Bất động sản TP.HCM: Đòn bẩy cũ, sức bật mới
Có thể nói, sự phát triền mạnh mẽ của hạ tầng giao thông thời gian qua đã tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển với hàng loạt dự án từ khu Đông đến khu Tây đang được các “đại gia” địa ốc bơm vốn đầu tư, hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị mới rõ nét trong thời gian tới.
Sau sự thành công của dự án tỷ đô Dragon City tại khu Nam Sài Gòn, nguồn tin từ Tập đoàn Phú Long tiết lộ, đang mới rộng hướng phát triển về khu Đông với sự khởi đầu bằng Dự án Dragon Village tại quận 9, toạ lạc tại đường Nguyễn Duy Trinh - Khu dân cư cảng Phú Hữu. Dragon Village có quy mô rộng hơn 21,6 ha, được quy hoạch thành khu Compound an ninh 24/24, gồm nhà phố, biệt thự và căn hộ.
Một “đại gia” địa ốc khác là Công ty Phúc Khang cũng tiết lộ, trong năm 2018, sẽ chính thức triển khai một dự án có quy mô khá lớn tại quận 2. Mới đây, Phúc Khang đã “bắt tay” với Tập đoàn Mitsubishi để thành lập liên doanh Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) theo tỷ lệ Mitsubishi Corporation (49%) và Phuc Khang Corporation (51%). Liên doanh này thống nhất sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang có giá trị trên 500 triệu USD với tổng quy mô 20 ha tại nhiều quận của TP.HCM.
Tại khu Tây Nam Sài Gòn, nhiều chủ đầu tư cho biết, đầu năm 2018 này sẽ công bố ra thị trường nhiều dự án mới. Chẳng hạn, sau thành công của Dự án D-Vela ở quận 7, nguồn tin từ Công ty cổ phần Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước (DRH Holdings) cho biết, ngày 6/1/2018 sẽ chính thức “trình làng” thị trường dự án khu căn hộ cao cấp
Aurora Residences tại số 277 Bến Bình Đông, quận 8. Đây là dự án có vị trí khá đặc biệt, tiếp giáp hai mặt tiền sông; hai mặt tiền đường, được thiết kế bởi thương hiệu lừng danh DKO (Australia) với 100% căn hộ của dự án đều có hướng nhìn ra sông.
Cũng tại khu Tây Nam, Công ty Nhà Mơ cũng cho biết, đầu năm 2018 sẽ chính thức ra mắt dự án Khu cao ốc ven sông Dream Home Riverside, với diện tích 2,4 ha, nằm trong tổng thể khu dân cư hiện hữu ven sông rộng 51,5 ha, được xây dựng theo phong cách châu Âu sang trọng, hiện đại. Đây là dòng sản phẩm tiếp nối thành công từ các dự án Dream Home Luxury, Dream Home Residence tại Gò Vấp và Dream Home Palace tại quận 8.
Xem chi tiết tại đây.
TP.HCM: Những dự án nào sẽ "chào sân" thị trường quý I/2018?
Phía HimLam Land cho biết sẽ tung ra thị trường 1.000 căn hộ với giá dưới 2 tỷ đồng/căn tại khu Đông TP.HCM trong năm 2018. Được biết, năm 2017, đơn vị này đã thành công khi cung cấp hơn 1.000 căn hộ tại quận 9 TP.HCM cũng với giá bán dưới 2 tỷ đồng/căn. Bên cạnh đó, lãnh đạo HimLam Land còn cho biết đang tiến hành M&A thêm quỹ đất mới để phát triển dự án trong năm 2019.
Keppel Land Việt Nam thì đưa ra thông báo cho biết đơn vị này vừa thực hiện ký kết hai hợp đồng mua bán và thâu tóm 100% vốn đầu tư tại 2 dự án lớn tại quận 7 và quận 9 TP.HCM với tổng chi phí phát triển của hai dự án này sẽ lên đến 297 triệu USD để phát triển vào năm 2018.
