Aa

Câu chuyện về những sợi tóc

Thứ Ba, 21/08/2018 - 06:00

Các con tôi sau này sẽ mang những hồi tưởng khác về những người thân của chúng, những hồi tưởng sinh ra trong những căn phòng tiện nghi và tràn ngập ánh sáng điện. Còn những hồi tưởng của tôi và những người cùng tuổi tôi là những hồi tưởng sinh ra trong một không gian chập chờn sáng tối và xa vắng.

Bất kể khi nào nói về tóc là tôi lại nhớ tới bà nội tôi đầu tiên. Bà tôi, một người nông dân không biết chữ đã để lại cho tôi hai di sản: Mái tóc của bà và những câu chuyện ma bà kể.

Trong bốn năm cuối cùng của cuộc đời, bà tôi bị bại liệt nằm trên giường bất động. Mỗi lần gội đầu cho bà, mẹ tôi thường để chiếc chậu thau đồng dưới sàn nhà sát mép giường bà tôi nằm. Mẹ buông tóc bà đầy một chậu thau và bắt đầu dội từng gáo nước bồ kết nhỏ gội đầu cho bà. Sau khi gội đầu bà xong, mẹ thường sai tôi cầm quạt nan quạt cho tóc bà chóng khô. Và khi tôi ngồi quạt tóc cho bà thì bà bắt đầu kể một câu chuyện ma cho tôi nghe. Những năm tháng ấy, điều kiện sống ở nông thôn vô cùng khó khăn. Căn buồng bà tôi nằm lúc nào cũng đầy bóng tối, sực nức mùi nước tiểu của bà và mùi thuốc Bắc. Chính thế mà đầu bà luôn luôn là nơi trú ngụ của bọn chấy.

Ngày ấy, hầu như trên đầu của những người nông thôn từ trẻ con cho đến người già đều có chấy. Bởi vậy chiếc lược bí để chải chấy là một vật dụng không thiếu được của mọi gia đình. Có một công việc mà bây giờ tôi nhắc lại làm nhiều người co rúm vị sợ. Đó là công việc bắt chấy và cắn trứng chấy. Tôi được bà tôi dạy cách tuốt trứng chấy, cách bới chấy và cách cắn trứng chấy sao cho nó nổ giòn như ngô rang. Lúc đầu, tôi tưởng trứng chấy nổ giòn như thế thật. Thế là tôi cắn mãi mà không bao giờ trứng chấy nổ. Sau này bà tôi mới cho tôi biết bí quyết làm thế nào để trứng chấy nổ giòn. Khi đưa một cái trứng chấy vào miệng cắn là lúc người ta nẩy lưỡi để phát ra tiếng nổ.

Bà và cháu.

Bà và cháu.

Có một năm khí hậu ẩm ướt vô cùng, chấy rận phát triển nhiều như côn trùng, sâu bọ ngoài vườn. Trứng chấy bám đặc trên từng sợi tóc bà tôi như hạt bám trên bông cỏ lộc vừng. Năm ấy bà tôi đòi cắt tóc. mẹ tôi là người luôn luôn giữ gìn và chăm sóc mái tóc trắng như cước và dài đến gót chân của mẹ chồng mình nhưng cuối cùng cũng phải đồng ý cắt bỏ mái tóc của bà. Cha tôi đã cắt mái tóc bà trong một ngày tháng Hai. Theo phong tục ngày ấy, tóc của người đang ốm mà cắt như thế thì phải mai táng. Và thế là cha tôi bọc mái tóc của bà vào một vuông vải trắng thơm phức mùi hồ mang ra cánh đồng và mai táng mái tóc. Những ngày sau đó, đã có lúc tôi trốn nhà ra đứng trước ngôi mộ tóc và khóc một mình. Khi từ ngôi mộ tóc về, bà tôi hỏi: “Mày bỏ đi chơi đâu mà để bà chết khát?”. Tôi nói dối bà là tôi đi ra gò sông đổ dế. Sau này, trong một bài thơ viết về bà, tôi đã nói đến chuyện cha tôi mai táng tóc bà :

Đó là tháng bà tôi đòi cắt tóc

Cha tôi mang tóc bà tôi chôn xuống cánh đồng

Cỏ mộ tóc tốt tươi trong bóng tối

Tôi trốn bà ra khóc tóc bà tôi

Hồi còn nhỏ, những buổi trưa mùa hạ, tôi thường cùng bọn trẻ con trong xóm rủ nhau đi bắt chuồn chuồn. Trong các loại chuồn chuồn thì chúng tôi thích chuồn chuồn Quan nhất. Đó là giống chuồn chuồn rất to và sặc sỡ nhiều màu. Để bắt những con chuồn chuồn Quan, chúng tôi phải dùng một cành tre buộc một sợi tóc thắt thòng lọng. Vì vậy, mỗi lần đi bắt chuồn chuồn Quan tôi lại đến xin bà tôi một sợi tóc. Lúc nào bà tôi cũng chọn một sợi tóc dài của bà và nhổ cho tôi. Có lúc tôi còn nằng nặc xin bà thêm mấy sợi nữa để dự trữ. Tôi bọc những sợi tóc dự trữ vào một miếng giấy xé trộm từ một cuốn vở của anh chị tôi và cất ở một nơi kín đáo như cất giấu một báu vật.  

