Aa

Bất động sản 24h: Giá bất động sản khu vực nào sẽ giảm sâu trong thời gian tới?

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Chủ Nhật, 02/10/2022 - 10:35

Giá bất động sản khu vực nào sẽ giảm sâu trong thời gian tới?; Sửa Luật Đất đai: Nên khuyến khích nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất khi làm dự án... là những thông tin BĐS đáng chú ý trong 24h qua.

Giá bất động sản khu vực nào sẽ giảm sâu trong thời gian tới?

Trong bối cảnh, thị trường bất động sản đang chững lại, nhiều khu vực từng xảy ra sốt đất liên tiếp cũng bị cuốn theo vòng xoáy kém thanh khoản, giảm giá trên diện rộng. Chuyên gia cho rằng, giá tại những khu vực này sẽ giảm sâu trong thời gian tới.

Những năm gần đây, đất nền tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, vùng ven Hà Nội... liên tục xảy ra tình trạng sốt đất, không ít mảnh đất đã tăng đến 3 lần trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, những giao dịch chủ yếu giữa các nhà đầu tư với nhau mà không có nhu cầu thực.

Trong 2 - 3 năm qua, Bắc Giang được xem là “miền đất hứa” của giới đầu tư địa ốc, nhà đầu tư từ nhiều nơi kéo về nơi đây mua bán đất tấp nập. Theo đó, tình trạng sốt đất xảy ra nhiều lần ở khu vực này, chỉ trong 1 - 2 năm qua, giá đất đã tăng 2 - 3 lần. Nhưng ở thời điểm hiện tại, giá các lô đất cũng phải giảm nhẹ để “thoát hàng”.

Anh Thanh, Giám đốc một phòng giao dịch bất động sản tại Bắc Giang cho biết, so với đầu năm, giá đất tại đây đã có hiện tượng giảm giá cục bộ khoảng 10 - 15%, tùy vị trí. Những lô đất ở vị trí dân cư thưa thớt hay chưa có dân cư hiện hữu đã giảm sâu hơn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đảm bảo thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến chỉ ra nhiều điểm bất cập, mâu thuẫn cần sửa đổi trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về kinh doanh bất động sản nói riêng là yêu cầu quan trọng và là điều kiện tiên quyết để phát triển thị trường bất động sản trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Thị trường bất động sản chịu sự điều chỉnh, quy chiếu của nhiều đạo luật mà trước hết và trực tiếp là Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, thực tiễn áp dụng pháp luật để điều chỉnh hoạt động của thị trường bất động sản cho thấy bộc lộ một số điểm không thống nhất, đồng bộ về nội dung giữa các đạo luật này gây khó khăn, cản trở cho sự vận hành thông suốt, lành mạnh của thị trường bất động sản.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 không có bất cứ quy định nào về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong khi đó, theo Luật Nhà ở năm 2014, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở phải thông qua đấu giá hoặc đấu thầu...

Về những bất cập trong quy định này, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến phân tích, theo Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/03/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/03/2015) thì việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất tại các khu đất có giá trị lợi thế thương mại cao phải thực hiện theo hình thức đấu thầu.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sửa đổi Luật Đất đai: Bảng giá đất phải mang hơi thở cuộc sống

Trong bối cảnh kinh tế thị trường và sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Luật Đất đai vẫn còn bộc lộ không ít bất cập, chồng chéo, nổi bật là vấn đề giá đất - trung tâm của mọi quan hệ tài chính đất đai, dẫn đến: Tình trạng đất đai bị bỏ hoang, chiếm đoạt, tư hữu; nghịch lý giữa giá đất đền bù với giá thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi; chênh lệch địa tô bất hợp lý gây thất thoát ngân sách, 70% khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến đất đai…

Trong lần sửa đổi Luật Đất đai tới, PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam hy vọng bảng giá đất phải mang hơi thở của cuộc sống và nó có sức sống tiềm tàng để khơi dậy tiềm năng có được từ đất đai chứ không nên chỉ khô cứng trên bàn giấy, bởi khung giá đất trên thị trường cần đáp ứng các quy luật của thị trường. Nó phải phản ánh được hơi thở của cuộc sống đối với môi trường đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế hiện nay.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Việt Nam cần thêm nguồn cung mặt bằng bán lẻ để hút vốn ngoại

Việt Nam đang có nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực về thu hút dòng vốn ngoại. Nếu nguồn cung mặt bằng bán lẻ được cải thiện, Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều thương hiệu quốc tế trong thời gian tới.

Báo cáo Cushman & Wakefield quý II/2022 cho thấy, toàn TP.HCM không có thêm nguồn cung bán lẻ mới trong quý, tổng nguồn cung vẫn ổn định ở mức khoảng 1,1 triệu m2. Tỷ lệ trống được ghi nhận ở mức 5,1%, giảm 0,4% so với quý trước, giá chào thuê trung bình toàn thị trường đạt 49 USD/m2/tháng, tăng 4% so với năm 2021. Tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng mạnh, đạt khoảng 117 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong quý này, một loạt các “ông lớn” nước ngoài đã khai trương thêm cửa hàng hoặc thông báo kế hoạch mở rộng quy mô. Cụ thể, cuối tháng 4 vừa qua, Uniqlo đã tổ chức sự kiện khai trương cửa hàng mới rộng đến 3.000m2 tại Saigon Centre, thu hút đông đảo khách hàng đến tham dự và trải nghiệm.

Một nhà bán lẻ ngoại được giới trẻ ưa thích khác là Muji, tiếp tục thừa thắng xông lên với cửa hàng thứ 4 tại Cresent Mall quận 7, bên cạnh cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM và 2 cửa hàng tại Hà Nội. AEON cũng đã có kế hoạch mở rộng chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ lên đến 100 cửa hàng MaxValu vào cuối năm 2025 và tăng từ 6 trung tâm thương mại hiện tại lên 16 trung tâm thương mại tương lai. Ngoài ra, nhiều nhãn hàng mới cũng đang bước đầu gia nhập thị trường với các cửa hàng trực tuyến trước khi mở các cửa hàng truyền thống tại Việt Nam như Sephora, Perfect Diary và Maje.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sửa Luật Đất đai: Nên khuyến khích nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất khi làm dự án

Đây là quan điểm của GS.TS. Lê Minh Tâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Đại học Luật khi đóng góp ý kiến xây dựng Luật Đất đai sửa đổi.

Theo ông Tâm, đất đai là một lĩnh vực hết sức quan trọng, nhưng cũng hết sức phức tạp và nhạy cảm. Luật Đất đai có liên quan rất chặt chẽ và mật thiết với nhiều luật khác trong hệ thống thể chế kinh tế thị trường như: Bộ luật dân sự, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản…

Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện Luật Đất đai cần đặt trong tổng thể các mối quan hệ đa chiều tương tác của các luật có liên quan để đảm bảo thống nhất, không trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn, đặc biệt không hạn chế, cản trở các hoạt động thuộc các lĩnh vực có liên quan, nhất là lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta xác định.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top