phân khúc liền kề, biệt thự tại Hà Nội lên cơn sốt nóng nên anh đã quyết định mua một căn liền kề để đầu tư và cho thuê kiếm lời.
"Thời điểm đó, giá liên tục tăng, ngày hôm trước chưa quyết định mua hôm sau đã tăng giá. Thấy vậy, tôi quyết định vay thêm 2 tỷ đồng để mua một căn liền kề tại Hoài Đức, có diện tích 85m2, tương đương hơn 140 triệu đồng/m2, vì căn nhà nằm ở vị trí khá tốt. Hiện nay, dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng việc cho thuê vẫn rất khó, cộng với tình hình thị trường bất động sản chững lại nên tôi quyết định rao bán. Chật vật rao bán suốt mấy tháng trời nhưng mức giá những người quan tâm đưa ra chỉ khoảng 10 tỷ đồng, một số khác còn trả thấp hơn", anh Nghĩa kể.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Vỉa hè Hà Nội - "Cho thuê để quản" chứ đừng coi là "cuộc chiến"
Câu chuyện vỉa hè, nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chưa bao giờ hết ồn ào, đầu năm nay tiếp tục nóng lên khi Hà Nội lại ra quân "dẹp vỉa hè", còn TP. HCM nghiên cứu cho thuê thu phí.
Câu chuyện thời sự nhất là ngày 9/3/2023, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký ban hành văn bản số 607/UBND-ĐT về việc tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường và ra quân rầm rộ từ 21/3 dẹp nạn chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, với mục tiêu lập lại trật tự, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng chỉ đến ngày 31/3, Hà Nội đã phải chuyển sang hướng thí điểm quy hoạch khu vực cho thuê vỉa hè.
Việc chuyển hướng này tạo ra những luồng ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương này, không phải từ những hộ có liên quan đến lợi ích sử dụng vỉa hè, mà cho rằng như thế là phù hợp thực tế. Nhưng cũng có không ít ý kiến không đồng tình, cho rằng vỉa hè là phải dành cho người đi bộ, vi phạm cần xử lý theo pháp luật chứ không thể "dĩ hòa vi quý"…
Riêng cá nhân tôi cho rằng, phương án quy hoạch cho thuê vỉa hè dựa vào đặc điểm, tình hình cụ thể từng địa bàn, khu vực là đúng đắn, bởi nó phù hợp thực tế, hợp lý hợp tình, hài hòa lợi ích và nhất là có tính khả thi.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tiếp thu đến ngày cuối cùng đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến ngày cuối cùng, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt, đóng góp vào từng điều, khoản, chương cụ thể...
Chiều 24/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với các bộ, ngành về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình để xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 5 tới đây.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến ngày cuối cùng, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt, đóng góp vào từng điều, khoản, chương cụ thể, "tập trung vào những vấn đề lớn, đòi hỏi các bộ, ngành cùng thống nhất phương án tiếp thu".
Tại cuộc họp, Bộ TN&MT (cơ quan soạn thảo) đã báo cáo kết quả tổng hợp ý kiến Thành viên Chính phủ về một số nội dung: Quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất hằng năm; thẩm quyền thu hồi đất quốc phòng, an ninh; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; hình thức giao đất, cho thuê đất cho đơn vị sự nghiệp công lập; trường hợp cho thuê đất trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê đất; trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất liên quan đến các đối tượng thuốc lực lượng vũ trang; sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc thoả thuận về quyền sử dụng đất...