Giá đất sẽ tiếp tục tăng
Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản Thanh Hóa liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, giá bất động sản ở hầu khắp các địa phương có xu hướng tăng giá mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phục Hưng nhận định, từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, giá bất động sản ở tất cả các phân khúc của thị trường trên cả nước tiếp tục tăng, tuy nhiên lực tăng đều và chậm hơn so với đầu năm 2021. Đối với khu vực Thanh Hóa, xu hướng tăng giá bất động sản năm 2022 chủ yếu hướng tới người mua có vốn thật và nhu cầu ở thật.
Trong hơn 2 tháng trở lại đây, thị trường tiếp tục ghi nhận việc tăng giá đều, ở ngưỡng hợp lý. Ví dụ: Giá đất biệt thự tăng từ 5 - 7%, nhà liền kề và shophouse, đất nền đô thị và ven đô có mức tăng cao hơn từ 10 - 15%. Đáng chú ý, thời gian qua, các mặt bằng khu đô thị tại trung tâm ngày càng trở nên khan hiếm, trong khi quỹ đất ở vùng ven còn lớn, mặt bằng đầu tư đồng bộ tiếp tục thu hút khá nhiều sự quan tâm của giới đầu tư.
Cùng quan điểm, ông Lê Xuân Thắng - Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Thanh Hóa nhận định, nhìn chung kinh tế cả nước đều gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuy nhiên giá bất động sản không bị tác động mạnh bởi nguyên nhân trên.
Trong giai đoạn cuối 2019 đến nửa đầu tháng 3/2022, thị trường bất động sản nói chung rất sôi động, giá ở nhiều phân khúc tiếp tục tăng cao, cá biệt có một số địa phương liên tục tăng từ 30 - 60%. Riêng thị trường Thanh Hóa, giá bất động sản có khu vực tăng nóng, đỉnh điểm là đầu năm 2021 có những nơi tăng đến 100%. Điển hình như giá đất tại mặt bằng 2125 TP. Thanh Hóa tăng 90% so với thời điểm mở bán, giá đất mặt bằng Nam Đông Phát tăng 120%... Giá đất tại một số khu vực như Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn tăng từ 40 - 70% trong vài năm trở lại đây.
Dự báo, với tình hình hiện nay, các chính sách thuế đất tăng, giá chi phí xây dựng tăng, giá vật liệu leo thang, cộng với ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, vàng không ổn định khiến nhà đầu tư dồn vốn vào đầu tư bất động sản.
Ông Nguyễn Hữu Huy cho biết thêm, xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục diễn ra đối với thị trường trong thời gian tới. Cụ thể, giá căn hộ chung cư sẽ tăng ở mức 3 - 5% tùy vào các phân khúc. Riêng các phân khúc nhà thương mại hạng sang mức giá có thể tăng từ 6 - 10%, còn phân khúc nhà bình dân và trung cấp mức giá có thể tăng từ 3 - 6%. Giá bán đất nền vẫn tiếp tục tăng từ 20 - 30% trong thời gian tới.
Giá bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ trên đà phục hồi và tăng giá trở lại bởi các chính sách mở cửa du lịch của tỉnh và trung ương. Nhìn chung nguyên nhân của xu hướng tăng giá trên một phần do tình trạng lệch pha cung cầu vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, thị trường bất động sản Thanh Hóa vẫn tiếp tục tăng giá ở tất cả các phân khúc trong thời gian tới. Cụ thể, ở phân khúc nhà ở chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung ít, trong khi giá đất, thuế đất đều tăng.
Các dự án đất nền hiện nay chủ yếu là do đấu giá tại các địa phương với giá trúng thường rất cao, còn các dự án được phê duyệt quy hoạch thường ít ra hàng hoặc hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, hoặc chủ đầu tư “găm” hàng dẫn đến nhà đầu tư khó tiếp cận.
Bên cạnh đó, với sự lạm phát tăng cao như hiện nay, ngân hàng có thể tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản, cơ hội đầu tư các loại hình kinh doanh khác gặp nhiều rủi ro… chính là những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao.
