Xuất hiện đầu nậu, cò đất lợi dụng vụ cháy chung cư Carina Plaza để thổi giá đất nền phân lô
Vụ cháy chung cư Carina Plaza đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản của người dân, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động trong công tác bảo đảm an toàn cho cư dân sinh sống trong chung cư cao tầng.
Đánh giá tác động từ vụ cháy chung cư Carina Plaza đến thị trường căn hộ chung cư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, vụ cháy đã tác động đến tâm lý và hành vi của người tiêu dùng. Trên thực tế đã khiến cho phân khúc căn hộ chung cư có sự chững lại trong mấy tuần qua.
Đặc biệt, ông Châu nhấn mạnh, hiện nay đã xuất hiện hiện tượng đầu nậu, cò đất lợi dụng vụ cháy chung cư Carina Plaza để đầu cơ, thổi giá đất nền phân lô để trục lợi.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cảnh giác với đất nền tỉnh lẻ!
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản ghi nhận sự tăng giá chóng mặt của phân khúc đất nền các huyện, tỉnh ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng... Tuy nhiên, một số đơn vị nghiên cứu thị trường cảnh báo, nhà đầu tư nên cân nhắc khi quyết định “xuống tiền” cho các dự án đất nền những khu vực này.
Thực tế tăng giá chóng mặt của phân khúc đất nền khu vực giáp ranh thành phố được giới kinh doanh bất động sản “chốt” bằng câu nói vui “đất nền tỉnh lẻ không rẻ như xưa”.
Hiện tượng này đã diễn ra từ cuối năm 2016, khi đất nền tại nhiều tỉnh, thành đã tăng mạnh, đặc biệt là các khu vực vùng ven của các đô thị mới. Lúc đầu, chỉ vài người đi gom đất, sau đó lan rộng, tạo nên cơn sốt đất. Song hiện tượng này bắt đầu gây sự chú ý mạnh hơn vào cuối năm ngoái cho đến những tháng đầu năm 2018.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Làm sao quy hoạch giữ "đất xanh" cho Hà Nội?
Hiện nay, phát triển đô thị theo hướng bền vững đang trở thành một mối quan tâm lớn của Hà Nội. Thành phố đang trải qua một quá trình mở rộng quy mô đô thị nhanh chóng, nhất là dưới tác động của sự gia tăng dân số mạnh mẽ và hiện tượng dịch cư nông thôn liên tục, diện tích đất nông nghiệp thay đổi dần bằng các dự án công nghiệp.
Cụ thể, theo công bố Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, giai đoạn từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 138 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 2.622,91ha (giữ nguyên, điều chỉnh, mở rộng, hoàn thiện 64 cụm công nghiệp; cho tồn tại nhưng hạn chế phát triển 22 cụm công nghiệp; thành lập mới 52 cụm công nghiệp). Giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, mở rộng 5 cụm công nghiệp, xây mới 21 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 536ha.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản Hà Nội: Diễn biến trái chiều
Thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2018 có diễn biến trái chiều khi ghi nhận sự thăng hoa của phân khúc căn hộ tầm trung, sự sụt giảm của phân khúc nhà ở gắn liền với đất và đi ngang của phân khúc văn phòng cho thuê.
Báo cáo tổng quan mới đây về thị trường bất động sản Thủ đô trong quý I/2018 của CBRE Việt Nam cho thấy, tình hình kinh tế khả quan đã có những tác động nhất định, mang sắc thái tích cực tới thị trường bất động sản. Đặc biệt, theo CBRE, chỉ số VN-Index vượt đỉnh mọi thời đại ở 1.170 điểm một phần nhờ vào sự tăng trưởng tốt của cổ phiếu năng lượng và bất động sản.
Ở thị trường chung cư, cả quý I có 8.800 căn hộ thuộc 39 dự án được mở bán, giảm 4% so với năm 2017. Trong đó, phân khúc tầm trung tiếp tục dẫn dắt thị trường khi chiếm đến 3/4 nguồn cung mở bán. Mặc dù lượng mở bán giảm, nhưng doanh số bán hàng lại tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 6.600 căn hộ. Giá bán sơ cấp ở mức 1.339 USD/m2.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đơn độc, bức bối trong những tòa cao ốc sừng sững giữa Thủ đô
Vài năm trở lại đây, câu chuyện về quy hoạch không gian sống trong các khu đô thị liên tục được đưa ra mổ xẻ và bình luận. Những khu chung cư chen chúc mọc lên với tốc độ chóng mặt, đối nghịch với nó, không gian dành cho chính những cư dân sống trong các tòa cao ốc này ngày càng trở nên chật chội, bức bối. Các tòa nhà được chất tầng ngày một cao, không gian sinh hoạt chung bị chiếm dụng để kinh doanh làm quán xá, nơi đỗ xe... quy hoạch khu đô thị bị băm nát, xẻ thịt một cách không thương tiếc.
Hàng trăm nghìn cư dân ngày ngày sau giờ tan làm trở về, lại "giam" mình trong những "bao diêm" kín mít, trẻ nhỏ tranh nhau vui chơi trong những khoảng không chật hẹp trước sảnh tòa nhà hay đơn giản chỉ là vỉa hè xen giữa bãi để xe và hàng quán. Theo nhà báo Trần Đăng Tuấn, chính điều này đang khiến cho con người dồn nén sự bức xúc rồi trở nên cáu kỉnh với nhau. Và vì thế, văn hoá cộng đồng cũng dần dần biến mất.