Aa

Chú trọng giá trị xã hội giúp bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững

Khánh Hòa
Khánh Hòa khanhhoa.13590@gmail.com
Thứ Hai, 18/11/2024 - 13:30

Theo Savills, thị trường đã quen thuộc với các tiêu chí cũ nên chưa thể thay đổi để kịp thích nghi. Trong đó, yếu tố tác động xã hội của bất động sản là một yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu chú trọng đến yếu tố này sẽ giúp bất động sản có chu kỳ phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Theo Bộ phận Nghiên cứu của Savills Global, một thập kỷ về trước, các mối quan tâm về môi trường – yếu tố E trong ESG – cũng từng rất mơ hồ và khó để định lượng. Nhưng giờ đây, nó đã trở thành một giá trị không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như quá trình phát triển một dự án bất động sản mới.

Giờ đây, một xu hướng mới cần được quan tâm hơn đó là giá trị xã hội. Quá trình tiếp nhận giá trị xã hội (yếu tố S - social) này tại các dự án bất động sản bao gồm bốn giai đoạn, bao gồm: Nhận diện nhu cầu - Đánh giá sự cần thiết - Xây dựng hệ thống đo lường - Tạo khuôn khổ và quy trình quản lý.

Trong bối cảnh các vấn đề xã hội toàn cầu ngày càng trở nên cấp bách, yếu tố xã hội (S) trong ESG đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực bất động sản. Sự gia tăng của bất bình đẳng, thiếu hụt nhà ở và các vấn đề xã hội khác đã thúc đẩy các nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản nhận ra rằng hoạt động của họ có thể tạo ra những tác động tích cực đến cộng đồng. Do đó, việc tích hợp các hoạt động đóng góp cho xã hội vào quy trình quản lý và vận hành dự án đang trở thành một xu hướng tất yếu.

Chú trọng giá trị xã hội giúp bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững- Ảnh 1.

Việc chú trọng đến yếu tố giá trị xã hội giúp bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững hơn

Savills cho rằng, thị trường đã quen thuộc với việc đánh giá tác động của tòa nhà lên môi trường. Tuy nhiên, tác động xã hội của bất động sản cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để các nhà đầu tư có thể tạo ra những dự án bất động sản không chỉ thân thiện với môi trường mà còn góp phần xây dựng các cộng đồng đa dạng, năng động, và đảm bảo sự bình đẳng xã hội? Việc này bao gồm cung cấp nhà ở giá cả phải chăng, mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn.

Việc kết hợp các yếu tố xã hội vào chiến lược kinh doanh bất động sản là một bước đi thông minh. Bên cạnh việc mang lại lợi nhuận, các nhà đầu tư còn thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực và tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng. Việc làm này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư mà còn góp phần xây dựng một môi trường đô thị tốt đẹp hơn.

Việc đo lường chính xác giá trị xã hội mà các dự án bất động sản mang lại vẫn còn là một thách thức lớn, mặc dù nhiều nhà phát triển và quản lý tài sản đã có những hoạt động đóng góp cho cộng đồng, nhưng việc thiết lập một hệ thống đánh giá rõ ràng, từ việc đặt mục tiêu đến đo lường kết quả, vẫn còn khá hạn chế.

Giống như việc quy định về môi trường đã giúp ngăn chặn "greenwashing", yếu tố xã hội trong ESG cũng cần có một khung pháp lý và các tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng. Việc thiếu một hệ thống đo lường thống nhất sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa ra những tuyên bố không chính xác về giá trị xã hội của dự án, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành và làm mất niềm tin của công chúng.

Sự minh bạch trong việc đo lường giá trị xã hội sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp bất động sản đầu tư nhiều hơn vào các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng. Việc công nhận các tòa nhà dựa trên tác động xã hội tích cực không chỉ giúp nâng cao hình ảnh mà còn có thể dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận, tương tự như những gì đã diễn ra trong lĩnh vực môi trường. Đầu tư vào giá trị xã hội ngay từ giai đoạn đầu sẽ giúp dự án bền vững hơn và mang lại lợi nhuận lâu dài.

Savills cho biết, để tạo ra những dự án có ý nghĩa xã hội, các chủ đầu tư và nhà phát triển cần xem xét toàn bộ vòng đời của dự án, từ khâu lập kế hoạch đến khi kết thúc. Việc tích hợp giá trị xã hội vào các dự án không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần có một sự chuyển đổi về văn hóa, ưu tiên các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng địa phương.

"Trong quá trình quản lý và vận hành các dự án bất động sản, các bên liên quan bao gồm chủ đầu tư, ban quản lý, khách thuê hoặc cộng đồng cư dân tại dự án cần có tầm nhìn thống nhất để có chiến lược rõ ràng và phù hợp để nâng cao các giá trị xã hội cho dự án và cộng đồng có liên quan. Có rất nhiều cơ hội để các tòa nhà và những bên liên quan có thể gia tăng giá trị xã hội của dự án và cộng đồng tại dự án đó", Savills nhận định.

Ví dụ, thông qua các hoạt động hợp tác và hỗ trợ các tổ chức từ thiện tại địa phương, hỗ trợ các hoạt động đề cao tính đa dạng về văn hóa và con người, dự án có thể góp phần xây dựng những cộng đồng an toàn, lành mạnh và bền vững hơn.

Ngoài ra, dự án có thể góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bền vững và có trách nhiệm tại địa phương thông qua tạo cơ hội để họ trở thành đơn vị cung ứng hay đối tác của dự án cho các hoạt động có liên quan. Thậm chí, một số dự án thương mại như văn phòng, bán lẻ, trường đại học, có thể tạo không gian khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp trẻ, start-up và các nhóm hoạt động văn hóa để thiết lập những địa điểm sáng tạo, có ý nghĩa với cộng đồng trong khuôn viên dự án.

"Mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam còn khá trẻ, nhưng nhận thức về tầm quan trọng của giá trị xã hội đã bắt đầu được lan tỏa rộng rãi. Điều này cho thấy một xu hướng tích cực, khi cả chủ đầu tư, cư dân và khách thuê đều mong muốn các dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu về nhà ở mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng", Savills cho biết thêm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top