Aa

Chuyện một cựu binh Mỹ

Thứ Hai, 29/07/2019 - 07:00

Lòng nhân ái khi được thắp sáng, được nuôi dưỡng đã vượt qua thù hận, vượt qua khác biệt, con người đến với con người với cái bắt tay thật chặt, với đúng nghĩa của xuất xứ cái bắt tay...

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, có một tốp lính Mỹ gặp một chiến sĩ bộ đội Bắc Việt bị thương nặng ở chiến trường miền Trung, một cánh tay đã hoại tử. Những người lính Mỹ đã gọi máy bay trực thăng chở người lính này đến một bệnh viện dã chiến.

Viên bác sĩ quân y Mỹ đã cứu sống người lính Bắc Việt này, nhưng cánh tay thì phải cưa. Điều kỳ lạ là, thay vì chôn cánh tay ấy, thì ông ta đã... giữ lại. Và mấy chục năm sau, tại thị xã An Khê, Gia Lai đã có một chuyện thú vị, có lẽ độc nhất vô nhị xảy ra: Người bác sĩ Mỹ năm xưa đi cùng gia đình sang Việt Nam, bằng tiền túi, tất nhiên, tìm người lính Bắc Việt ngày xưa và trao lại... cánh tay.

Cánh tay ấy giờ là một khúc xương trắng hếu nhưng vẫn còn đầy đủ. Tất nhiên là ôm nhau, là xúc động... Tôi cứ lẩn mẩn nghĩ, người Mỹ với mình mà họ còn yêu thương, tôn trọng vậy, thế mà dân mình với nhau thì... 

Hồi ấy, tôi đã cùng với một số đồng nghiệp tìm đến nhà ông Nguyễn Quang Hùng. Vâng, tên người thương binh có số phận kỳ lạ ấy là Nguyễn Quang Hùng, để nghe ông kể ngọn ngành. Té ra ông là người Nam Định, đi bộ đội, chiến đấu khắp dải đất miền Trung, cụ thể là vùng Bình Định và An Khê (Gia Lai).

Bác sĩ người Mỹ Sam Axelrad sau gần 50 năm đã tìm trở lại và tặng ông Hùng bộ xương cánh tay ấy. Điều lạ nữa là, tuy là tù binh, nhưng sau đấy, chính quyền cũ đối xử với ông như chưa từng biết ông là Việt Cộng.

Ông ở lại giúp việc cho một gia đình làm y tá mở phòng mạch tại An Khê (có lẽ tại điều trị lâu nên ông cũng quen với công việc chăm sóc bệnh nhân kiểu như điều dưỡng bây giờ) và rồi... cưới cô con gái của ông y tá ấy, rồi sinh con đẻ cái, khá nhiều. Cho đến khi bác sĩ Mỹ mang xương trả cho ông, câu chuyện lan ra, ông mới có điều kiện về thăm quê, rồi được hưởng trợ cấp thương binh.

Nhiều cụ binh Mỹ và Việt Nam cùng gặp nhau đẻ hàn gắn lại mối quan hệ nhân bản sau chiến tranh.

Nhiều cựu binh cả hai phía Mỹ và Việt Nam đã cùng gặp nhau làm nhiều việc có ý nghĩa để hàn gắn lại mối quan hệ nhân bản sau chiến tranh.

Tôi chợt nhớ tới câu chuyện này, bởi, dạo này đọc báo thấy dân Việt ta hung hãn quá. Va quẹt giao thông, đánh nhau. Yêu nhau, cãi nhau, giết nhau. Con oánh cha lỡ tay, chết. Vợ chồng giết nhau. Chồng giết vợ chưa đã giờ lại còn cả vợ giết chồng. Rồi phóng hỏa giết chết cả nhà, công an tạt a-xít vợ đã đính hôn,...

Những câu chuyện khiến ta nghĩ về một đời sống hết sức bất an, hết sức phấp phỏng. Có một cái gì đấy không bền vững, không an lòng, cứ len lỏi trong đời sống chúng ta, dù tất nhiên, mặt tốt đẹp vẫn luôn là bản chất.

Ông bác sĩ quân đội Mỹ kia, ông đâu biết là sẽ có ngày gặp lại ông Việt Cộng gầy gò thấp bé kia, thế mà ông vẫn giữ cánh tay người cựu binh Việt Nam này. Mà lại là trong chiến tranh.

Chiến trường An Khê cũng khốc liệt, sĩ quan Mỹ cũng ở trong những túp lều dã chiến, tạm bợ. Rồi khi về Mỹ, ông này lại mang theo cái xương tay lủng lẳng ấy (giờ đi Vietjet phải tính toán từng lạng, thừa một cân là phải bỏ lại hoặc mua cước rất đắt), rồi xử lý, và giữ mấy chục năm để rồi tìm mọi cách liên hệ, để mang trả lại cho chủ.

Tôi hình dung trong nhà, có ông chồng/bố, cứ giữ bộ xương cánh tay trắng hếu thế, vợ với con không phản đối mới lạ. Thế mà ở đây, không những không phản đối, mà khi dò biết được tung tích ông Hùng, cả gia đình ông bác sĩ cựu binh này đã bỏ tiền sang Việt Nam thăm ông Hùng và trả lại ông bộ xương cánh tay ấy.

Tất nhiên, quả là ông Hùng và gia đình cũng hết sức lúng túng khi tự nhiên nhận được "món quà" ấy. Văn hóa người Việt thường thì không chứa những thứ ấy trong nhà, mà chôn đi. Ông Hùng hồi ấy nói, ông sẽ giữ để khi ông mất thì chôn cùng cho lành lặn...

Lòng nhân ái của con người khi được thắp sáng, được nuôi dưỡng, đã vượt qua sự thù hận, vượt qua sự khác biệt văn hóa, phong tục, để những trái tim đến với trái tim, lòng nhân hậu tìm lòng nhân hậu, con người đến với con người, với vòng tay thật chặt, cái bắt tay thật chặt, đúng nghĩa của xuất xứ cái bắt tay: Tôi đến với ông bằng tấm lòng và bàn tay không vũ khí. Hãy bắt tay tôi để biết điều ấy...

Ông bác sĩ cựu binh Mỹ đã đến với ông Hùng bằng cả... 3 cánh tay. Tay ông và tay ông Hùng, cái tay ông đã giữ trong nhà gần 50 năm, nó đã như một phần của ông, của ngôi nhà ông, để chờ giờ nó về với chủ.

Tôi viết bài này khi ngoài biển Đông, bãi Tư Chính của Việt Nam đang nóng lên hàng ngày...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top