Vừa rồi, ồn lên vụ vợ một bộ trưởng được xe công đón ngay tại cửa máy bay, vượt qua mọi phép tắc, từ phép tắc sơ đẳng nhất là xếp hàng tuần tự đi xuống xe buýt, đến lớn hơn là sử dụng công sản quốc gia trái quy định, và lớn hơn nữa, nó tạo ra một hình ảnh xấu về việc các công bộc lợi dụng và tận dụng Nhà nước, tức là tận dụng chính tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân. Nó chứng minh rằng, cái tư tưởng “miếng giữa làng” vẫn tồn tại một cách hiên ngang giữa thời đại ngày nay, dù nó là sản phẩm của cái chế độ từ xửa xưa.
Người ta hay nhắc nhiều tới cái ý thức xếp hàng ở... nước ngoài, nó ăn vào máu, vào thâm căn cố đế rồi. Cứ có hai người trở lên là lập tức tự xếp hàng, từ để sang đường đến ăn buffet, từ vô nhà vệ sinh tới vào xem phim, từ nhận quà tới tặng quà... và dậy sóng nhất là hình ảnh cháu bé đứng xếp hàng chờ lấy thức ăn trong vụ động đất bên Nhật. Nói cách gì cháu cũng quyết xếp hàng. Đấy không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi. Nghe trái khoáy nhưng hết sức có lý.
Nhớ lần sang Đài Loan, đang đi, tôi thấy một đám đông rồng rắn, nghĩ bụng, chắc lại biểu tình rồi. Mấy cái anh tư bản này rất hay biểu tình, hết sức... lộn xộn. Đến gần mới biết, họ xếp hàng để... sang đường. Bên ấy người đi bộ cũng có đèn xanh đỏ để sang đường. Đèn đỏ thì đứng đợi, và xếp hàng thứ tự chứ không lộn xộn. Đèn xanh thì hàng một sang đường. Bên ta, người đi bộ thì có quyền sang đường bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào.
Thực ra thì, dân Việt ta cũng rất có ý thức xếp hàng, chứ chả phải mình anh Nhật, mình các anh thế giới, nhưng rồi, thời gian biến cải, công cuộc chấn hưng cả văn hóa và giáo dục của chúng ta khiến Nhật và thế giới vượt lên thôi...
Thời phong kiến chẳng hạn, các cụ ông kính mến của chúng ta phần lớn là vài ba bà, có ông năm sáu bà, không xếp hàng có mà loạn à, đâu vào đấy hết chính là nhờ... xếp hàng...
Rồi ăn cơm. Nông dân ta quan niệm và cố thực hiện bằng được là đẻ nhiều, đặc biệt là con trai, mười đứa con gái không bằng cái... dái con trai. Nên đến bữa ăn cơm thì ít, con thì đông, con dâu cả ngồi đầu nồi, các em trai chồng lần lượt đưa bát xới, đến lượt mình đưa bát cơm lên miệng thì... đít nồi nhẵn thín. Chả xếp hàng là gì. Và con dâu ấy sau này lại thành mẹ chồng, đứa nào là con dâu lại chết với bà...
Thời bao cấp, xếp hàng là đương nhiên, từ lấy thùng nước đến mua dầu, gạo, nước mắm, thậm chí là mua... vải màn về thay Kotex bây giờ. Nhưng là kiểu xếp hàng láu cá, khôn vặt, lưu manh... Ấy là mang gạch, giấy, cành cây... ra xếp hàng thay mình. Rồi... bán lại. Nếu có xếp hàng chân chính thì cũng có cách để vượt lên thằng trên, rồi lại thằng trên nữa, rồi về khoe với nhau, coi như là... mình khôn hơn thiên hạ...
Vậy nên, giờ, ở ngay sân bay, là nơi có thể nói là văn minh hơn vài nơi khác, bởi phải đông tiền mới có thể bay, và có điều kiện mới bay, ta vẫn thấy các trường hợp, một gã giày đen, áo trong quần, vét khoác ngoài, xách cặp và... chen ngang hoặc tiến thẳng vào quầy bỏ qua giai đoạn xếp hàng. Hoặc một mệnh phụ váy đùi thẳng tắp, thơm nhưng nhức từ tóc đến mắt cá chân, túi hàng hiệu, áo lót quần lót hàng hiệu (cố tình lộ ra) nhưng hùng hục chen ngang để... khoe đẳng cấp. Và ngoài đường thì người ta chen nhau từng nửa, thậm chí là 1/5 bánh xe, để tiến nhanh tới... đài hóa thân. Ngay đi viếng đám ma, nhiều khi cũng vẫn... chen ngang... Cứ nhìn các bố các mẹ, toàn loại "nhà có điều kiện" sáng sáng chở con đi học chen nhau trước cổng trường thì biết. Và bọn nhóc con, không thể khác, chúng phải bắt chước phụ huynh thôi...
Thế nên, dưới con mắt một số người, xếp hàng là thứ nhà quê, phải chen ngang, phải được ưu tiên mới đẳng cấp. Cứ nhìn xe biển xanh phóng trên đường là biết. Xe xịn, động cơ lớn, chạy như gió, bất chấp quy định tốc độ. Tôi nói điều này là có cơ sở vì cũng là người hay lái xe trên đường, đang chạy đúng tốc độ thì có một cái vụt qua rất nhanh. Không thể khác, đấy là xe biển xanh. Và bản thân cũng từng ngồi xe biển xanh, anh lái xe hay lấy cái sự chen ngang hoặc không tuân thủ luật lệ như một sự sang, và thủ trưởng ngồi trên xe cũng ít nhắc, thậm chí cũng thấy sang.
Nhà nước đôi khi cũng vô tình hay cố ý mà tạo ra những “miếng giữa làng” như việc cấp các thẻ ưu tiên. Thấy tổng thống các nước lớn có khi vẫn tự cầm ô che cho mình, thậm chí che cho trợ lý, còn ở ta, có quy định chế độ hẳn hoi, đa phần là để... không phải xếp hàng.
Cái miếng giữa làng nó vẫn hoành hành như một thách thức, như một dấu ấn “lại giống”, đã khiến nhiều người vênh vang với nó. Và cái sự chen ngang không xếp hàng nó là một tàn dư như thế chứ có khi chả phải vì nhanh chậm dăm mười phút đâu...