Đại sứ Phạm Quang Vinh: "Trong bối cảnh hiện nay, phải đủ bản lĩnh mới tranh thủ được cơ hội"

Đại sứ Phạm Quang Vinh: "Trong bối cảnh hiện nay, phải đủ bản lĩnh mới tranh thủ được cơ hội"

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Năm, 13/06/2024 - 06:00

       Quá trình hội nhập quốc tế gắn liền với gần 4 thập kỷ Đổi mới đã tạo lập một hình ảnh Việt Nam rất khác, với vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế chưa từng có. Cơ hội để vươn lên thành quốc gia thịnh vượng đang rất khả quan khi mức độ hội nhập của đất nước ngày càng sâu, rộng.

      Vai trò tiên phong của công tác đối ngoại đã mở ra con đường lớn, tạo điều kiện để nền kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp trong nước tự nâng mình lên, kết nối sâu và khẳng định vị trí ngày một quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, phải đủ bản lĩnh mới tranh thủ được cơ hội. Việt Nam đang đứng trước vấn đề, hoặc là tụt hậu nhanh hơn hoặc là có thể bắt kịp sớm hơn với thế giới. Khát vọng 2045 trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030 mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra về một đất nước phồn vinh, hạnh phúc vẫn đang chờ đợi nhiều hơn sự bứt phá trong việc nâng cao thế và lực trên hành trình hội nhập để có thể hiện thực hoá.

***********

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia hơn 500 hiệp định thương mại song phương và đa phương (trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do - FTA). Trên thực tế, thời gian qua, công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng trong việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Với gần 200 hoạt động đối ngoại cấp cao (trong giai đoạn 2020 - 2023), hợp tác kinh tế được coi là một trong những trọng tâm, ghi nhận nhiều kết quả đột phá về mở rộng thị trường, tạo dựng các động lực tăng trưởng mới, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển trong tương lai.

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ chia sẻ với Reatimes, nếu trước đây, thế giới biết đến Việt Nam như một cuộc chiến, thì ngày nay, hình ảnh Việt Nam là một quốc gia đổi mới, hội nhập, có vị trí, vai trò quan trọng và là thành viên có trách nhiệm với quốc tế; một quốc gia hòa bình, ổn định và đang trên đà phát triển cao hơn. Tất cả nhờ vào những quan điểm nhất quán và sự thích ứng, linh hoạt trong tư duy đối ngoại.

Thế giới đang chuyển đổi rất sâu sắc với những mô hình tăng trưởng mới, cơ hội đan xen thách thức. Theo đó, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu khách quan để phát triển cao hơn, bền vững hơn; tiếp tục nâng tầm vị thế trên hành trình hội nhập; vượt qua nguy cơ trở thành “nền kinh tế gia công” và bẫy thu nhập trung bình. Đất nước càng mạnh thì năng lực càng nhiều, càng có thể đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập.

Nhận diện thế và lực, cơ hội và thách thức để nâng cao sức mạnh, năng lực hội nhập của đất nước, nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu là vấn đề quan trọng. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng nhưng đồng thời phải đảm bảo giữ được khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế với năng lực cạnh tranh và sức chống chịu tốt hơn. Tranh thủ nguồn lực bên ngoài, theo đó phải hướng tới chất lượng cao hơn, tham gia những phân khúc cao nhất, khó nhất, thích ứng với những xu hướng mới của công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

PV: Thưa Đại sứ, con đường hội nhập quốc tế của Việt Nam khởi đầu từ đâu và trong hành trình đó, đã có những thay đổi như thế nào về quan điểm đối ngoại của Đảng ta, cho đến nay?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Hội nhập quốc tế gắn chặt với quá trình Đổi mới đất nước từ cách đây gần 4 thập kỷ. Đổi mới đã tạo cho Việt Nam một sức mạnh mới, nền tảng mới cả về chính trị, kinh tế, khung luật pháp để từng bước hội nhập không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà trên mọi mặt.

Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đặt nền móng cho thời kỳ Đổi mới. Lúc này, với nhận thức về tầm quan trọng của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại, Đảng ta đã mong muốn hợp tác với các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau, thay vì chỉ hợp tác với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa và Đông Dương, nhằm tranh thủ mọi nguồn lực để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.

Tuy nhiên, tới Đại hội VII (1991), dấu ấn cho sự khởi đầu hội nhập quốc tế mới rõ ràng khi Việt Nam chủ động thúc đẩy quan hệ, “muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đại hội VII ghi nhận bước chuyển mình thực sự mang tính chiến lược về nhận thức và quan điểm đối ngoại của Đảng, dựa trên nền móng Đổi mới của Đại hội VI; bạn bè truyền thống vẫn duy trì, củng cố mối quan hệ, song đã chuyển từ tư duy “thêm bạn, bớt thù” sang “muốn làm bạn với tất cả”.

Nhờ sự chủ động trong việc mở rộng quan hệ hợp tác, trong giai đoạn này, Việt Nam đã phá được thế bao vây, cấm vận, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, trong đó bước ngoặt quan trọng là năm 1995, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ký kết Hiệp định khung về hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việc chấp nhận tham gia Chương trình Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) và hội nhập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) ngay sau đó được xem là bước đầu tiên để “khớp” nền kinh tế của Việt Nam với thế giới; tạo tiền đề để vừa đổi mới kinh tế trong nước, vừa hội nhập với quốc tế sâu hơn, trong đó có việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO (năm 2007).

Dấu ấn tiếp theo trong quan điểm đối ngoại là Đại hội IX (2001), với thế và lực sau 15 năm đổi mới, Đảng ta đã tự tin chuyển từ phương châm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước” thành “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Quan hệ đối ngoại không chỉ là sự chủ động một chiều từ Việt Nam mà hướng tới quan hệ 2 chiều, Việt Nam đón nhận cả sự chủ động từ phía các đối tác mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.

Các kỳ Đại hội X, XI, XII và Đại hội XIII (2021) tiếp tục kế thừa những nội dung xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng ta thời kỳ đổi mới, với chủ trương nhất quán là “độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại”, “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”; đồng thời phát triển và bổ sung nhiều nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

Đại hội XIII đặt ra yêu cầu về tính “toàn diện” và “sâu rộng” trong hội nhập quốc tế. Không chỉ rộng mở về không gian, hội nhập quốc tế tiếp tục đi vào chiều sâu, triển khai các cam kết quốc tế, trong đó thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới, đồng thời “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế”. Bên cạnh đó, lần đầu tiên, Đảng xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Có thể nói, mỗi một kỳ đại hội là một lần tổng kết về quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước, thể hiện rõ từng bước đi và sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, tư duy của Đảng. Từ tư duy “bạn - thù” trở thành “đối tác - đối tượng”, ai cũng là bạn dù có những mặt khác biệt; từ hội nhập kinh tế, đến hội nhập nhiều lĩnh vực, toàn diện và sâu rộng và có ưu tiên cho những lĩnh vực tiềm năng.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

PV: Ông cảm nhận như thế nào về thế và lực của Việt Nam sau chặng đường dài chủ động, tích cực đổi mới và hội nhập?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Sự kết hợp giữa truyền thống bất khuất trong quá khứ và hành trình đổi mới, hội nhập ở hiện tại đã tạo nên một hình ảnh Việt Nam rất mới.

Tôi từng là đại sứ Việt Nam tại Mỹ và có thời gian làm việc ở Mỹ, nên tôi muốn nhấn mạnh đến cách nhìn của người dân Mỹ đối với Việt Nam. Nếu trước đây Việt Nam gắn liền với một cuộc kháng chiến chính nghĩa thì nay, với nhân dân Mỹ và thế giới, Việt Nam được biết đến nhiều hơn với vị thế là một đất nước đổi mới, hội nhập, có uy tín trên thế giới. Đó là vị thế mới của Việt Nam.