Trong đó, dự án tại quận 7 rộng 13ha Keppel Land dự kiến phát triển khoảng 220 căn nhà thấp tầng và 1.029 căn hộ cao cấp. Tổng chi phí phát triển, bao gồm chi phí đất đai là khoảng 235 triệu USD. Tại quận 9, Keppel Land sẽ xây dựng 300 căn nhà đất trên diện tích 6ha với tổng chi phí khoảng 62 triệu USD.
Công ty CP bất động sản Tiến Phát cho biết đơn vị này sẽ ra mắt dự án Ascent Lakeside tại quận 7 TP.HCM vào đầu năm 2018. Công ty CP bất động sản Vạn Phúc cho biết tiếp tục phát triển giai đoạn 2 dự án Vạn Phúc City tại quận Thủ Đức. Dự án rộng gần 200ha, với các sản phẩm từ đất nền, biệt thự, nhà phố liền kề tới chung cư cao cấp.
Xem chi tiết tại đây.
CBRE: Thị trường chung cư Hà Nội có mức mở bán mới cao nhất 5 năm qua
Năm 2017 đánh dấu nhiều cột mốc về mặt kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, thị trường bất động sản năm vừa qua cũng ghi nhận những diễn biến tích cực, đặc biệt là thị trường đã khép lại với một quý sôi động trên thị trường căn hộ để bán.
Theo CBRE, quý IV ghi nhận có gần 9.500 căn hộ chào bán mới, nâng tổng số căn mở bán mới trong năm lên trên 35.000 căn, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức mở bán mới cao nhất trong vòng 5 năm qua. Nguồn cung mới đến từ khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Trong số căn hộ được mở bán mới, phân khúc cao cấp ghi nhận 6.780 căn trong 2017, giảm so với năm 2016. Phân khúc trung cấp và bình dân tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với tổng cộng 80% nguồn cung mới trong năm. Sự mở rộng của phân khúc này cho thấy thị trường đã bắt đầu dịch chuyển dần đến nhu cầu ở thực.
Một điểm đáng lưu ý của thị trường chung cư quý vừa qua là cùng với cơ sở hạ tầng cải thiện và xu hướng mở rộng ra khu vực ngoài trung tâm, có 2 dự án mới lần đầu tiên ra mắt ở khu vực Đông Anh. “Đây là diễn biến hoàn toàn có thể đoán trước được khi tại khu vực này đã bắt đầu có những kết nối hạ tầng khá tốt như cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân khiến cho việc di chuyển từ Đông Anh vào trung tâm thành phố trở nên thuận tiện”, bà Nguyễn Hoài An chia sẻ.
Xem chi tiết tại đây.
Ngành thép và ngân hàng bán lẻ có thể là tâm điểm thị trường năm 2018
Trong một báo cáo về cơ hội và tiềm năng đầu tư trong năm 2018, Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đã đưa ra một kịch bản có thể tham khảo về độ hấp dẫn của các ngành nghề. Trong đó, hai ngành bán lẻ (gồm cả ngân hàng bán lẻ) và thép kỳ vọng sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt nhất.
TCBS cho rằng trước khi xác định được cơ hội kinh doanh, các nhà đầu tư cần xác định được hiện đang ở thời kỳ nào của nền kinh tế. Từ dữ liệu vĩ mô trong quá khứ, không khó để nhận ra rằng từ 2007-2016, nền kinh tế của chúng ta đã trải qua 3 giai đoạn lớn: Giai đoạn giảm sốc trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007 – 2008, giai đoạn suy thoái kinh tế 2009 – 2012 và giai đoạn phục hồi chậm 2013-2016.
Và với sự phục hồi mạnh mẽ của tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng, sự hồi phục ấn tượng của thị trường bất động sản năm 2017 trong bối cảnh lãi suất, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp, là cơ sở để nhận định rằng 2017 khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường chứng khoán dịp cuối năm là một dấu hiệu khẳng định quan điểm này.