Tiềm ẩn nguy cơ “bẫy” giá bởi “cò đất”
Thực tế tại nhiều địa phương thời gian qua đã có tình trạng một số nhà đầu tư, môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, bảng giá đất mới, sáp nhập hoặc nâng cấp đơn vị hành chính, triển khai xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông mới; thậm chí tung tin triển khai các dự án nhà máy, khu đô thị, nghỉ dưỡng lớn... để đồn thổi, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao.
Không những thế, thị trường bất động sản Thanh Hóa thời gian qua còn xuất hiện tình trạng doanh nghiệp tiến hành kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện pháp lý, chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản trái quy định; thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm đang là nguyên nhân khiến thị trường bất động sản nhiễu loạn.
Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm 2022, nhằm thực hiện giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng" bất động sản. UBND tỉnh Thanh Hoá đã đưa ra nhiều khuyến cáo đối với người mua bất động sản như tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân.
Tuy nhiên, việc khuyến cáo hoặc xử lý những trường hợp trên chưa được đồng bộ hoặc công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định. Thực tế cho thấy, không chỉ riêng khu vực thành thị hay các dự án đô thị có quy mô, hạ tầng đồng bộ có biên độ tăng giá cao mà ở một số vùng nông thôn hiện tượng sốt đất và giá đất liên tục tăng đã và đang diễn ra ở nhiều nơi tại Thanh Hóa.
Anh Trương Văn Chung, một nhà đầu tư bất động sản tại Sầm Sơn cho biết, hiện tượng "đầu cơ" bất động sản dẫn đến tình trạng "sốt" giá tại Thanh Hóa đang diễn ra một cách nhanh chóng. Ví dụ như: Một lô đất tại vùng nông thôn ở Nông Cống được mua cuối năm 2021 với giá khoảng 300 - 400 triệu đồng thì đến nay cũng lô đất đó giá bán đang giao động từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng.
Theo anh Chung, nguyên nhân của hiện tượng tăng giá bất thường trên là bởi thường ở những khu vực có hiện tượng sốt đất này sẽ xuất hiện một nhóm đối tượng “cò mồi” đứng đằng sau để thổi giá. Họ tạo ra các giao dịch ảo, bằng cách mua đi bán lại trong nhóm với nhau nhằm nâng giá để tạo ra cơn sốt đất. Với hàng chục hay thậm chí hàng trăm nhà đầu tư tay ngang khi chưa có kỹ năng, chạy theo đám đông, thiếu kiến thức, non kinh nghiệm cộng với tâm lý mua nhanh bán nhanh kiếm lời "khủng" đã sập bẫy. Kết quả là các đối tượng cò mồi đứng đằng sau các cơn sốt đất hưởng lợi từ sự tăng giá bất động sản phi mã, còn các nhà đầu tư thì ôm trái đắng.
Hay như mới đây, tại khu đất thuộc dự án khu dân cư dọc 2 bên đường CSEDP, thuộc khu đô thị Đông Sơn, TP. Thanh Hóa, không khó để bắt gặp các nhóm "cò đất" không bảng biển, không bảng tên, tự dựng lều bạt xung quanh khu đất dự án để mời chào người dân khi tới khu vực này.
Cũng theo thông tin từ các "cò đất" này, giá bán thấp nhất sẽ từ khoảng 20 triệu đồng/m2 cho các căn nằm phía trong và cao nhất có thể lên tới 40 triệu đồng/m2 đối với những căn có vị trí đắc địa. Đồng thời, giá bán này được cho là tương đương với giá bán tại các lô đất có vị trí tương đương tiếp giáp với dự án.
Tuy nhiên, theo đại diện đơn vị trúng đấu giá khu đất: "Hiện chúng tôi chưa có bất kỳ đợt mở bán hay nhờ các sàn bất động sản nào đứng ra huy động vốn tại dự án này. Việc các "cò mồi" hay sàn bất động sản thời gian qua rao bán, chèo kéo khách, huy động vốn, đưa ra bảng hàng để nhận đặt cọc là trái quy định. Chúng tôi đã báo cáo sự việc trên đến cơ quan có thẩm quyền, liên hệ cơ quan công an để điều tra, xử lý các đối tượng. Với quan điểm của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo thiết kế rồi mới tiến hành mở bán theo quy định"./.