Việt Nam đã từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua đói nghèo, bước vào hội nhập kinh tế thị trường thông qua ASEAN và tiến đến WTO. Hiện nước ta đã có quan hệ đối ngoại, quan hệ kinh tế với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; tham gia nhiều tổ chức quốc tế và có vai trò lớn tại ASEAN, APEC.

Việt Nam đã đủ năng lực để tham gia các hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới với chất lượng cao hơn rất nhiều. Trong quá trình hội nhập, các EVFTA, CTPPP, TPP…, một mạng lưới các dàn xếp và thỏa thuận kinh tế đa tầng lớp, đã tạo điều kiện để Việt Nam có thể quan hệ với tất cả các nước, các khu vực trên thế giới, đặc biệt là các trung tâm kinh tế lớn, vừa theo chiều rộng vừa có chiều sâu - đi vào các phân khúc cao hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều cường quốc hàng đầu thế giới đã và đang mong muốn và sẵn sàng hợp tác, nâng cấp quan hệ với Việt Nam.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

Sự kết hợp giữa truyền thống bất khuất trong quá khứ và hành trình đổi mới, hội nhập ở hiện tại đã tạo nên một hình ảnh Việt Nam rất mới. Ảnh minh hoạ: Thịnh La.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, đặc biệt nếu soi chiếu vào Nghị quyết Đại hội XIII, Việt Nam có thể tham gia hội nhập toàn diện và sâu rộng hơn, có đầy đủ năng lực, cơ hội để phát huy hơn nữa vị thế, vai trò của mình, nhất là trong việc xử lý các vấn đề quan tâm chung của cả Việt Nam và thế giới, cũng như xây dựng chuẩn mực ứng xử để đảm bảo tốt nhất luật pháp quốc tế và lợi ích của các quốc gia.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

PV: Tinh thần dân tộc trong quá khứ, trong lịch sử hào hùng và tinh thần dân tộc của thời đại mới trên nền tảng hội nhập sâu, rộng có gì khác biệt, thưa ông?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Quá khứ, là chiều dài lịch sử của đất nước với hàng nghìn năm kiên cường, bất khuất trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm; cần cù, chịu khó trong lao động, xây dựng đất nước. Chắc chắn trong mỗi con người Việt Nam, hai chữ Quê hương và Tổ quốc rất thiêng liêng. Người Việt Nam tự hào về chính mình, về đất nước và lịch sử dân tộc mình.

Tinh thần dân tộc trong chủ trương đối ngoại vừa là sự tự hào, vừa gắn liền với vị thế đất nước và lợi ích quốc gia. Tất cả những điều này hòa quyện với nhau.

Hiện nay, chúng ta đang kế thừa truyền thống đối ngoại với tư duy hòa bình, hòa hiếu, phát triển quan hệ hữu nghị của dân tộc, đồng thời cập nhật xu thế phát triển của thời đại để đưa ra chiến lược đối ngoại phù hợp.

Trong quá khứ, mục tiêu lớn nhất là giành độc lập, giải phóng dân tộc; theo đó, chiến lược tập hợp lực lượng và đối ngoại phải tập trung vào mục tiêu này. Ngày nay, mục tiêu cao cả nhất mà Đảng và Nhà nước đặt ra là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, hướng tới khát vọng phát triển ở chất lượng cao hơn, phồn vinh, hạnh phúc vào 2045. Muốn tập trung hiện thực hóa các khát vọng phát triển đó, trước hết phải duy trì được trạng thái hòa bình, ổn định; cùng với đó là tạo động lực, năng lực phát triển mới cho nền kinh tế; tranh thủ được nguồn lực từ bên ngoài, mà muốn tranh thủ được càng nhiều thì càng phải có vị thế - vừa đóng góp, vừa thể hiện nguyên tắc, lập trường của mình.

