Aa

Bộ Xây dựng: Giá chung cư Hà Nội đầu năm tăng 38% so với 2019

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 26/04/2024 - 13:44

Bộ Xây dựng cho biết, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 đã tăng 38% so với năm 2019. Thậm chí, những dự án chung cư đã đi vào sử dụng 5 - 10 năm, những nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá lên cao.

Giá bán chung cư tiếp tục leo thang

Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2024 diễn ra sáng 26/4, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, giá căn hộ chung cư rao bán tại các thành phố lớn liên tục tăng mạnh trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Tại Hà Nội, hầu hết các dự án đều có giá bán trên 35 triệu/m2. Chẳng hạn, căn hộ tại dự án Phương Đông Green Home (Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) có giá bán từ 35,5 - 48,9 triệu/m2; Trinity Tower có giá bán từ 41,6 - 55,8 triệu/m2; dự án TSQ Mỗ Lao có giá từ 49,2 - 54,8 triệu/m2; 45,2 - 65,6 triệu/m2 là mức giá tại dự án The Sakura – Vinhomes Smart City.

Thậm chí, một số dự án tại Hà Nội còn ghi nhận mức giá chào bán trên 55 triệu đồng/m2. Đơn cử là dự án Masteri West Heights với giá xấp xỉ 60 triệu - 75,2 triệu/m2 hay dự án Heritage West Lake có giá bán khoảng từ 85,7 - 155,3 triệu đồng/m2.

"Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 đã tăng 38% so với năm 2019. Thậm chí, những dự án chung cư đã đi vào sử dụng 5 - 10 năm, những nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá lên cao", ông Hải cho biết.

Tại TP.HCM, đại diện Bộ Xây dựng cũng thông tin, giá bán căn hộ chung cư trên thị trường thứ cấp cũng có xu hướng tăng so với quý trước và tăng nhiều ở một số quận, huyện như Quận 7, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận. Trong đó, một số dự án có mức độ tăng giá bình quân cao phải kể đến Thủ Thiêm Green House (Quận 2) với mức giá từ 25,5 - 30 triệu đồng/m2; Happy City (huyện Bình Chánh) từ 23 - 27 triệu đồng/m2; dự án Mỹ Phúc (Quận 7) từ 39,3 - 52,8 triệu đồng/m2.

Nguồn cung mới chưa có nhiều cải thiện

Trả lời báo chí về lý do thúc đẩy giá chung cư liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây, ông Hoàng Hải cho biết có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là thiếu nguồn cung nhà ở. Thứ hai là cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, nhà ở phân khúc giá rẻ còn quá ít, trong khi nhà ở cao cấp lại quá nhiều.

Đưa ra số liệu cụ thể, ông Hải cho biết, cả quý I/2024 thị trường bất động sản chỉ ghi nhận 19 dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới với quy mô khoảng 9.774 căn, bằng 95% so với quý IV/2023 và 111,76% so với cùng kỳ năm 2023.

Với các dự án đang triển khai xây dựng, thị trường có 984 dự án với quy mô khoảng 421.353 căn, bằng 115,22% so với quý IV/2023 và 140,97 % so với cùng kỳ năm 2023.

Với các dự án đủ điều kiện mở bán nhà ở hình thành trong tương lai, thị trường hiện có 38 dự án với quy mô khoảng 5.527 căn, bằng 80,85% với quý IV/2023 và 73,08% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguồn cung dự án nhà ở thương mại đã hạn chế, dự án nhà ở xã hội cũng chỉ đang trong trạng thái nhúc nhích khởi động. Do đó, 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận 4 dự án được khởi công xây dựng, 4 dự án được chấp thuận đầu tư, với tổng quy mô lần lượt là 8.073 căn và 5.919 căn.

Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay, với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 08 dự án nhà ở xã hội tại 07 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng: Giá chung cư Hà Nội đầu năm tăng 38% so với 2019- Ảnh 4.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2024.

Theo ông Hoàng Hải, có 4 nguyên nhân dẫn đến nguồn cung nhà ở hiện nay còn hạn chế. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do thể chế chưa đồng bộ. Việc triển khai khai một dự án hiện đang liên quan đến rất nhiều luật, thuộc thẩm quyền của nhiều bộ, ngành.

Mặc dù, mới đây 3 bộ luật quan trọng của thị trường bất động sản gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua nhưng luật mới vẫn cần thời gian để hướng dẫn thi hành. Vì vậy, việc tháo gỡ ngay các vướng mắc pháp lý dự án vẫn còn khó khăn.

Nguyên nhân thứ hai khiến nguồn cung hạn chế là do nguồn vốn trong việc phát triển dự án của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều ách tắc.

Nguyên nhân thứ ba là về tổ chức thực thi của các địa phương. Hiện vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong việc xử lý các vướng mắc liên quan đến cấp phép, phê duyệt dự án.

Nguyên nhân thứ tư là thị trường thời gian qua xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực gây ra mất niềm tin cho người đầu tư, người mua nhà và kể cả các chủ đầu tư có mong muốn phát triển dự án bất động sản.

"Thực tế hiện nay, các nguyên nhân trên đang cơ bản được xử lý, mỗi một nguyên nhân đã được giao cho từng bộ, ngành thuộc thẩm quyền có hướng giải quyết. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động tái cơ cấu, cân đối giá thành, hướng đến phân khúc giá rẻ, trung cấp nhiều hơn là các phân khúc cao cấp. Có như vậy, nguồn cung trên thị trường mới đảm bảo và giá thành sản phẩm có khả năng không tăng trưởng nóng", Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top