Aa

Chuyển động mới của thị trường bất động sản Lạng Sơn đầu năm 2024

Thứ Tư, 13/03/2024 - 06:04

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang có sự quan tâm nghiên cứu thị trường và đầu tư dự án tại tỉnh vùng biên Lạng Sơn. Chính quyền địa phương cũng có nhiều động thái mới trong việc thu hút, tìm kiếm nhà đầu tư đối với các dự án khu công nghiệp, khu đô thị, nhà ở… Đó là những nét chính cho thấy chuyển biến mới của thị trường bất động sản Lạng Sơn đầu năm 2024.

Điểm đến cạnh tranh mới của nhiều doanh nghiệp bất động sản

Trong nhiều năm trở lại đây, thị trường bất động sản Lạng Sơn đang ghi nhận sự quan tâm và đầu tư của nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn. Ngay từ năm 2015, tập đoàn Vingroup đã rót vốn đầu tư dự án Shophouse Lạng Sơn tại phường Chi Lăng có diện tích hơn 12.000m2, với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Investment) đầu tư với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng cho dự án Tổ hợp căn hộ, thương mại và dịch vụ Apec Diamond Park. Năm 2022, Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn tại huyện Lộc Bình; Dự kiến thời gian hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2024.

Theo quan sát, các nhà đầu tư luôn trực chờ cơ hội để được tham gia thực hiện các dự án tại Lạng Sơn. Tiêu biểu như CTCP Dịch vụ và Đầu tư Bất động sản Midland, vào tháng 3/2021, công ty này liên tục ngỏ ý tài trợ quy hoạch cho các dự án như: Khu biệt thự sinh thái - dịch vụ Văn Vỉ, khu đô thị mới Mỹ Sơn (TP Lạng Sơn), khu đô thị mới Hồ Sơn (huyện Hữu Lũng). Đến đầu năm 2024, Midland lại trở thành nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu dân cư Hồ Sơn 3, huyện Hữu Lũng. Dự án có quy mô diện tích là 40ha với tổng mức đầu tư khủng hơn 1.545 tỷ đồng.

Chuyển động mới của thị trường bất động sản Lạng Sơn đầu năm 2024- Ảnh 1.

Đã có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm triển khai dự án bất động sản tại Lạng Sơn. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, theo kết quả hồ sơ đăng ký thực hiện dự án 1.100 tỷ đồng - Khu đô thị Green Garden tại xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn và xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, do Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn công bố vào tháng 10/2023, có 2 nhà đầu tư đang cạnh tranh thực hiện khu đô thị này là CTCP Tập đoàn Telin (Telin Group) và liên danh CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP Invest) - CTCP Tư vấn và Đầu tư Nam Sơn. Trên thị trường bất động sản, 2 cái tên GP Invest và Telin Group đã không còn quá xa lạ khi sở hữu  nhiều dự án tầm cỡ, trong đó có những dự án lớn tại Hà Nội.

Trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) cũng đã trở thành nhà đầu tư chính thức của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn vào tháng 5/2023. Ngoài ra, tháng 12/2023, Đoàn công tác của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, Tập đoàn TLB Hàn Quốc và Tập đoàn SEP Hàn Quốc đã gặp mặt UBND huyện Hữu Lũng trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng trong việc thực hiện dự án Cụm Công nghiệp Hồ Sơn 1.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2022 - 2023, tỉnh đã có 24 dự án được cấp phép đầu tư (riêng năm 2023, tính đến tháng 11 đã có 12 dự án, chủ yếu là dự án phát triển cụm khu công nghiệp, xây dựng khu đô thị, dân cư ở thành phố và các huyện: Đình Lập, Bắc Sơn, Hữu Lũng…). Sự tập trung nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ trên mảnh đất xứ Lạng trong nhiều năm qua là minh chứng rõ nhất cho sức cạnh tranh của thị trường bất động sản nơi đây.

Dự án nghìn tỷ được chấp thuận đầu tư ngay đầu năm

Cùng với sự quan tâm của các nhà đầu tư, thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng có những động thái để thúc đẩy, thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Nhiều dự án được khởi công xây dựng, phê duyệt quy hoạch... đã tạo tiền đề để các nhà đầu tư càng dấn thân vào thị trường bất động sản Lạng Sơn.