Trên thế giới, xu hướng bảo hộ mậu dịch, phản toàn cầu hóa có chiều hướng gia tăng; còn tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, xu hướng mở rộng và thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại vẫn bao trùm. Trong những thập kỷ gần đây, khu vực này phát triển rất năng động và là động lực tăng trưởng của thế giới. Tuy nhiên, trong vấn đề cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn, khu vực này là trọng tâm nên cạnh tranh rất gay gắt. Về mặt chính trị, Việt Nam không chọn bên nhưng nếu chỉ đơn thuần không chọn bên thì sẽ không hội nhập và phát triển sâu rộng được. Do đó, mấu chốt là “chơi” với tất cả các bên dựa trên cơ sở cùng có lợi và tuân thủ luật pháp quốc tế, không để họ hiểu sai hay cho rằng mình đi với bên này để chống bên kia. Nhưng chúng ta muốn “chơi” được với các đối tác lớn mà không sa vào bẫy cạnh tranh thì bắt buộc phải có chính sách độc lập, tự chủ, đồng thời phải tăng nội lực lên, để giảm sự phụ thuộc.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

PV: “Một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế và cùng thế giới chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu”, đó là thông điệp nổi bật từ những hoạt động đối ngoại quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, năm 2023 và giai đoạn đầu năm 2024, đối ngoại Việt Nam đã tạo được những dấu ấn lịch sử trong quan hệ với các nước. Vai trò tiên phong của đối ngoại đã tạo ra những động lực gì để Việt Nam có thể tranh thủ được những cơ hội bứt phá trong bối cảnh hiện nay, thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Dấu ấn đối ngoại trong năm 2023 thể hiện rõ trong mối quan hệ với các nước láng giềng, khu vực ASEAN và các nước lớn - trong đó có Mỹ và Trung Quốc, tạo ra thế mới, môi trường chiến lược mới cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế trên cơ sở đảm bảo, duy trì môi trường hòa bình, ổn định.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ vào tháng 9/2023 đã nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ, trở thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023 cũng làm sâu sắc thêm quan hệ 2 nước trên tất cả các mặt. Trong đó, sự cải thiện về quan hệ không chỉ là lòng tin chính trị mà còn là các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là kinh tế. Đến nay, Việt Nam đã có 7 Đối tác chiến lược toàn diện trong tổng số 30 Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện.

Thành công trong công tác đối ngoại năm 2023 là kết quả của một quá trình xây dựng quan hệ, tạo dựng niềm tin trong nhiều năm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn để phục hồi sau đại dịch, các chuỗi cung ứng đứt gãy, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn cam go hơn, các thách thức về biến đổi khí hậu gia tăng…, sự chủ động của Việt Nam trong công tác đối ngoại để tranh thủ cao độ các nguồn lực bên ngoài đã tạo ra bước ngoặt lịch sử. Không phải ngẫu nhiên các nước lớn trên thế giới và khu vực quan tâm đến Việt Nam mà xuất phát từ sự chia sẻ lợi ích, chủ trương đối ngoại của Việt Nam; và họ cũng nhìn thấy vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

PV: Như vậy, bài toán đặt ra lúc này là làm sao vừa tranh thủ được cơ hội, vừa vượt qua được các thách thức trong bối cảnh mới?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Gần 4 thập kỷ đổi mới đã cho chúng ta bài học là đất nước càng mạnh thì năng lực càng nhiều, càng có thể đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập để trở nên mạnh hơn. Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi để tranh thủ hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, thế giới đang chuyển đổi rất sâu sắc. Cơ hội đan xen thách thức. Phải tìm kiếm cơ hội từ trong thách thức và trong bất cứ cơ hội nào cũng đều có thách thức. Phải đủ bản lĩnh mới có thể tranh thủ được cơ hội trong bối cảnh hiện nay.

Thời gian gần đây, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang lựa chọn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để đầu tư, đặt nhà máy sản xuất. Bởi đây là khu vực phát triển năng động nhất và tạo được sự tin cậy. Bên cạnh đó, họ cần phát triển đa dạng các chuỗi cung ứng để tránh rủi ro, đứt gãy khi xảy ra các biến cố không mong muốn như dịch bệnh, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế… Đa dạng hóa được tiến hành đồng thời cùng với việc tăng cường tính bền vững và sức chống chịu của các chuỗi cung ứng. Vấn đề là, chuỗi cung ứng hiện nay được mong chờ hơn ở xu hướng phát triển xanh và phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo.