Dựa trên phân tích đó, có thể sẽ có 4 xu hướng chính của nền kinh tế trong năm 2018. Xu hướng thứ nhất là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu vẫn là tâm điểm. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng. Theo dự báo của nhà nghiên cứu thị trường Nielsen, ước tính tầng lớp trung lưu sẽ đạt gần nửa dân số vào năm 2020. Điều này tác động mạnh mẽ đến một loạt ngành trong nền kinh tế. Hưởng lợi trực tiếp nhất là ngành bán lẻ, sau đó là các ngành khác như ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng mạnh về bản lẻ và tín dụng tiêu dùng. Ngành ô tô, dược phẩm, du lịch, bất động sản cũng được hưởng lợi từ xu hướng này.
Xem chi tiết tại đây.
Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý đất đai
Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua công tác quản lý Nhà nước về đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc quản lý sử dụng đất đai ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, từng bước đi vào nề nếp, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, việc thi hành Luật Đất đai ở các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo phân cấp chưa đầy đủ, kịp thời; một số nội dung quy định của pháp luật về đất đai thực hiện chưa nghiêm; việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất các cấp ở nhiều địa phương còn chậm; việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất thông qua đấu giá đất còn hạn chế; việc giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng nhưng chưa được xử lý; việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đất nông nghiệp dành cho công ích còn nhiều bất cập...
Để chấn chỉnh và khắc phục tồn tại hạn chế nêu trên nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai và đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai ở các cấp, các ngành, trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập, hạn chế trong việc thực hiện từng nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai ở địa phương.
Xem chi tiết tại đây.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng: “Không nên chạy theo cơn sốt giá đất bằng mọi giá”
Trong vài tháng gần đây, nhất là sau khi thông tin Phú Quốc sắp trở thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Đặc khu) với nhiều nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cao, trong đó có các quyền lợi về sử dụng đất, nhiều dự án lớn sắp hoàn thành đưa vào hoạt động như: Casino, cáp treo, dự án trung tâm thương mại,… khiến giá đất tăng cao hơn so với mức giao dịch bình thường.
Qua theo dõi của cơ quan chuyên môn thì hầu hết những người đến đây mua đất đến từ TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng,... chủ yếu là mua đi, bán lại, có thửa đất chỉ trong thời gian ngắn đã được mua đi bán lại nhiều lần. Cùng với đó, một số chủ đất và “cò đất” lợi dụng tình hình sốt giá đã đẩy giá tăng cao hơn, khiến giá đất tăng vượt ngưỡng giá trị thật.
Việc giá đất tăng cao trong một thời gian ngắn không thể nói là bình thường, nhưng để khẳng định là tăng bất thường thì còn phải xem xét nhiều khía cạnh, chẳng hạn như: So sánh với giá đất tại các thời điểm trước đây; hoặc so với giá đất ở các địa điểm du lịch khác trên cả nước, hay so sánh với ngay cả 2 địa phương cũng được định hướng xây dựng Đặc khu cùng với Phú Quốc là Vân Đồn và Bắc Vân Phong.
Xem chi tiết tại đây.
Đề án thành lập đặc khu Bắc Vân Phong của Khánh Hòa còn nhiều thiếu sót
Cụ thể, Đề án còn thiếu báo cáo đánh giá tác động của việc thành lập đặc khu Bắc Vân Phong trên các khía cạnh như: mở rộng quy mô diện tích của đặc khu ra cả huyện Vạn Ninh, bố trí lại dân cư phù hợp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường, an ninh, quốc phòng trên địa bàn…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Khánh Hòa khẩn trương bổ sung các tài liệu của Đề án; tiếp tục hoàn thiện Đề án trên cơ sở làm rõ, cụ thể sự cần thiết thành lập đặc khu Bắc Vân Phong; căn cứ để triển khai thực hiện (chủ trương của Đảng, Hiến pháp 2013, tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển, phát huy lợi thế của địa phương).
Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng cần làm rõ thực trạng và định hướng của đặc khu Bắc Vân Phongtheo phương án mở rộng bao gồm cả huyện Vạn Ninh (phương án mới) nêu bật lợi thế so sánh với các đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc (cạnh tranh lành mạnh không làm triệt tiêu lẫn nhau giữa các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong nước, đủ sức cạnh tranh với các đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới); làm rõ tính đặc thù, phân tích đánh giá ưu điểm, bất cập trong việc lựa chọn phương án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt…
Xem chi tiết tại đây.