Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa có báo cáo phục vụ phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá liên quan đến giá đất quý II.
Theo Cục này, việc bỏ khung giá đất cùng với những quy định về bảng giá đất đã giúp quản lý đất đai, phát triển thị trường địa ốc được mở ra trên cơ sở minh bạch, tiệm cận hơn với thị trường. Cục cho rằng, giá đất tăng sẽ có lợi cho ngân sách, tạo sự đồng thuận với người dân thuộc diện thu hồi đất.
Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện bảng giá đất vừa qua, một số địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động giá đất phổ biến trên thị trường để điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc này dẫn đến tình trạng giá đất trong bảng tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều giá đất thực tế trên địa bàn.
Cục Quản lý đất đai cũng cho biết sắp tới, nhiều địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới, sẽ có sự biến động lớn về mức giá được điều chỉnh. Mỗi địa phương sẽ có biên độ điều chỉnh khác nhau nên thị trường bất động sản sẽ chịu nhiều tác động.
Bảng giá đất được dùng để xác định giá bồi thường, giá tái định cư, tính thuế chuyển nhượng, phí và lệ phí liên quan đến đất đai.
Thực tế từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều địa phương ban hành bảng giá đất điều chỉnh và cũng có sự gia tăng lớn so với mức áp dụng từ năm 2019. Đơn cử tại Hà Nội, bảng giá đất mới có hiệu lực từ 20/12/2024 đến 31/12 năm nay.

Cục Quản lý đất đai cho biết, thời gian tới, nhiều địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới, sẽ có sự biến động lớn về mức giá được điều chỉnh (Ảnh minh họa: Tâm Nguyên).
Trong đó, giá đất cao nhất hơn 695 triệu đồng/m2 là đất ở đô thị (vị trí 1) thuộc địa bàn các tuyến đường gồm: Bà Triệu (đoạn từ Hàng Khay đến Trần Hưng Đạo), Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng (đoạn từ Lê Thánh Tông đến Quán Sứ), Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Nhà Thờ, Trần Hưng Đạo (đoạn từ Trần Thánh Tông đến Lê Duẩn). Mức này gấp gần 3,7 lần bảng giá cũ. Đất ở mặt đường thuộc các tuyến phố khác của Hà Nội cũng tăng khoảng 150-270%.
Tại TPHCM, giá đất tại bảng điều chỉnh áp dụng đến hết năm nay cũng tăng từ 4 đến 38 lần (chưa tính hệ số K).
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng cũng ban hành bảng giá đất mới, có hiệu lực từ ngày 7/7. Giá đất ở đô thị tăng mạnh nhất 125-172% so với bảng giá đất cũ. Cụ thể, giá đất ở cao nhất được ghi nhận tại đường Bạch Đằng (ven sông Hàn), đoạn từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh, lên tới hơn 340 triệu đồng/m2. Mức giá này tăng gần 1,2 lần so với đợt điều chỉnh đầu năm, vốn đã hơn 286 triệu đồng/m2.