Việt Nam đang ở vị trí trung tâm trong lòng chảo của khu vực - là điểm đến của chuỗi cung ứng toàn cầu với những cơ hội rất lớn về khoa học công nghệ, đất hiếm, phát triển công nghiệp bán dẫn… Chủ trương của Chính phủ là tập trung đào tạo nguồn nhân lực, cải tạo và nâng cấp hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, thúc đẩy khung chính sách và cơ chế thuận lợi hơn để tranh thủ được sự quan tâm của các nhà sản xuất lớn trên thế giới. Và còn rất nhiều việc phải làm…

Ở tầm vĩ mô, chúng ta đã tạo ra được bức tranh tương đối thuận lợi và sức hấp dẫn, dư địa phát triển của nền kinh tế vẫn còn rất nhiều. Song nút thắt là quá trình thủ tục cụ thể, hiện còn nhiều vướng mắc, trở ngại, dẫn đến chậm trễ trong đầu tư, phát triển.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

PV: Theo ông, Việt Nam có bao nhiêu thời gian để có thể chớp lấy các cơ hội tăng trưởng kinh tế trong hành trình hội nhập tiếp theo mà chính sách đối ngoại đã mở đường?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tất nhiên, không thể trong ngày một ngày hai mà có thể tranh thủ được cơ hội thu hút dòng FDI thế hệ mới. Vấn đề là phải bắt tay vào làm ngay, cần gỡ những khúc mắc trước mắt để tạo ra một nền tảng cơ bản về khung chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Bên cạnh đó, cần có định hướng chiến lược có thể thực thi được để tạo niềm tin rằng, trong vài ba năm tới, Việt Nam có thể đáp ứng được các điều kiện trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu. Các nhà đầu tư lớn thường đầu tư dựa trên tầm nhìn dài hạn. Có thể thời điểm này Việt Nam chưa đáp ứng được hoàn toàn các tiêu chí, nhưng nếu tạo ra được cơ sở để tin tưởng và có lộ trình hoàn thiện rõ ràng thì sẽ tận dụng được cơ hội.

Một điểm quan trọng nữa là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng hơn, Việt Nam phải tiếp tục tạo ra sự đột phá.

Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đã nhiều lần tạo đột phá, đơn cử như thí điểm ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất. Song hiện nay, thuế, quỹ đất, hay nguồn lao động rẻ dù vẫn còn giá trị nhưng không tạo ra được lợi thế đột phá để cạnh tranh với các nước trong khu vực - cũng đang muốn thu hút đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn như Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam phải tạo ra đột phá hơn trong chuyển đổi xanh và hạ tầng công nghệ mà xu hướng mới đang đòi hỏi ngày một cao hơn. Thế giới đã thấy một Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng đó và họ muốn cùng Việt Nam tháo gỡ các rào cản để hợp tác, phát triển. Việt Nam cần tranh thủ ngay những cơ hội này, bởi vì quan hệ ngoại giao với một số nước là vấn đề nhạy cảm, nếu để độ trễ 2 - 3 năm có thể cơ hội đó sẽ không còn, khi quốc gia hợp tác có sự thay đổi về người đứng đầu, về chính sách… chẳng hạn.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

PV: Hội nhập đã mang tới cho Việt Nam rất nhiều sự đột phá, nhưng đằng sau đó có một vấn đề là nền kinh tế dường như dựa chủ yếu vào xuất khẩu và FDI. Để nâng cao năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế, phải chăng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chính sách và cơ hội vươn lên của doanh nghiệp nội?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Không có quốc gia nào phát triển mà không có sự kết hợp giữa nội lực và ngoại lực. Nếu FDI làm cho nền kinh tế có sức sống lên thì tại sao lại không tiếp tục phát huy.

