Aa

Cổ tức bất động sản: "Mưa vàng" hay "bẫy" đầu tư?

Chủ Nhật, 22/09/2024 - 06:12

Thị trường bất động sản đã và đang chứng kiến một làn sóng chi trả cổ tức mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong ngành. Nhiều công ty đã công bố kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu với tỷ lệ hấp dẫn. Điều này đã thu hút sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường vẫn ở giai đoạn phục hồi, còn nhiều khó khăn.

Cổ tức - điểm sáng giữa thị trường ảm đạm

Dù đã có những chuyển biến tích cực trong năm 2024, tuy nhiên thị trường bất động sản vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Ở một số phân khúc, nguồn cung mới đã tăng so với cùng kỳ năm trước, song thanh khoản vẫn ở mức thấp, giao dịch trầm lắng, tâm lý thận trọng vẫn còn, người mua có xu hướng chờ đợi thời điểm thích hợp hơn. Áp lực tài chính đè nặng lên nhiều doanh nghiệp, khiến nhiều dự án bị đình trệ, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư. Mặc dù có một số tín hiệu tích cực từ việc giảm lãi suất và các chính sách hỗ trợ, thị trường bất động sản vẫn cần thêm thời gian để phục hồi trở lại.

Trong bối cảnh đó, thông tin về kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ cao từ các doanh nghiệp trong ngành đã trở thành điểm sáng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Làn sóng chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu với tỷ lệ hấp dẫn đang lan rộng trong vòng một tháng qua. 

Nổi bật trong số các doanh nghiệp công bố kế hoạch trả cổ tức là CTCP Thiết bị (MA1), hoạt động chính trong lĩnh vực cho thuê văn phòng, nhà xưởng và kho hàng, công ty dự kiến tổng tỷ lệ trả cổ tức năm 2023 lên tới 120%, bao gồm 30% bằng tiền mặt và 90% bằng cổ phiếu. Ước tính, doanh nghiệp sẽ cần chi gần 63,5 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch này.

CTCP Sonadezi Long Thành (SZL) cũng thông báo chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Dự kiến công ty sẽ chi xấp xỉ 55 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Đây là lần thứ hai trong năm công ty chia cổ tức, trước đó vào tháng 11/2023, SZL đã thanh toán cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ 12%.

CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) cũng không nằm ngoài xu hướng này. Công ty dự kiến phát hành hơn 23,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 15%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 232,6 tỷ đồng.

Cổ tức bất động sản: "Mưa vàng" hay "bẫy" đầu tư?- Ảnh 1.

Giữa lúc thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi, thông tin về kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ cao từ các doanh nghiệp trong ngành đã trở thành điểm sáng. (Ảnh: Bùi Văn Doanh).

Theo giới chuyên gia, có nhiều yếu tố đan xen thúc đẩy làn sóng trả cổ tức mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là bởi ở giai đoạn thị trường sôi động, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tạo ra lợi nhuận đáng kể. Một phần lợi nhuận này được giữ lại dưới dạng lợi nhuận chưa phân phối. Giờ đây, khi thị trường đang chững lại, việc chia sẻ một phần lợi nhuận này cho cổ đông thông qua cổ tức là một cách để doanh nghiệp thể hiện sự ổn định về tài chính và tri ân các nhà đầu tư đã đồng hành.

Cổ tức hấp dẫn không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho cổ đông hiện tại mà còn có thể kích thích sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng, góp phần thúc đẩy giao dịch và cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu của doanh nghiệp.

Ngoài những lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp và cổ đông, làn sóng trả cổ tức cao còn có thể mang lại những tín hiệu tích cực cho toàn thị trường bất động sản. Nó cho thấy rằng vẫn có những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có nền tảng tài chính vững chắc, từ đó phần nào củng cố niềm tin của nhà đầu tư và góp phần thúc đẩy sự phục hồi của thị trường.

Cổ tức cao - cơ hội hay rủi ro?

Mặc dù cổ tức cao là một tín hiệu tích cực cho thấy tình hình tài chính của doanh nghiệp ổn định. Song cổ tức cao không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Một ví dụ điển hình cho câu chuyện này là trường hợp của một doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam vào năm 2022. Doanh nghiệp này đã công bố kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 50%, thu hút sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ hơn, các nhà đầu tư phát hiện ra rằng doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong việc bán hàng, tồn kho lớn và dòng tiền kinh doanh âm. Việc trả cổ tức cao trong trường hợp này được xem là một cách để "làm đẹp" báo cáo tài chính và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, che giấu đi những vấn đề thực sự của doanh nghiệp.

Cổ tức bất động sản: "Mưa vàng" hay "bẫy" đầu tư?- Ảnh 2.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, quyết định về tỷ lệ chia cổ tức của doanh nghiệp thường được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên cả kết quả kinh doanh thể hiện qua báo cáo tài chính và tầm nhìn phát triển dài hạn. Đối với các công ty bất động sản, nguồn thu ổn định từ hoạt động cho thuê và bán dự án tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia cổ tức đều đặn, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và mang lại nguồn thu nhập thụ động cho cổ đông. Do đó, doanh nghiệp thường xem xét linh hoạt giữa hai hình thức chi trả cổ tức, bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu.

Từ góc độ nhà đầu tư, cổ tức là một yếu tố hấp dẫn bên cạnh tiềm năng tăng giá của cổ phiếu, đặc biệt khi mức cổ tức của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay vượt trội so với lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng tốt.

Đồng thời, nhà đầu tư cần nhớ rằng cổ tức chỉ là một phần của bức tranh lợi nhuận đầu tư. Giá cổ phiếu cũng đóng vai trò quan trọng và có thể biến động sau khi chia cổ tức. Do đó, việc theo dõi sát sao diễn biến giá cổ phiếu là cần thiết để đảm bảo đạt được lợi nhuận như kỳ vọng.

"Nhà đầu tư thông minh không nên chỉ nhìn vào mức cổ tức hấp dẫn mà bỏ qua các yếu tố cơ bản khác như tình hình tài chính, triển vọng tăng trưởng và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Cổ tức cao chỉ thực sự là cơ hội khi nó đi kèm với một nền tảng kinh doanh vững chắc và tiềm năng phát triển bền vững", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top