Những ngày cuối năm 2023, UBND huyện Đình Lập (Lạng Sơn) tổ chức lễ khởi công dự án Cụm công nghiệp Đình Lập. Dự án được triển khai xây dựng với tổng diện tích 71,39ha, tổng mức đầu tư lên đến 677 tỷ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh An Phú Hưng làm chủ đầu tư. Dự kiến cụm công nghiệp sẽ đi vào hoạt động, khai thác trong quý III/2025. Dự án được định hướng là cụm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực chế biến gỗ, nhựa thông, nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp điện; điện tử; thiết bị y tế; viễn thông; điện lạnh; may mặc; chế biến thực phẩm…

Tiếp đó, UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định thành lập Cụm công nghiệp Na Dương 1 tại xã Đông Quan, huyện Lộc Bình và chấp thuận Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Gia Bắc Ninh là nhà đầu tư dự án. Cụm công nghiệp Na Dương 1 có diện tích đất đầu tư xây dựng là 20ha với tổng vốn đầu tư là 212,019 tỷ đồng.

Dự án được được mong đợi sau khi hoàn thành sẽ tạo ra công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần vào sự phát triển công nghiệp và kinh tế, xã hội của huyện Lộc Bình.

Vào tháng 1/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt cho Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore tham dự Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore vào tháng 8 năm 2023. Theo đó, tỉnh yêu cầu UBND huyện Hữu Lũng khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Song song với việc phát triển các khu công nghiệp hiện đại, tỉnh Lạng Sơn cũng chú trọng việc quy hoạch xây dựng các khu đô thị đạt chuẩn. Với tầm nhìn đến năm 2025, 3 khu đô thị điểm nhấn của thành phố Lạng Sơn sẽ được điều chỉnh quy hoạch gồm: Khu đô thị sinh thái Nà Chuông - Bình Cằm, Khu vực đô thị sinh thái Yên Trạch và Khu đô thị Mỹ Sơn.

Theo đó, cuối tháng 2/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Mỹ Sơn (tỷ lệ 1/500) với tổng diện tích gần 37ha. Dự án có tổng chi phí đầu tư lên đến 1.056,9 tỷ đồng với các hạng mục chính là công trình liền kề, biệt thự, tái định cư, nhà ở xã hội và thương mại dịch vụ cao.

Việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Mỹ Sơn hướng đến tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở đồng bộ theo tiêu chí đô thị loại I để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân khu vực quy hoạch.

Phối cảnh quy hoạch chi tiết khu đô thị Mỹ Sơn tại TP. Lạng Sơn và huyện Cao Lộc

Phối cảnh quy hoạch chi tiết khu đô thị Mỹ Sơn tại TP. Lạng Sơn và huyện Cao Lộc.

Như vậy, chỉ trong 4 tháng cuối năm 2023 - đầu năm 2024, thị trường bất động sản Lạng Sơn đã ghi dấu ấn với nhiều bước chuyển quan trọng đủ để thấy sức nóng và sự sầm uất hơn của thị trường này. Sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn cũng cho thấy sức hút và tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản Lạng Sơn. Điều này đã và đang tạo động lực to lớn cho sự phát triển trên mọi lĩnh vực của tỉnh.

Phát huy thế mạnh của một tỉnh vùng biên

Cách Hà Nội khoảng 150km, Lạng Sơn là một trong 7 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, nằm ở nút giao kinh tế với các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quảng Ninh và Bắc Giang, đồng thời có nhiều tuyến giao thông lớn đi qua như tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Quốc lộ 1, đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc, Quốc lộ 1B đi Thái Nguyên, Quốc lộ 4B đi Quảng Ninh, Quốc lộ 4A đi Cao Bằng và tỉnh lộ 279 giúp liên kết vùng của Lạng Sơn ngày càng hoàn thiện.

Địa phương này cũng là điểm đầu tiên của Việt Nam nằm trên hai tuyến hành lang kinh tế kết nối với Trung Quốc và các nước ASEAN gồm: Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - TP.HCM - Mộc Bài.