Trên thực tế, khi chúng ta chưa thể bắt nhịp hoàn toàn với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, chưa làm chủ được những công nghệ mới, công nghệ nền tảng ở một tầm cao hơn, thì việc kết hợp giữa các tập đoàn trong nước và các FDI về công nghệ là một bước đi rất quan trọng. Nhưng đồng thời phải nâng cao sức đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ đối với sản xuất của Việt Nam mà ngay cả trong các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

Đã có một thời gian dài, Việt Nam mở rộng thu hút FDI theo chiều hướng doanh nghiệp trong nước tham gia vào công đoạn sau của chuỗi cung ứng toàn cầu, tức là lắp ráp nhiều hơn. Hiện nay, cần tham gia vào công đoạn cao hơn, thậm chí là sản xuất và sáng tạo ra các nguyên liệu đầu vào, chẳng hạn như chất bán dẫn. Chúng ta phải dựa vào các nước để dần có thể nâng mình lên.

Nếu vẫn sử dụng lao động rẻ để tham gia vào việc gia công, lắp ráp thì FDI không tạo ra nhiều giá trị. Nhưng khi nội hàm của Việt Nam được nâng lên với chất lượng cao hơn, vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thì dù đó là doanh nghiệp Việt Nam làm hay doanh nghiệp FDI làm, đều tốt cả.

Khi Apple, Samsung hay TSMC… đều lựa chọn Việt Nam để sản xuất chất bán dẫn thì đó là điều rất tuyệt vời. Bởi các giá trị tạo ra có đóng góp của công nhân, kỹ sư, hạ tầng công nghệ của Việt Nam, và doanh nghiệp Việt sẽ là một phần của chuỗi cung ứng đó. Phải luôn hướng đến phân khúc cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu, đó mới là vấn đề quan trọng.

PV: Đối với vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia trong hành trình hội nhập, doanh nghiệp trong nước cũng chính là lực lượng nòng cốt, thưa ông?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Có lẽ nên để các nhà kinh tế nói nhiều hơn về điều này. Nhưng ở góc độ chính trị đối ngoại, có 2 vấn đề cần quan tâm, đó là “do Việt Nam sản xuất” và “sản xuất ở Việt Nam”, để khi nhìn vào sản phẩm đó, thế giới phải nghĩ đến Việt Nam, thương hiệu Việt Nam.

Việt Nam cần trở thành một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng, nhưng dần dần cũng cần có những sản phẩm quốc tế mang thương hiệu Việt. Trên thực tế, hiện nay Việt Nam đã có một số doanh nghiệp lớn đã làm ra những sản phẩm tạo được dấu ấn trên thị trường quốc tế, góp phần nâng cao vị thế nền sản xuất trong nước, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp - ngành có thế mạnh, mà cả trong mảng công nghiệp, chế tạo, công nghệ… như xe điện của Vinfast hay các sản phẩm công nghệ của FPT, Viettel…

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước sáng tạo và khát vọng, hình thành những doanh nghiệp toàn cầu để từng bước nâng tầm thương hiệu Việt trên thế giới.

PV: Xin ông chia sẻ thêm góc nhìn về vai trò của các doanh nghiệp dân tộc đối với khát vọng Việt Nam 2045?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Khi doanh nghiệp lớn mạnh, trước hết là “nuôi” được nhiều lao động hơn, đóng góp vào sự phát triển của đất nước nhiều hơn. Xuyên suốt trong 4 thập kỷ Đổi mới, khát vọng của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam luôn gắn liền với khát vọng của dân tộc. Từ một đất nước đói nghèo đến no đủ và có thể xuất khẩu lớn, có thể nói, đóng góp của doanh nghiệp là vô cùng lớn.

Đổi mới đã khuyến khích sự sáng tạo, giải phóng sức lao động, thúc đẩy gia tăng lực lượng sản xuất và đầu tư của doanh nghiệp tư nhân; vừa thực hiện khát vọng làm giàu, vừa đóng góp được cho đất nước và không ngừng vươn tới những giới hạn cao hơn.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

Thế giới đang chuyển đổi mạnh hơn và Việt Nam cần thu hẹp các khoảng cách phát triển. Kỷ nguyên công nghiệp 4.0 buộc các doanh nghiệp phải phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo và công nghệ. Chính phủ đã “bấm nút” kích thích cho các doanh nghiệp không ngừng nâng cao khát vọng, vừa chủ động đổi mới sáng tạo vừa hợp tác với bên ngoài để đưa Việt Nam bứt phá.

