"Thị trường bất động sản đang ở thế người dân hồ hởi chuẩn bị tiền đầu tư"
Đó là nhận định của ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần III và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2022 - 2023 do Tạp chí Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây.
Theo ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing, thị trường bất động sản đang ở thế người dân hồ hởi chuẩn bị tiền đầu tư, doanh nghiệp chuẩn bị bấm nút triển khai các dự án. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, thị trường lại dần phanh lại, rơi vào thế ảm đạm. "Có thể ví sự phát triển của thị trường giống như đang chạy trên đường cao tốc và dần chậm lại bởi tín hiệu kiểm tra của cảnh sát giao thông", ông Trung liên tưởng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trung cho rằng, thị trường bất động sản đang cần hỗ trợ pháp lý rất lớn, rất quan trọng vào lúc này. Nếu so sánh với giai đoạn khủng hoảng cách đây 10 năm của thị trường vẫn nhận thấy rằng, hiện nay trên thị trường bất động sản, yếu tố đầu cơ vẫn còn nhiều, trong khi hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa quản lý thật tốt. Đó là nguồn gốc gây khó khăn cho mọi vấn đề trên thị trường hiện nay.
"Vấn đề pháp lý, điều tiết dòng tiền lúc này quan trọng hơn bao giờ hết", lãnh đạo OneHousing nhấn mạnh.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường bất động sản có thêm cơ hội phục hồi nhờ kinh tế khởi sắc
Tiếp đà tăng trưởng trong năm ngoái, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thêm những bứt phá mạnh mẽ trong năm nay, tạo thêm lực đẩy để thị trường bất động sản phục hồi như giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 sẽ tiếp tục giữ ở mức khá, vào khoảng 6,5% theo mục tiêu của Nghị quyết mà Quốc hội ban hành. Số liệu mà các định chế tài chính như IMF, WB hay ADB đưa ra cũng đều ở mức hơn 6%. Nền tảng vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của năm nay là động lực từ "cỗ xe tam mã" gồm: tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công.
Cụ thể, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng từ 8 - 9% so với doanh thu hơn 5,6 triệu tỷ đồng của năm ngoái. Con số có thể còn cao hơn nữa vì du lịch được dự báo là vẫn ở mức "bùng nổ". 102 triệu lượt khách nội địa, cùng với 8 triệu khách quốc tế sẽ kích thích hàng loạt dịch vụ như lưu trú, ăn uống, vận tải, vui chơi, giải trí…
Với xuất khẩu, việc Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero Covid đang mở ra cơ hội rất lớn cho nhiều mặt hàng, cùng với ưu thế được tạo ra từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP. Trên cơ sở các đòn bẩy này, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 hoàn toàn có thể cán mốc 394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD so với cùng kỳ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần III và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2022 - 2023
Được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, vào sáng 10/3 tại Hà Nội, sự kiện thường niên Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần III và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2022 - 2023 chính thức diễn ra, được tổ chức bởi Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES).
Kế thừa những kết quả tốt đẹp đã đạt được từ chương trình các năm trước, sự kiện năm nay tiếp tục là sự tích hợp của Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân - nơi các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp bất động sản sẽ đưa ra những nhận định, thảo luận về các vấn đề "nóng" của thị trường & Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2022 - 2023 nhằm ghi nhận, tôn vinh những chủ đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ bất động sản chuyên nghiệp, uy tín; những dự án chất lượng là điểm sáng trên thị trường ở các loại hình…
Theo đó, Lễ Vinh danh là kết quả chương trình bình chọn, xếp hạng các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ bất động sản dẫn đầu năm 2022 - 2023 được bình chọn bởi hơn 1.000.000 độc giả trên hệ thống Reatimes.vn và Hội đồng bình chọn trực tiếp, độc lập, khách quan, bao gồm các nhà báo, các chuyên gia kinh tế - luật - quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - bất động sản hàng đầu của Việt Nam.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Không dừng lại ở mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội
Sáng 10/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe Bộ Xây dựng báo cáo về Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (Đề án).
Sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo về một số nội dung quan trọng của Đề án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người dân. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định về "quyền có nơi ở hợp pháp", "quyền sở hữu về nhà ở" của người dân và "Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở". Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, đặc biệt với các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện Đề án không chỉ gói gọn ở con số 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì hiện nay còn hàng chục triệu người có nhu cầu về nhà ở. Mục tiêu dài hạn, tổng thể của Đề án là phải nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong bảo đảm quyền tiếp cận nhà ở của người dân. Trong từng giai đoạn, cần đề ra mục tiêu cụ thể, như xây ký túc xá cho sinh viên, nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở nhóm người yếu thế… từ đó, đưa ra các giải pháp, chính sách, phân bổ nguồn lực ưu tiên, phù hợp.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường M&A sôi động: Cơ hội không chỉ dành cho những "ông lớn"
Thực tế khó khăn của thị trường, nổi bật là việc thiếu hụt dòng tiền đang là tiền đề để cuộc chơi M&A "nóng" hơn. Lúc này, doanh nghiệp nào có năng lực tài chính thực sự, doanh nghiệp đó sẽ làm chủ cuộc chơi.
Cách đây ít ngày, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình, đồng thời là chủ khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake đã công bố sẽ bán khách sạn này với giá khởi điểm là 250 triệu USD. Theo doanh nghiệp này đã có hai đơn vị nước ngoài quan tâm và nếu thành công thì việc mua bán khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake sẽ là thương vụ M&A lớn nhất của thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2023.
Có thể thấy, thực tế khó khăn của thị trường bất động sản, nổi bật là việc thiếu hụt dòng tiền đang là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư phải từ bỏ cuộc chơi. Tuy nhiên, cánh cửa khép lại với doanh nghiệp này lại là cơ hội mở ra cho những doanh nghiệp khác - những doanh nghiệp còn tiền, còn sức cạnh tranh để đầu tư và phát triển.
Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, đây sẽ là tiền đề để cuộc chơi M&A "nóng" hơn, thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư có nguồn vốn mạnh, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.