Lời tòa soạn
Câu chuyện vi phạm liên quan tới trật tự xây dựng cũng như chiếm dụng đất công không còn mới, nhưng có lẽ chưa bao giờ vấn đề này lại nóng như những năm gần đây. Để xảy ra tình trạng này, ngoài khó khăn trong công tác quản lý còn là trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo các cơ quan chức năng có liên quan.
Bộ Xây dựng cho rằng với những hành vi tiếp tay, bao che, buông lỏng quản lý của cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý phải bị xử lý nghiêm.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Hà Nội trong công tác ngăn chặn tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, nhằm xử lý nghiêm túc, kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm, Reatimes khởi đăng tuyến bài về những bất cập còn tồn đọng trong việc chiếm dụng đất công, thông qua đó mong muốn mang lại cho độc giả những góc nhìn đa chiều về câu chuyện đảm bảo quy hoạch, mỹ quan đô thị chung cho Thủ đô.
Tiếp nối bài viết “Làm giả giấy tờ đất”, quận Thanh Xuân xử lý “quyết liệt” 20 năm chưa xong, xin mời quý độc giả đón đọc bài: "Cố ý làm giả giấy tờ đất để chiếm dụng là hành vi vi phạm Bộ luật hình sự".
Có thể bị phạt tù lên đến 7 năm tùy theo từng mức độ vi phạm
Mới đây, Reatimes có đăng tải bài viết “Làm giả giấy tờ đất”, quận Thanh Xuân xử lý “quyết liệt” 20 năm chưa xong", bài viết đã nhận được sự tương tác tích cực từ phía độc giả. Bài viết với nội dung phân tích loạt sai phạm về việc gia đình nhà ông Lại Hồng Lục và bà Trần Thị Hoa lấn chiếm đất công và xây dựng trái phép trên đất giao thông nhưng đã qua hơn 20 năm chính quyền phường Nhân Chính và quận Thanh Xuân “quyết liệt” xử lý chưa xong. Hơn thế, gia đình nhà ông Lục còn có dấu hiệu làm giả giấy tờ của Cục A28 - Bộ Nội vụ (nay là Tổng cục An ninh I - Bộ Công An).
Phân tích về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Sỹ Anh, chuyên gia pháp lý của Công ty Luật L&P, việc xử lý đối với người có hành vi sử dụng giấy tờ giả, trong quy định của pháp luật hiện hành có quy định về việc xử lý đối với hành vi này tùy theo từng mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính và xử lý bằng các hình thức xử lý kỷ luật khác, cụ thể:
Đối với người có hành vi sử dụng giấy tờ giả thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt là có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc bị phạt tù đến 7 năm tù tùy theo từng mức độ vi phạm.
Căn cứ theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, người có hành vi sử dụng giấy tờ giả, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này nếu họ đáp ứng các yếu tố cấu thành của tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Xử phạt hành chính khi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả
Đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ có thể bị xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể, phụ thuộc vào loại giấy tờ giả mà họ sử dụng là loại giấy tờ nào. Bởi hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành không quy định một mức xử phạt hành chính chung cho việc sử dụng các loại giấy tờ giả mà quy định việc xử phạt hành vi này trong từng lĩnh vực cụ thể.
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì hành vi lấn đất và chiếm đất được định nghĩa như sau:
“1. Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.
2. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Theo đó, gia đình nhà ông Lục và bà Hoa sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi của mình theo quy định tại khoản 4, Điều 10 Nghị định này:
"4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác."
Ngoài ra, biện pháp khắc phục cũng được nêu rõ trong Nghị định này:
"5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”
Như vậy, đối với phần đất nhà ông Lục và bà Hoa đang xây nhà là phần đất giao thông được UBND thành phố phê duyệt mở đường do đó hai gia đình này không được phép sử dụng để xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, việc xây dựng phải đáp ứng các điều kiện về xây dựng nên 2 gia đình này đã vi phạm về xây dựng tại địa phương nên bị buộc phải phá dỡ.
Xử lý nghiêm cán bộ có hành vi bao che cho sai phạm
Căn cứ vào hồ sơ cũng như các quyết định, văn bản của phường Nhân Chính và quận Thanh Xuân, có thể thấy cán bộ ở đây có dấu hiệu lợi dụng chức quyền bao che cho hành vi vi phạm của gia đình nhà ông Lục và bà Hoa. Minh chứng rõ nhất đó là sự việc đã xảy ra từ 1990 nhưng đến nay vẫn không được xử lý. Sự việc được giải quyết triệt để và nhanh chóng sẽ góp phần lấy lại niềm tin cho người dân vào hoạt động của hệ thống chính quyền sở tại.
Theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp lý hiện hành, quy định rất rõ trách nhiệm của UBND phường (xã) và UBND quận, tại Điều 207, 208 quy định như sau:
Điều 207. Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;
b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;
c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 208. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm./.