Aa

Bất động sản công nghiệp thêm hấp lực

Thứ Hai, 17/06/2024 - 06:23

Sự dịch chuyển và tái thiết lập chuỗi cung ứng đang đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của khu vực và thế giới, từ đó mở ra cơ hội lớn hơn cho phân khúc bất động sản khu công nghiệp.

Việt Nam - Ngôi sao đang lên

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 5,5-6,5%. Theo IMF, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2024, sánh ngang với Ma Cao (Trung Quốc), Ấn Độ và Philippines.

Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm nay, có 1.227 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng 50,8%.

Vốn thực hiện các dự FDI trong 5 tháng qua tiếp tục tích cực với mức tăng 7,8% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8,25 tỷ USD, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn, bất chấp những khó khăn hiện hữu.

Đặc biệt, tháng 5/2024 ghi nhận lượng vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm lớn nhất trong các tháng đầu năm với hơn 800 triệu USD (gấp 2,8 lần tháng 4, tăng 72% so với tháng 3/2024, gấp 4,1 lần tháng 2/2024 và gấp 3,6 lần tháng 1/2024).

Đây đều là những chỉ báo quan trọng cho thấy sức hấp dẫn của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cũng cho hay, triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2024 được dự báo tích cực với mức tăng trưởng GDP dự kiến từ 5,5 6,5%, đưa Việt Nam vào tốp 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.

Dòng vốn FDI tăng mạnh mẽ cho thấy niềm tin vững chắc của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Ở trong nước, lĩnh vực công nghiệp cũng ghi nhận sự hào hứng từ các chủ đầu tư nội khi đang có nhiều hơn các dự án khu công nghiệp quy mô, “bắt trend” của thời đại để đáp ứng tốt hơn việc thu hút các khách thuê chất lượng.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “tâm điểm” trong chuỗi sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn sản xuất quốc tế trong tương lai, đặc biệt với ngành công nghiệp bán dẫn.

Chẳng hạn, Tập đoàn Gelex và Frasers Property đang hợp tác để xây dựng các khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn LEED. Gần đây, 2 bên đã khởi công dự án Trung tâm công nghiệp Yên Mỹ (Hưng Yên), cung cấp 159.000 m2 diện tích nhà xưởng linh hoạt. Ngoài ra, Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh) của 2 nhà đầu tư này, bao gồm một nhà máy xây sẵn rộng 71.000 m2, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024. Trường hợp khác, Becamex IDC Corp vừa ký kết thỏa thuận đầu tư cho dự án Khu công nghiệp Bình Thuận rộng 5.000 ha với tổng vốn đầu tư vượt 800 triệu USD…

Bất động sản công nghiệp hưởng lợi lớn

Được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng là điều dễ nhận thấy, nhưng đáng chú ý hơn là chất lượng các dự án đầu tư vào Việt Nam đang tốt lên rõ rệt. Báo cáo Đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APIQ) của Savills dự báo, ngành chip bán dẫn của Việt Nam sẽ thu hút đầu tư đáng kể trong năm 2024.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ Đạo luật CHIPS và Khoa học Mỹ, bao gồm khoản tài trợ 500 triệu USD để nâng cao đào tạo về chất bán dẫn, an ninh mạng và môi trường kinh doanh trên toàn cầu.

Tập đoàn bán dẫn Lam Research - Mỹ mong muốn phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng bán dẫn giai đoạn 1 với số vốn 1-2 tỷ USD tại Việt Nam. Trên bình diện toàn cầu, Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) đánh giá, trong thập kỷ tới, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sẽ được đẩy mạnh, khi các địa điểm sản xuất và chế tạo sẽ đa dạng hóa sang nhiều nơi khác nhau trên khắp châu Á - Thái Bình Dương.

Trong đó, Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ là những khu vực hưởng lợi chính từ việc các công ty đa dạng hóa khả năng sản xuất để bổ sung cho các cơ sở hiện hữu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các công ty sẽ cần linh hoạt khi xem xét các địa điểm và các lựa chọn tài chính để tận dụng sự biến động trong chuỗi cung ứng. JLL cho hay, trong vài năm qua, nhiều công ty đã bắt đầu khám phá việc chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xu hướng này đã dẫn đến chiến lược “Trung Quốc+1”, trong đó các công ty bổ sung thêm các cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất và phòng ngừa gián đoạn chuỗi cung ứng.

“Đa dạng hóa chuỗi cung ứng là bước đi tự nhiên cho các công ty tham gia sản xuất trong chu kỳ kinh tế rộng lớn của khu vực này. Chúng tôi nhận thấy Đông Nam Á và Ấn Độ là sự bổ sung tự nhiên cho sức mạnh sản xuất hiện có của Trung Quốc, nhưng để các công ty có thể phản ứng nhanh chóng với những thay đổi trong chuỗi cung ứng, họ cần có tư duy linh hoạt về lựa chọn đất đai và các lựa chọn tài chính”, ông Michael Ignatiadis - Giám đốc cấp cao Khối Chiến lược sản xuất, Châu Á - Thái Bình Dương của JLL nói.

Theo chuyên gia JLL, động lực thúc đẩy xu hướng này không chỉ là nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mà còn nhằm tận dụng các nền tảng kinh tế mạnh mẽ của khu vực, bao gồm dân số và lực lượng lao động đông đảo, chi phí hợp lý và các ưu đãi khác nhau. Từ góc độ đầu tư sản xuất, những yếu tố này đặt Đông Nam Á và Ấn Độ vào vị trí các trung tâm sản xuất lớn cho thị trường toàn cầu.

“Trước tiềm năng tái thiết hình thành thương mại toàn cầu thông qua sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp sản xuất và chế biến, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm phát triển mới. Danh tiếng của Việt Nam vốn gắn với sản xuất điện tử, nhưng khả năng không chỉ giới hạn tại đó”, bà Trang Lê - Giám đốc cấp cao Khối Nghiên cứu và Tư vấn tại Việt Nam, kiêm Giám đốc cấp cao, Nghiên cứu chiến lược sản xuất, Châu Á - Thái Bình Dương của JLL chia sẻ thêm.

Cùng chung nhận định, ông Wong Xian Yang - Giám đốc Nghiên cứu thị trường tại Singapore và Đông Nam Á của Cushman & Wakefield cho biết, chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) cho thấy động lực tích cực ở các quốc gia định hướng xuất khẩu như Singapore, Việt Nam và Malaysia.

Những chỉ số này báo hiệu sự tăng cường sản xuất và xuất khẩu, với các khoản đầu tư dự kiến vào sản xuất điện tử và xe điện sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng. Xu hướng này nêu bật khả năng phục hồi và tiềm năng tăng trưởng của các nền kinh tế, giúp các nước tiếp tục mở rộng trong năm tới.

Theo chuyên gia Cushman & Wakefield, trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng Trung ương Việt Nam đã bắt đầu chính sách cắt giảm lãi suất vào năm 2023, với một đợt cắt giảm khác có thể xảy ra vào năm 2024.

Với nguồn đầu tư lành mạnh, Việt Nam tiếp tục là quốc gia hưởng lợi chính từ chiến lược “Trung Quốc+1”. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD vào năm 2023, tăng 32,1% so với năm 2022, chủ yếu được thúc đẩy bởi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất (64%) và bất động sản (13%).

Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam - bà Trang Bùi nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, được kỳ vọng sẽ trở thành “tâm điểm” trong chuỗi sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn sản xuất quốc tế trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn khi sở hữu lực lượng lao động trẻ, có ý chí đổi mới sáng tạo, được đào tạo trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành bán dẫn…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top