Aa

Bất động sản 24h: Bất động sản nhà ở sẽ có thêm 27.500 sản phẩm

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Hai, 24/04/2023 - 10:33

Tâm lý thận trọng trên thị trường bất động sản; Bất động sản nhà ở sẽ có thêm 27.500 sản phẩm... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Mối lo của ngân hàng khi giá đất vùng ven Hà Nội và TP. HCM sụt giảm mạnh

Từng là phân khúc bất động sản “hái ra tiền” trong giai đoạn sốt nóng, đất nền vùng ven TP. HCM và Hà Nội đang rơi vào cảnh sụt giảm giá sâu. Điều này đã để lại mối nguy cho cả nhà đầu tư và hệ thống ngân hàng.

Sau giai đoạn sốt nóng, cuối năm 2022, giá đất nền vùng ven cả hai miền Nam - Bắc đều suy giảm rất mạnh. Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tại thị trường Hà Nội và vùng phụ cận, giá đất nền thứ cấp tại các huyện vùng ven đã giảm 15 - 35% so với đầu năm 2022; đất nền dự án cũng giảm 8 - 15%.

Tương tự, tại TP.HCM và vùng phụ cận, mặt bằng giá thứ cấp giảm mạnh so với năm 2021, mức giảm ghi nhận dao động trung bình 12 - 20%. Nhiều nhà đầu tư chấp nhận giảm giá bán, cắt giảm một phần lợi nhuận nhằm mục đích thu hồi dòng vốn, giảm áp lực tài chính khi lãi suất vay tăng cao.

đất nền vùng ven
Tình trạng đất vùng ven rớt giá mạnh sẽ dẫn đến nguy cơ cho cả nhà đầu tư và hệ thống ngân hàng. (Ảnh: Hải Thu)

Khảo sát thực tế của batdongsan.com.vn cũng ghi nhận tình trạng giảm giá, cắt lỗ đất nền tại vùng ven Hà Nội. Cụ thể, những lô đất nền ở vị trí mặt đường Sơn Tây, Quốc Oai, Thạch Thất đang có mức giá 28 - 36 triệu đồng/m2, duy trì mức giá từ tháng 11/2022 đến nay. Tuy nhiên, so với thời kỳ đỉnh của sốt đất năm 2021, mức giá này đã giảm tới 30 - 40%.

Tương tự, giá đất nền Phú Cát, Phú Mãn (Quốc Oai) vẫn chưa có dấu hiệu nhích lên, hiện neo ở mức 13 - 25 triệu đồng/m2, giảm 7 - 8 triệu đồng/m2 so với năm 2021. Đất nền tại Tiến Xuân, Tân Xã (Thạch Thất) cũng sụt 20 - 35% so với năm 2021, đứng ở mức 18 - 20 triệu đồng/m2. Các lô đất Bình Yên (Thạch Thất) có vị trí nằm sâu trong làng, thậm chí giá chào bán còn sụt giảm so với tháng 11/2022, từ mức 12 - 16 triệu đồng/m2, có một số chủ đất còn chào giá chỉ 8 - 10 triệu đồng/m2 ở thời điểm khó khăn nhất.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản nhà ở sẽ có thêm 27.500 sản phẩm

VARS dự báo, quý II nguồn cung nhà ở sẽ có sự thay đổi, riêng phân khúc bất động sản nhà ở sẽ có khoảng 27.500 sản phẩm. Nhu cầu thị trường vẫn rất cao nhưng thanh khoản không có nhiều cải thiện bởi thu nhập giảm, lãi suất và giá nhà quá cao.

Dữ liệu của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trong quý I, nguồn cung ra thị trường bất động sản đạt khoảng hơn 25.000 sản phẩm ở tất cả các phân khúc. Trong đó tại Hà Nội có 6 dự án, tại TP.HCM có 5 dự án được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Cơ cấu nguồn cung phần lớn vẫn là các sản phẩm thấp tầng, đất nền, chiếm 50% tổng lượng cung nhà ở cả nước. Nguồn cung tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ, chiếm gần 40% tổng nguồn cung nhà ở cả nước. Hà Nội và TP.HCM chiếm lần lượt 29,9% và 30,3% tổng nguồn cung căn hộ chung cư trên cả nước.

Nguồn cung sơ cấp phân bổ không đồng đều hầu như chỉ tập trung vào giai đoạn kế tiếp của một vài dự án có quy mô lớn. Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng vẫn thiếu nguồn cung mới từ các dự án phát triển. Đặc biệt, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục thiếu vắng các sản phẩm nhà ở phù hợp với túi tiền của số đông người dân.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Tổng Giám đốc Colliers nhận diện những tín hiệu “đón đại bàng về tổ“

Dự báo về thị trường bất động sản công nghiệp trong 3 quý còn lại năm 2023, ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, đây vẫn là một trong những phân khúc có triển vọng nhất.

Thị trường bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam năm 2023 được đánh giá là một trong những thị trường tại khu vực Đông Nam Á có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển.

ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers giải mã sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp

Dự báo với Reatimes về bức tranh thị trường 3 tháng cuối năm 2023, ông David Jackson  - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cho biết: “Bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn là một trong những phân khúc có triển vọng nhất. Điều này được thể hiện qua số liệu giá thuê, mức tăng và tỷ lệ lấp đầy duy trì tích cực tại hai thị trường công nghiệp trọng điểm Hà Nội và TP.HCM trong quý I/2023”.

Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam lý giải, nhu cầu thuê bất động sản tiếp tục neo ở mức cao, thúc đẩy giá thuê đất trong khu tăng nhanh. Bối cảnh toàn cầu bất ổn trong những năm vừa qua, bao gồm thương chiến Mỹ - Trung, chiến tranh Nga – Ukraine ở châu Âu, biến động nguồn cung và giá nhiên liệu tăng cao… khiến các nhà sản xuất quốc tế tiếp tục nhắm đến các thị trường Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu rủi ro đứt gãy sản xuất...

Chẳng hạn, ASML (tập đoàn sản xuất chip của Hà Lan) tháng trước công bố Việt Nam là một trong ba quốc gia mà họ cân nhắc đặt nhà máy mới. Một số nhà cung cấp của Apple mở rộng tìm kiếm khu vực sản xuất ở miền Trung Việt Nam, bên cạnh phía Bắc để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Phái đoàn 50 doanh nghiệp Mỹ trong đó có Airbus, Boeing, Meta, SpaceX đến làm việc tại Việt Nam tháng 3 vừa qua để tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất.

Xem thông tin chi tiết tại đây

PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên: “Việc bảo tồn di sản cần có sự ủng hộ và đồng hành của cộng đồng“

Những tranh cãi xảy ra gần đây xoay quanh diện mạo khác lạ của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (Hà Nội) dường như cũng đã từng diễn ra với những công trình  được bảo tồn trước đó. Vì sao dư luận thường ngỡ ngàng và phản ứng trước "diện mạo mới" của những công trình kiến trúc cổ sau khi được tu bổ? PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng, cộng đồng luôn ủng hộ những điều đúng đắn, nhưng họ cần được cung cấp căn cứ để nuôi dưỡng niềm tin về giải pháp bảo tồn, trùng tu di sản. 

Bảo tồn công trình cổ có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử và nghệ thuật, là một việc làm cần thiết để gìn giữ, duy trì và tôn vinh những di sản kiến trúc có giá trị vượt thời gian. Thế nhưng, nhìn lại "lịch sử" tôn tạo, tu bổ, các công trình kiến trúc có giá trị trong thời gian qua, dường như có một mẫu số chung là thường gặp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận. 

Tháng 01/2015, tranh cãi nổ ra khi tòa nhà Bưu điện Trung tâm TP.HCM xuất hiện trước công chúng với màu vàng chói sặc sỡ, khác hẳn với nước sơn vàng nhạt pha trắng cổ kính trước đó. Mặc dù cơ quan chịu trách nhiệm tu sửa tòa nhà đã lên tiếng giải thích rằng, màu sơn hiện tại là khôi phục hiện trạng của màu sơn cũ và sẽ dịu đi khi tiếp xúc với nắng gió, nhưng cũng không thể khiến công chúng và giới chuyên môn hài lòng. 

Thời điểm đó, nhiều kiến trúc sư thẳng thắn bày tỏ rằng màu sơn mới của tòa Bưu điện là “không thể chấp nhận được”. KTS. Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM và nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đều cho rằng, việc giải thích màu sơn mới sẽ phai dần về màu gốc là không thuyết phục. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Tâm lý thận trọng trên thị trường bất động sản

Tốc độ tăng trưởng giá trên thị trường bất động sản có khả năng tiếp tục bị cản trở bởi nhu cầu suy giảm và nguồn cung mới hạn chế.

Theo các chuyên gia, nguồn cầu được dự báo sẽ yếu, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023, bởi thị trường bất động sản đang ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản thấp, đặc biệt là loại hình đất nền.

Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA cho biết, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận quý I/2023 tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới, lượng tiêu thụ cũng ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, phân khúc đất nền ghi nhận 8 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 385 sản phẩm, giảm đến 79% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng tiêu thụ mới đạt 78 nền, giảm 94% so cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở tỉnh Long An và Bình Dương. Riêng TP.HCM “hiếm hoi” xuất hiện nguồn cung mới sau thời gian dài vắng bóng dự án, đóng góp 13,8% vào tổng cung thị trường. Mặt bằng giá bán mới trong quý có mức tăng trung bình từ 5 - 7% so với cùng kỳ 2022, tập trung ở những dự án hoàn thiện pháp lý và tiến độ hạ tầng tốt.

Thực tế, nguồn cung chịu áp lực do tâm lý thị trường ngày càng thận trọng trong bối cảnh kinh tế bất ổn và các vấn đề pháp lý kéo dài.

Đối với thị trường văn phòng, bà Thanh Phạm, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam cho rằng, quý I/2023 ghi nhận sự trở lại của các giao dịch thu hẹp và trả mặt bằng với quy mô lớn, đặc biệt đến từ nhiều doanh nghiệp là chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn về tài chính. Ngoài ra, nhiều giao dịch đang trong quá trình thương thảo cũng phải trì hoãn tạm thời do cắt giảm ngân sách hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top