Các nguồn thông tin gần đây càng ngày càng khẳng định sẽ có một cuộc dịch chuyển khổng lồ của các bộ ngành tại Thủ đô Hà Nội. Sự kiện mới nhất, ngày 26/2/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định số 205/QĐ-BXD về việc “Nhiệm vụ thiết kế thi tuyển Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội”.
Khu đất này cách Trung tâm chính trị Ba Đình 4,5km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 20km, có diện tích khoảng 35ha, nằm giáp đường Võ Chí Công hiện nay. Khu đất được UBND TP. Hà Nội quy hoạch từ năm 2013, nằm tại trung tâm của Khu đô thị mới Tây Hồ Tây có diện tích tổng thể khoảng 210ha, đang và sẽ được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ, gồm: Khu thương mại (mua sắm, giải trí, văn phòng…), khu ven hồ (du lịch, khách sạn…), khu dân cư (biệt thự, nhà chung cư cao tầng…) và vành đai xanh. Liền với khu đất đó là Hồ Tây, Công viên Hòa Bình…
Hiện đại như thế, văn minh như thế, tiện lợi như thế nhưng đã ngót chục năm nay, mọi việc cứ như có ai “đeo chì vào chân”, không thể biến chúng thành hiện thực. Từ tháng 6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 837/QĐ-TTg phê duyệt bản quy hoạch này, đến tháng 10/2017, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 491/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Và cho đến nay, việc thi tuyển thiết kế “Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể” của khu vực này mới nhúc nhích chuyển động.
Sự trì trệ ấy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân đầu tiên là do nhiều bộ, ngành không muốn di chuyển. Chẳng hạn như Bộ Công Thương, trong một văn bản góp ý cho các phương án di dời trụ sở bộ, ngành, Bộ Công Thương đã bày tỏ quan điểm, nếu không phải là nhiệm vụ bắt buộc thì Bộ vẫn muốn giữ nguyên hiện trạng, bởi lẽ: Trụ sở chính của Bộ tại địa điểm 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, có tổng diện tích đất bằng hơn 9.500m2, diện tích sàn hơn 17.000m2. Đây là nơi bố trí các vụ, thanh tra, văn phòng bộ và Cục Xuất nhập khẩu làm việc tại trụ sở chính.
Ngoài ra, Bộ hiện còn có trụ sở làm việc của đơn vị trực thuộc tại các số 21, 23, 25 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm), diện tích đất hơn 4.000m2, diện tích sàn 12.000m2, đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp toàn bộ cơ sở này năm 2012; tại địa điểm 91 Đinh Tiên Hoàng, diện tích đất 179m2; địa điểm 20 Lý Thường Kiệt diện tích 672m2, diện tích sàn 3.600m2; địa điểm tại số 655 đường Phạm Văn Đồng có diện tích đất hơn 8.500m2, diện tích sàn 23.000m2…
Căn cứ hiện trạng trên, trụ sở làm việc của Bộ đã ổn định, đủ diện tích bố trí cho khoảng 1.500 người làm việc đến năm 2030. Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục được sử dụng các trụ sở hiện có đến năm 2030, không di chuyển trụ sở làm việc đến khu Tây Hồ Tây…
Chưa hết, Bộ cũng đề nghị, trong trường hợp chủ trương chung của Chính phủ “bắt buộc phải di chuyển” trụ sở làm việc của hệ thống bộ máy hành chính về địa điểm mới quy hoạch tại khu Tây Hồ Tây, Bộ muốn được quy hoạch theo phương án phân lô đất. Theo đó, Chính phủ giao các bộ, ngành chủ động xây dựng trụ sở của bộ, ngành trên lô đất được phân chia theo quy hoạch được duyệt.
Đến nay, mọi việc có vẻ rõ ràng hơn và quyết liệt hơn. Theo Bộ Xây dựng, khu đất này sẽ là nơi đặt trụ sở làm việc của các cơ quan quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực: Kinh tế tổng hợp, Kinh tế ngành, Khoa giáo - Văn xã, Nội chính và một số cơ quan Trung ương khác với đầy đủ cơ cấu tổ chức và các bộ phận chức năng đủ đảm nhận tổng số nhân sự khoảng 15.000 người.
Được biết, sau khi tổ chức sơ tuyển vòng 1, Bộ Xây dựng đã chọn được 15 tổ chức tư vấn thiết kế vào vòng 2, chẳng hạn như Công ty Heerim Architects & Planners; Công ty TNHH Arep Việt Nam (được ủy quyền bởi Công ty Arep Ville - Cộng hòa Pháp); Liên danh Archea Associati (gồm công ty Archea Associati - Công ty F&M Ingegneria spa)…
Cũng theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay, hệ thống làm việc của các bộ, ngành Trung ương tại Hà Nội đang bị phân tán do yếu tố lịch sử; các công trình được cải tạo, xây dựng lại, nâng cấp nhiều lần, không đảm bảo tính đồng bộ, yêu cầu sử dụng; đa phần được tận dụng từ các công trình sẵn có nên nhìn chung, quỹ đất chật hẹp, không gian làm việc hạn chế, hạ tầng cơ bản không phù hợp tiêu chuẩn, do đó ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, không đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính… Vì thế, việc thay đổi là cần thiết và bắt buộc phải làm.
Dù biết rằng, việc thực hiện cuộc dịch chuyển khổng lồ này có nhiều ích lợi cho quốc kế dân sinh, thế nhưng nếu không có sự giám sát và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, e rằng sự trì trệ sẽ vẫn còn tiếp diễn./.