Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang có công văn 1226/UBND-KT gửi Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, về giải pháp trọng tâm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững thời gian tới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững là nhiệm vụ cấp bách
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành và địa phương phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết. Các sở, ngành tập trung hướng dẫn các địa phương về các quy định thuộc lĩnh vực của mình để giải quyết vướng mắc hiện tại, không trả lời né tránh. Chủ động trong việc đề xuất chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương, đặc biệt là tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền liên quan đến các thủ tục về đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở, triển khai nhanh, hiệu quả các quy hoạch tỉnh đã ban hành.
Đối với việc phát triển nhà ở xã hội (NOXH), UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập, phê duyệt các quy hoạch; việc thực hiện điều chỉnh các quy hoạch; việc áp dụng cấp độ quy hoạch khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; tập trung nhiệm vụ trọng tâm về việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về NOXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân; triển khai, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành NOXH trong năm 2024 và trong cả giai đoạn của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển NOXH, việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển NOXH theo pháp luật về nhà ở. Theo đó, xác định các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan đề xuất xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền. Trường hợp phải báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh thì phải đề xuất rõ giải pháp, căn cứ pháp lý theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.
Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Kiên Giang phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, để hỗ trợ thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh xác định giá đất theo thẩm quyền, kịp thời hướng dẫn các địa phương giải quyết các vướng mắc liên quan đến xác định giá đất.
Chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhất là ở cấp huyện và việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát tình hình thị trường bất động sản tại địa phương để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp ổn định tình hình, giữ cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để tháo gỡ các vướng mắc, xử lý sai phạm để bảo vệ thị trường, bảo vệ tài sản, bảo vệ con người, không hợp thức hóa sai phạm nhưng đánh giá khách quan, tìm hiểu nguyên nhân, có cơ chế tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn đặt ra, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn.
Tập đoàn Phú Cường Kiên Giang từng đề nghị xác định lại giá đất
Trước đó, ngày 6/3/2024, Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Cường Kiên Giang có thông cáo báo chí, đính chính thông tin các báo đưa tin không đúng sự thật về việc doanh nghiệp nợ thuế tại dự án BT31- Khu đô thị Phú Cường.
Tại văn bản này, Phú Cường Kiên Giang khẳng định: "Doanh nghiệp không nợ thuế. Nhiều năm liền được UBND và Cục Thuế tỉnh Kiên Giang khen thưởng trong việc thực hiện đúng, đủ nộp ngân sách nhà nước. Các dự án tuân theo các bước thủ tục pháp lý của cơ quan ban ngành".
Về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với dự án BT31 - Khu đô thị Phú Cường, dự án thực hiện theo quyết định chấp thuận chủ trương đã được phê duyệt của UBND tỉnh Kiên Giang số 1846/QĐ-UBND ngày 22/7/2021. Ngày 3/7/2023, Thông báo thuế số 1340/TB-CTKGI cho phần tiền chuyển mục đích sử dụng đất là 46.441.718.095 đồng. Số tiền nộp thuế chuyển mục đích sử dụng đất là quá cao, giá tính chưa phù hợp, Công ty đã gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Kiên Giang cùng các Sở, ban ngành xem xét định giá lại về giá chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đến ngày 19/12/2023, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Kiên Giang có ý kiến kết luận: Giao Sở Tài chính chủ trì, thuê đơn vị tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất độc lập để khảo sát, xác định lại giá đất và đề nghị Cục Thuế tỉnh theo thẩm quyền xem xét việc tạm dừng thực hiện nghĩa vụ tài chính tại Thông báo số 1340/TB-CTKGI ngày 03/07/2023 của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang theo quy định pháp luật.
"Công ty đang đợi kết quả từ cơ quan ban ngành cho việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với dự án BT31 và sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính khi có Thông báo thuế mới được thay thế", thông cáo báo chí nêu rõ.
Ngoài ra, về việc lập thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất khu đất thương mại dịch vụ tại vòng xoay Phan Thị Ràng thuộc Khu đô thị Phú Cường, Công ty đã được UBND tỉnh Kiên Giang cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thông qua Quyết định số 2725/QĐ-UBND ngày 27/11/2020 tại khu đất thương mại dịch vụ ở trung tâm vòng xoay Phan Thị Ràng, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại, dịch vụ sang sử dụng vào mục đích đất ở tại đô thị.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai công việc hiệu quả, cụ thể hóa các luật, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; nắm chắc tình hình, quyết liệt trong tổ chức thực hiện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản phát triển an toàn toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo đó, tình hình thị trường bất động sản cũng đã có nhiều tín hiệu tích cực sau những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn cần tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện các dự án bất động sản tại địa phương, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, giao đất, xác định giá đất... để thúc đẩy tăng nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chắc chắn, kịp thời, hiệu quả, điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp, của dự án bất động sản để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...