Aa

Đốt vía và gọi vía

Thứ Ba, 14/08/2018 - 06:00

Trên cõi đình đêm ấy, bà tôi cầm chiếc áo cũ của tôi quơ lên trời và gọi “ ba hồn, bảy vía thằng Thiều ở đâu thì về với bà”. Bà tôi cứ vừa khóc vừa gọi vía tôi. Bà nghĩ vía tôi đã bỏ thân xác tôi ra đi, nên phải gọi vía, gọi hồn tôi trở về với thân xác của tôi. Và tôi đã sống qua đêm ấy cho tới bây giờ.

Tôi có cháu ngoại mới tròn hai tháng tuổi từ quê nội cháu xa xôi về thăm. Nghe tin cháu về, không mấy ngày là không có người đến thăm và cho cháu quà. Bố cháu, là một người ngoại quốc, rất xúc động về việc này. Nhưng có những ngày khi khách đến thăm ra về, vợ tôi lại lấy một tờ giấy đốt lên và bế cháu ngoại bước qua, gọi là đốt vía. Bố cháu không hiểu đó là gì.

Trong một lần ngồi cà phê với ông con rể nhiều râu hơn bố vợ, tôi đã giải thích về tập tục này cho con rể nghe. Người Việt ta có quan niệm mỗi người có một cái vía khác nhau, người vía lành, người vía dữ. Vía lành hay vía dữ không phải lỗi của người này hay người kia. Tôi cũng không hiểu rõ dựa vào những điều gì mà nói người này vía lành, người kia vía dữ. Nhưng thường là họ dựa vào những hiểu biết lâu nay về người đó như hay say rượu, hay tranh cãi nhau, tính tình cục cằn... Nhưng có một lý do là, nếu một người lạ mà gia đình tôi không quen biết mà đến gần hay chạm vào những đứa trẻ mới sinh hay chỉ mới được vài ba tháng tuổi, thì ông bà hoặc cha mẹ chúng sẽ đốt vía.

Hôm qua, trong một khách sạn ở Hạ Long, có một vài bà cũng đi du lịch ở cùng khách sạn, thấy cháu tôi bèn đến hỏi thăm, khen cháu kháu khỉnh.... Đấy là một hành động thân thiện của người Việt. Thế nhưng khi các bà đi rồi thì vợ tôi lấy một tờ giấy đốt vía, cho dù đang ở trong khách sạn.

Trong không gian tâm linh.

Trong không gian tâm linh.

Bây giờ việc đốt vía có ít đi, chứ trước kia ở nông thôn thì trong tháng đầu tiên một đứa bé được sinh ra, người trong họ hàng, làng xóm không đến thăm mà phải đời sau một tháng. Hồi đó, phụ sản và đứa bé được “cất giữ” trong một gian buồng kín gió và rất ít ánh sáng. Cả phụ sản và đứa bé được quấn khăn áo, tã lót kín hết người chỉ hở hai mắt. Và bất cứ có ai đến thăm “gái đẻ” trong thời gian đó thì sau khi họ về gia đình đều đốt vía ngoài sân phía từ cửa ngõ đi vào. Nhưng ngày nay thì khác nhiều. Đứa trẻ được sinh ra sau một hai tuần đã có thể ra ngoài trời. Cháu ngoại tôi được năm ngày tuổi bố mẹ cháu đã đưa cháu đi nhà thờ để tạ ơn Chúa. Và mới hai tháng tuổi, cháu tôi đã đi nửa vòng trái đất về với ông bà ngoại.

Việc đốt vía là xua đi những “vía nặng”, “vía dữ” đến gần đứa bé. Nhưng nếu đứa bé ốm nặng thì người ta “gọi vía” đứa bé. Chuyện “gọi vía” có lẽ bây giờ ít người làm. Năm tôi 12 tuổi (13 tuổi mụ), tôi bị ốm nặng. Bố tôi đã đóng một chiếc áo quan cho tôi khi nghĩ tôi không thể nào qua nổi trong cái đêm đó. Và chính trong cái đêm đó, bà nội tôi đã mang một chiếc áo cũ của tôi ra cõi đình. Gọi cõi đình là gọi con đường từ cửa đình làng ra cánh đồng. Trên cõi đình đêm ấy, bà tôi cầm chiếc áo cũ của tôi quơ lên trời và gọi “ ba hồn, bảy vía thằng Thiều ở đâu thì về với bà”. Bà tôi cứ vừa khóc vừa gọi vía tôi. Bà nghĩ vía tôi đã bỏ thân xác tôi ra đi, nên phải gọi vía, gọi hồn tôi trở về với thân xác của tôi. Và tôi đã sống qua đêm ấy cho tới bây giờ.

Có lẽ tiếng gọi yêu thương vô bờ đối với đứa cháu của mình và nỗi đau khổ khôn cùng của bà khi nghĩ tôi có thể không sống được nữa đã động đến Trời Đất nên Trời Đất đã cho tôi sống. Sau này, có lúc đi qua cõi đình, nhất là những buổi hoàng hồn, tôi như thấy hiện lên hình ảnh bà tôi xưa đang quơ chiếc áo cũ của cháu mình trong tiếng gọi yêu thương và đau khổ. Tôi không hiểu lắm và cũng cũng không nghiên cứu về tục “đốt vía” và “gọi vía”. Nhưng có một điều tôi cũng như mọi người, kể cả con rể tôi ở một nền văn hóa khác, đều nhận thấy rõ ràng: Đó là tình yêu thương vô bờ của chúng ta đối với những đứa trẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top