Aa

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình mong doanh nghiệp ngành xây dựng hợp lực chinh phục thị trường châu Phi

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 16/03/2024 - 06:00

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, châu Phi là một thị trường tiềm năng khi sở hữu nguồn lực lao động lớn, nhu cầu nhà ở cao. Vì vậy, với kinh nghiệm và năng lực của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam, đây là một thị trường đáng để chinh phục.

Châu Phi là thị trường tiềm năng để "xuất khẩu xây dựng"

Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần thứ IV và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2023 - 2024, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, đầu năm 2024, Tập đoàn Hòa Bình đã nhận được thư trúng thầu 5 dự án nhà ở xã hội tại Kenya (châu Phi) với tổng mức đầu tư 72 triệu USD.

Theo ông Hải, đây là một thị trường có quy mô lớn và nhiều tiềm năng. Trong 30 năm tới, lực lượng lao động tại đây có thể tăng thêm 800 triệu người, quy mô dân số tăng gấp đôi, chiếm 1/4 dân số thế giới. Đặc biệt, nhu cầu xây dựng, đầu tư bất động sản tại thị trường này cũng ở mức cao.

Hơn hết, sau khi khảo sát các dự án mà Hòa Bình trúng thầu, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình cho biết, đây là các dự án nằm trong các khu nhà ở đã có sẵn. Tuy nhiên, những căn hộ ở đây rất nhỏ, tiêu chuẩn về chất lượng rất thấp, gần như không giải quyết được các nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân.

Vì vậy, ông Lê Viết Hải cho rằng, nếu biết huy động nguồn lực, tận dụng cơ hội hợp lý, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể "xuất khẩu xây dựng" sang thị trường này.

"Tôi chia sẻ điều này để mong các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có thể tạo dựng được một hệ sinh thái xây dựng tại châu Phi. Với kinh nghiệm, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, từ bất động sản, xây dựng, thiết kế, vật liệu xây dựng, tôi tin rằng chúng ta có thể tham khảo và phát triển tại đây", ông Hải nói và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp xây dựng Việt có thể hợp lực cùng nhau để chinh phục thị trường này. 

Hiện nay, dù có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến châu Phi để tham gia vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản nhưng không có nhiều nhà đầu tư thật tâm mong muốn đóng góp cho sự phát triển của châu Phi. Điều này sẽ tạo cơ hội, dư địa cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn khẳng định mình tại một thị trường mới.

Thị trường bất động sản có phần đáng mừng nhưng cũng đáng lo

Bên cạnh đưa ra những chia sẻ về câu chuyện "xuất khẩu xây dựng", tại sự kiện, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cũng có những nhận định về tình hình thị trường bất động sản.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, thị trường hiện nay có phần đáng mừng nhưng cũng có phần đáng lo. Đáng mừng là ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, tương đương lượng khách tới Việt Nam trong năm 2019 - trước thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19. Khi số lượng khách quốc tế đến Việt Nam cải thiện thì các bất động sản du lịch sẽ có thể được tiêu thụ nhanh hơn. Từ đó, các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này sẽ được cải thiện mảng tài chính do tính thanh khoản bất động sản du lịch tốt hơn.

"Tôi cho rằng, đây là tín hiệu rất tốt, cho thấy doanh nghiệp bất động sản sẽ dần bước vào đà hồi phục trong thời gian tới", ông Hải đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, thị trường bất động sản hiện cũng có những điểm tiêu cực, đáng lo. Ông Hải cho biết, đối với thị trường bất động sản TP.HCM, từ trước dịch (năm 2019) đến năm 2023, phân khúc cao cấp liên tục áp đảo cơ cấu nguồn cung sản phẩm. Cụ thể, phân khúc cao cấp chiếm đến 82% tổng nguồn cung, trong khi đó, nhà ở bình dân giảm 40%, nhà ở giá rẻ vừa túi tiền thì "tuyệt chủng" hoàn toàn trên thị trường. Trong năm 2023, không có một căn nhà ở giá rẻ nào được giao dịch.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình mong doanh nghiệp ngành xây dựng hợp lực chinh phục thị trường châu Phi- Ảnh 3.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Tùng Dương)

"Đây là một điều rất đáng buồn. Đặc biệt khi năm 2021, Nhà nước đưa ra Nghị quyết, trong đó thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhưng sau đó, năm 2022 - 2023 lại gần như không có một giao dịch nhà ở giá rẻ nào", Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình bày tỏ và cho rằng, nguyên nhân cốt lõi là do những ưu đãi về nhà ở xã hội như phê duyệt dự án, phê duyệt phương án thiết kế, đối tượng người mua, quy mô dự án, giá bán còn rất phức tạp. Ngoài ra, những ưu đãi của Nhà nước về thuế sử dụng đất, thuế VAT, tín dụng, chi phí quản lý cũng chưa phù hợp với quy luật của thị trường nên chưa thể đi đến thống nhất giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Ông Hải lấy ví dụ, khoảng 2 năm trước, Tập đoàn Hòa Bình đã làm việc với chủ đầu tư nhà ở xã hội và khi đó, dự án đã có giấy phép đầu tư nhưng đến đầu năm nay, dự án mới giải quyết tạm xong thủ tục về xây dựng nhà ở xã hội để có thể triển khai. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến số lượng dự án nhà ở xã hội được xây dựng trong những năm qua thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Hòa Bình cho rằng, sau khi các nhà đầu tư đấu thầu dự án đều phải đóng tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất có thể đóng trước hoặc đóng sau nhưng không có ưu đãi về quyền sử dụng đất cũng như ưu đãi về thuế VAT, ưu đãi tín dụng, mà các ưu đãi đó sẽ giải quyết sau.

Người mua nếu đủ các điều kiện để thụ hưởng ưu đãi của Nhà nước thì Nhà nước sẽ thu của nhà đầu tư để trả lại cho người mua. Bởi có những dự án quy mô 4.000 - 5.000 căn nhưng thị trường không hấp thụ được do người dân không đủ điều kiện thụ hưởng mua, điều này sẽ dẫn đến tắc nghẽn. Khi không tiêu thụ được sản phẩm thì nhà đầu tư sẽ không dám mạnh dạn đầu tư.

Vì vậy, phải để cho nhà ở bán được ra công chúng, còn những người được ưu đãi thì sẽ được Nhà nước hoàn lại khoản ưu đãi đó.

"Tôi cho rằng, với những giải pháp này thì các dự án mới được triển khai nhanh chóng, hoàn thành mục tiêu đặt ra là phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong vòng 5 năm", ông Hải nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top