Nhớ lần nào đấy, cách đây lâu lâu, tôi về Long An, sau đó về viết Long An là nơi chiếm hơn nửa diện tích Đồng Tháp Mười, nhà văn Hữu Nhân gọi điện thoại cho tôi phản đối, bảo phải là Đồng Tháp chứ. Tôi bảo tớ về tận Long An, nghe chính người Long An nói. Nhân nói: Tui người Đồng Tháp nè, người Đồng Tháp nói nè. Tại sao lại gọi Đồng Tháp Mười mà không là... Long An... mười, hehe, hôm nào anh về tui đưa đi cho biết thế nào là Đồng Tháp Mười, thế nào là lũ, về đúng mùa lũ tui đưa đi coi lũ...
Nói đến Đồng Tháp Mười là phải nói đến lũ. Một anh bạn gọi điện thoại đùa: Người ta đang chống lũ các ông đi coi lũ. Nhưng nếu không có lũ, liệu có còn Đồng Tháp Mười không? Ông Võ Văn Kiệt, bằng sự am hiểu sâu sắc về vùng này, đã đưa ra một chủ trương rất hay là "sống chung với lũ". Có tờ báo mới giật tít "Lũ đẹp" cũng bị vài người phản ứng. Họ không biết rằng, lũ chính là nguồn sống của cả cư dân miệt sông nước này. Nó mang phù sa mùa màng về, mang tôm cá về, làm nên một nền văn hóa đồng bằng. Năm ngoái, chúng tôi lại xuống Long An, giữa mùa lũ mà đồng nứt nẻ, dân ngơ ngác hoang mang đợi lũ. Bởi nếu không có lũ, nước kiệt đi thì toàn bộ vùng này thiếu nước ngọt nghiêm trọng, phèn nổi lên rất nhiều và đậm, nước chỉ còn đọng ở các lung, trấp, đìa, bàu... không dùng được, cây cỏ khô rụi, di chuyển chủ yếu là đi bộ hoặc xe trâu, toàn bộ đời sống sẽ ngưng trệ. Lũ tồn tại song song với người miền Tây như con lộ nào cũng song song một con kinh bên cạnh, làm nên một đặc trưng đồng bằng Nam Bộ. Người ta đào kênh (kinh) để thông thương, để lấy nước, chỉ huy nước, lấy đất ấy đắp đường (lộ), cứ chằng chịt như thế, những con kinh huyết mạch nối những cù lao, những giồng... thành một đồng bằng rộng lớn và đầy bản sắc.
Và lũ cũng không chỉ có ở miền Tây như lâu nay tôi biết, dù những gì tôi biết về lũ miền Tây rất ít, chỉ biết nó không phải là lũ gây hại mà chính nó là nguồn sống cho người miền Tây, nên ngăn lũ, chặn lũ, bức tử lũ... chính là bức tử luôn người dân ở đấy.
Ấy là từ chối một cuộc rất hấp dẫn do vợ chồng chú em ở Đà Nẵng nhưng quê Quảng Nam thiết kế: Về quê nó xem... lũ. Tất nhiên tôi biết lũ ở miền Trung là vất vả khổ cực, là mất mát thất thoát các kiểu, chả vui sướng gì mà... xem. Nhưng thực sự thì lũ cũng đem đến cho dân nhiều cái lợi, nếu như nó không bất ngờ, nó không phải là lũ cuốn lũ ống, nó cứ lắp xắp lên, như lũ miền Tây ấy...
Thú vị lắm ạ, là đổ xô đi bắt cá, kéo vó, những ngọn rau vươn ra, căng mọng, những con cá vật đẻ uồm uỗm, từng đàn vịt như vừa nở căng ra, những bữa cơm ngày lũ vừa hối hả vừa nóng sốt, có thể có thêm vài li đế. Rồi những giấc ngủ trực lũ, nằm trên chòi, nghe thấy nước lừ lừ lên, nghe cá và các loại như cá, bơi và thở...
Và ta tham gia vào lũ, như một phần của lũ. Đừng chống lũ, hãy nương theo lũ, hòa thuận với nó, né lũ, tránh lũ và hòa thuận với lũ có khi lại là cách tốt nhất để sống cùng lũ, coi lũ như... đặc sản. Như Huế từng có ý định biến mưa thành đặc sản du lịch...
Chúng ta cái gì cũng chống, chống bão, chống lũ, chống lụt... mà không biết rằng, chả bao giờ chống được tự nhiên cả. Nhà có vững đến mấy, bão cấp 12, 13 cũng bay veo veo như lá tre. Công trình có vĩnh cửu đến mấy, gặp sóng thần như Indonesia vừa rồi, Nhật Bản dạo nọ, cũng tan như cát. Chỉ có cách sống chung với nó, nương theo nó, hòa thuận với nó... như người Tây Nguyên từng sống rất hòa hợp với rừng, tạo nên một văn hóa rừng, một văn minh rừng, quyện vào nhau, sống vì nhau, cùng tồn tại và phát triển...
Thì vợ chồng chú em ấy, hôm về đưa cả hai đứa nhỏ dưới 10 tuổi về. Trời ơi chúng mới thích thú làm sao, sung sướng làm sao khi lần đầu tiên thấy lũ ở quê nội. Tất nhiên, để an nhiên với lũ, những người dân ở đấy đã phải thừa kinh nghiệm sống chung, nên họ biến tai họa thành dịp may, thậm chí chú em còn bảo: Vui như lũ về...
Tôi biết, để có thể vui được, đã rất nhiều đau khổ trải qua. Nhưng may là vẫn còn có ngày, có người vui được...
Mà suy cho cùng, nước mình, chỗ nào chả có lũ.