Chuyển động mới của thị trường bất động sản Lạng Sơn đầu năm 2024- Ảnh 4.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Ảnh: LH)

Với vị trí đắc địa như thế, Lạng Sơn ngày càng có nhiều cơ hội vươn mình hơn nữa trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là phát triển kinh tế cửa khẩu. Khi kinh tế phát triển sẽ thu hút dòng người đổ về đây sinh sống, giao thương nhộn nhịp. Cơ sở hạ tầng từ đó cũng cần được đầu tư xây dựng như mở rộng đường sá, xây dựng các khu đô thị, các khu công nghiệp,... để đón đầu số lượng dân cư tăng lên trong tương lai.

Trên thực tế, những tín hiệu tích cực từ hạ tầng giao thông đang góp phần “hâm nóng” thị trường bất động sản Lạng Sơn. Tại Quyết định số 516/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án nâng cấp đoạn Km18 – Km80 quốc lộ 4B với tổng chiều dài 62,56km và vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Dự án được xây dựng nhằm kết nối giao thông liên vùng giữa tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. Đầu năm nay, tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 93km, vận tốc thiết kế 80 km/h chính thức được khởi công. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là hơn 14.330 tỷ đồng.

Ngoài ra, giá đất của Lạng Sơn hiện vẫn được đánh giá là thấp so với nhiều địa phương khác. Theo số liệu của Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn, chỉ tính riêng quý IV/2023, giá giao dịch trung bình đối với phân khúc đất nền chỉ khoảng 9 triệu đồng/m2 và gần 11,9 triệu đồng/m2 đối với phân khúc nhà ở xã hội.

Nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư

Khi giá đất tại Hà Nội và các tỉnh lân cận trở nên bão hòa, Lạng Sơn vươn lên trở thành một vùng đất triển vọng thu hút các nhà đầu tư. Nắm bắt được xu thế đó, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã rất chủ động trong việc đón sóng đầu tư từ các doanh nghiệp. Thời gian qua, tỉnh đã mời đầu tư 10 dự án nhà ở, du lịch quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng; trong đó có 7 dự án tại TP Lạng Sơn, giai đoạn đến năm 2025.

Để phát triển bền vững, tỉnh Lạng Sơn ưu tiên thu hút các dự án công nghệ mới, hiện đại, tạo nên năng suất cao, sản phẩm tốt, sức cạnh tranh cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách tỉnh, tạo nên sự chuyển mình phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội.

Đồng thời tỉnh và ngành chức năng đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch đồng hành, giúp đỡ doanh nghiệp. Đầu tháng 11/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Nghị quyết số 135-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hút đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 - 2030.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn cũng đề ra chỉ tiêu sẽ thu hút vốn đầu tư từ 166.000 - 168.000 tỷ đồng, nhằm đạt được bước phát triển đột phá.

Nhằm thúc đẩy thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 455-NQ/TU ngày 1/9/2021 về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là đến năm 2025 sẽ hoàn thành 1 khu công nghiệp và 3 - 4 cụm công nghiệp, với tỷ lệ lấp đầy mỗi khu, cụm công nghiệp đạt trên 30%.

Đặc biệt, việc dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn - dự án khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 5/2023 đã tạo ra động lực lớn trong công tác thu hút đầu tư. Dự án sẽ giải quyết được nhu cầu mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp đầu tư thứ cấp, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh, góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp đáng kể cho kinh tế của tỉnh và giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn luôn sẵn sàng đón chào các nhà đầu tư và nỗ lực phát triển không ngừng để trở thành nơi đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh cùng các ngành sẽ luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình tìm hiểu đến sau đầu tư, vận hành dự án.

Có thể thấy, Lạng Sơn đang tích lũy cho mình những yếu tố thuận lợi để tạo nên những cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển của đô thị, thị trường bất động sản và kinh tế - xã hội trong tương lai. Sự cạnh tranh giữa nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án cũng cho thấy sức hút từ các lợi thế và chính sách, ưu đãi mà tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top