Tại tọa đàm Đối thoại và Giải pháp chủ đề "Chuyển động bất động sản 2024 - Xung lực năm bản lề" sáng ngày 16/4, giới chuyên gia đều đồng tình thị trường bất động sản đang ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.
Sau những cố gắng rất mạnh mẽ từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện 3 bộ luật quan trọng, cùng nhiều nghị định, văn bản, thông tư được ban hành, niềm tin của thị trường bất động sản đang dần được khôi phục. Nhiều chủ thể trên thị trường đã sẵn sàng tái nhập cuộc, nhất là các doanh nghiệp bất động sản và các đơn vị môi giới.
Một số dự án trước đây bị ách tắc về thể chế và khó khăn về dòng vốn hiện cũng đã triển khai xây dựng trở lại.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường trong 3 tháng đầu năm đã ghi nhận hơn 100 dự án rục rịch chào bán, giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường. Đặc biệt, trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, sự quan tâm của nhà đầu tư, khách hàng cũng đang ghi nhận chiều hướng tăng.
"Họ đang sẵn sàng để chờ đón cơ hội đầu tư sau những chỉ đạo, điều hành hỗ trợ thị trường bất động sản của Chính phủ", ông Đính cho biết.
Dù chuyển động tích cực, tuy nhiên khi nhìn nhận một cách khách quan, giới chuyên gia cho rằng, thị trường đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thị trường hiện nay đang có 5 vấn đề lớn.
Vấn đề thứ nhất là thị trường không có sự cân đối giữa nguồn cung – cầu. Trong khi nguồn cầu không ngừng tăng lên thì nguồn cung lại chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện. Bất đối xứng cung – cầu vẫn rất lớn.
Vấn đề thứ hai là cơ cấu sản phẩm không hợp lý. Số lượng nhà ở cao cấp chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng mạnh, nhưng số lượng nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu đô thị lại thiếu trầm trọng.
Vấn thứ ba là mặc dù thị trường suy giảm, khó khăn nhưng giá bất động sản không giảm, mà tiếp tục xu hướng tăng.
Vấn đề thứ tư là việc tiếp cận về tài chính, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bế tắc.
Vấn đề cuối cùng, nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế đang diễn ra hiện nay là dù Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nhận thấy 4 vấn đề nêu trên của thị trường và vào cuộc hỗ trợ quyết liệt nhưng việc giải quyết vẫn chậm và cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó.
"Rõ ràng các cơ quan quản lý đã nhận thấy những bất cập của thị trường hiện nay và đã có rất nhiều các diễn đàn, hội thảo nói và trao đổi về những bất cập này. Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ và ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ. Đặc biệt, chúng ta đã hoàn thành được các Bộ Luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Hiện các Bộ liên quan cũng đang biên soạn các nghị định hướng dẫn luật để nhanh chóng đưa luật mới đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, dù đã quyết liệt, nhưng việc giải quyết các vấn đề trên thị trường hiện nay vẫn chậm", ông Hoàng Hải nhận định.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguyên nhân của thực tế nói trên là do các dự án đã làm sai ngay từ đầu. Vì vậy muốn tháo gỡ cần phải có thời gian để sửa sai.
Với những dự án bế tắc do pháp lý chồng chéo, mâu thuẫn thì việc thông qua các luật mới liên quan sẽ giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, ba luật liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản từ 1/1/2025 mới có hiệu lực. Do đó, các dự án vẫn phải chờ đến lúc luật có hiệu lực chính thức mới được tháo gỡ.
Vì vậy, ông Hoàng Hải cho rằng, nhận diện được vấn đề, nhưng để tháo gỡ thì phải có thời gian. Sớm nhất là phải đến 1/7/2024 thì mới có thể giải quyết được một số vấn đề. Ví dụ vấn đề về đất đai, vấn đề về chủ trương đầu tư và vấn đề về nhà ở, nhà ở xã hội, các chính sách về nhà ở xã hội./.