Bà tôi có một người em họ sống ở làng dưới cách làng tôi một cánh đồng, tên bà là Suýt. Thi thoảng bà Suýt lại lên thăm bà tôi. Bà Suýt người nhỏ bé như đứa trẻ 12, 13 tuổi bây giờ. Lưng bà còng song song với mặt đất. Đã có lần tôi nhìn thấy bà Suýt đi qua cánh đồng lên thăm bà tôi. Vì lưng bà còng lên lúa hai bên ruộng che lấp bà. Giống lúa ngày ấy thân rất cao chứ không như giống mới bây giờ. Bà Suýt đi bộ từng bước chậm rãi giống như một con ốc sên bò trên đất. Bà Suýt ở chơi với bà tôi có khi cả một tuần.

Tôi nhớ những ngày đông chợt có nắng, bà tôi và bà Suýt rủ nhau ra sân bắt chấy. Hai người đàn bà già trải chiếc khăn vuông ở giữa bạc trắng vì mồ hôi ở đầu thôi ra. Bà Suýt ngồi như ôm lấy bà tôi từ phía sau và lần mò tuốt từng cái trứng chấy và bắt từng con chấy. Tuốt được cái trứng chấy nào, bà Suýt lại đưa vào miệng cắn giòn tan, còn chấy thì bỏ vào chiếc khăn vuông. Thi thoảng bà Suýt lại gọi tôi và bảo tôi đếm xem bà đã bắt được bao nhiêu con chấy bỏ vào chiếc khăn. Tôi lúi húi đếm chấy và lúc nào cũng bảo bà để giành những sợi tóc rụng cho tôi để làm thòng lọng bắt chuồn chuồn Quan và để đổi kẹo kéo. Có những lần như để thưởng cho đứa cháu ngoan ngoãn, bà Suýt còn cúi đầu nhổ mấy sợi tóc nửa trắng nửa đỏ đưa cho tôi và nói: "Bà thưởng thêm cho mày mấy sợi".

Sáng sáng, bà nội và mẹ tôi thường chải đầu và cuộn những sợi tóc rụng lại và gài lên mái hiên trước nhà để cho chúng tôi đổi kẹo kéo. Tôi không biết rõ người ta dùng tóc để làm gì. Nhưng thi thoảng lại có một ông đạp chiếc xe đạp ọp ẹp qua làng tôi. Ông vừa đạp xe vừa bóp kèn kêu "toe toe" và rao: "Kẹo kéo ơ...ơ...". Thế là anh em tôi tranh nhau lấy những búi tóc nhỏ gài dưới mái hiên để đổi kẹo kéo. Bây giờ nghĩ lại thấy ông đổi kẹo kéo rất khôn. Cũng chỉ một tí kẹo kéo nhưng ông kéo rất dài và rất mảnh cho chúng tôi tưởng cái sợi kẹo kéo của chúng tôi dài qua cả cánh đồng, ăn không bao giờ hết. Và thế là chúng tôi không còn nằng nặc với ông kẹo kéo để xin ông kéo thêm cho một chút nữa như những lần trước đó.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Khi tôi còn học ở Cuba. Một lần đến một khu phố cổ ở thủ đô La Havana chơi. Tôi đã phát hiện ra một bà già người Việt. Bà chỉ còn nhớ được đôi câu tiếng Việt mà phát âm cũng không rõ nữa. Chúng tôi phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha. Bà sinh ra và lớn lên ở một làng ven sông Hồng. Lên 10 tuổi, bà được gả bán cho một người Trung Hoa ở Hà Nội. Rồi gia đình chồng bà vào Sài Gòn và sau đó lang bạt qua các nước Mỹ La Tinh. Cuối cùng họ đến Cuba và sinh sống ở đó. Bà cụ không còn nhớ gì nhiều về quê quán cũng như những người thân trong gia đình bà.

Sau khi biết bà, tôi thi thoảng đến thăm bà và mấy người con. Một trong những người con của bà có tên là Hà Nội. Khi tôi về nước, bà đã cắt một túm tóc và bọc vào một mảnh vải đỏ. Bà nhờ tôi mang về và thả vào sông Hồng. Đã bao nhiêu năm nay, cứ mỗi lần đi qua sông Hồng, tôi lại nhớ đến bà. Tôi không hiểu hết ý nghĩa của việc gửi tóc đó. Đấy là phong tục của một người Việt Nam hay của một người Trung Hoa? Hay đó chỉ là cách làm của bà khi nhớ về cố hương mình? Nhưng hơn tất cả, là một cái gì đó ấn tượng đến thần bí. 

 Bây giờ, mỗi khi về quê đi qua cánh đồng làng, tôi lại nhớ đến ngày cha tôi mai táng mái tóc của bà tôi xuống đất đai. Và cứ đâu đấy mọc lên những đám cỏ xanh tôi lại nhớ đến nấm mộ tóc. Đấy là hình ảnh thiêng liêng và mãi mãi thổn thức trong tôi. Các con tôi sau này sẽ mang những hồi tưởng khác về những người thân của chúng, những hồi tưởng sinh ra trong những căn phòng tiện nghi và tràn ngập ánh sáng điện. Còn những hồi tưởng của tôi và những người cùng tuổi tôi là những hồi tưởng sinh ra trong một không gian chập chờn sáng tối và xa vắng. Riêng với bà nội tôi, hồi tưởng của tôi về bà lúc nào cũng sực nức mùi thuốc Bắc và thoang thoảng mùi nước tiểu trong căn phòng của một người bại liệt và những câu chuyện ma bà đã kể cho tôi...
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top