Chúng ta đã có những tập đoàn, công ty tham gia vào đổi mới sáng tạo, công nghệ, bán dẫn, nhưng sắp tới muốn chất lượng cao hơn, trình độ tinh vi hơn thì bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực lên. Khi công tác đối ngoại đã mở ra con đường lớn thì chính các doanh nghiệp phải tự nâng mình lên và kết nối sâu để khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nói cách khác, để nâng cao năng lực hội nhập của đất nước thì việc nâng cao năng lực hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu là vấn đề quan trọng. Để thúc đẩy được, cần có khung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển những lĩnh vực mà họ tranh thủ được.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, để hiện thực hóa các khát vọng phát triển hướng đến mốc 2030, 2045 được khởi xướng tại Nghị quyết Đại hội XIII, trước các thách thức đặt ra, cần có một cuộc đổi mới lần thứ hai?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Thế giới đang đứng trước những thay đổi cực kỳ sâu sắc trong mô hình phát triển do tác động của chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch và đổi mới sáng tạo. Hiện tại, Việt Nam đang đứng trước việc hoặc là tụt hậu nhanh hơn hoặc là có thể bắt kịp sớm hơn với thế giới. Nếu không bắt kịp và thích ứng với những điểm mới này thì không thể phát triển thêm. Muốn làm được điều đó phải tiếp tục cập nhật và đổi mới với sự thay đổi mang tính bứt phá về mô hình phát triển kinh tế.

Trong quá trình đổi mới, đặc biệt là trong vài thập kỷ gần đây, 3 khâu then chốt để phát triển kinh tế, cần tập trung cải cách đổi mới là: Khung chính sách, thể chế; cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, 3 khâu then chốt này cần thích ứng với những xu hướng mới, như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo. Phát triển nguồn nhân lực hiện nay không chỉ là chất lượng cao theo cách nhìn trước đây, mà trên cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển mới của các tập đoàn toàn cầu. Cơ sở hạ tầng, không chỉ là hạ tầng giao thông, mà còn là hạ tầng số. Muốn Việt Nam phát triển thịnh vượng, người dân có thu nhập cao, thì nền kinh tế phải dựa nhiều hơn vào năng suất lao động, chất xám, khoa học công nghệ, năng lực quản lý.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

Việt Nam đang đứng trước việc hoặc là tụt hậu nhanh hơn hoặc là có thể bắt kịp sớm hơn với thế giới. Ảnh minh hoạ: Tu nguyen

Việt Nam đang ở vị thế có thể “chơi” được với tất cả các nước, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn dù giữa họ có cạnh tranh với nhau. Vị thế này mở ra cơ hội để phát triển nền kinh tế ở chất lượng cao hơn, có thể tham gia vào phân khúc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vấn đề là, khi hợp tác với các nước lớn, trong quá trình chuyển dịch các chuỗi cung ứng không chỉ kèm theo công nghệ, luồng đầu tư chất lượng cao mà còn có cả chất lượng thấp.

Do đó, thu hút FDI phải chọn lọc, phù hợp tiêu chí phát triển từ nay đến năm 2030, 2045 ở chất lượng cao hơn; chỉ tranh thủ những gì tốt nhất, bền vững nhất, phù hợp nhất với lợi ích quốc gia. Việc tiếp thu công nghệ từ các nước lớn cũng cần có chọn lọc, không tiếp nhận những thế hệ công nghệ cũ mang tính thải loại, mà phải hướng tới tiếp thu và phát triển được hệ sinh thái công nghệ mới, phù hợp với Việt Nam.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

PV: Chiến lược đối ngoại với vai trò tiên phong cần định hướng như thế nào để bắt kịp sự chuyển mình của đất nước trong giai đoạn mới, thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đại hội XIII nhắc đến vai trò tiên phong của đối ngoại. Trong bối cảnh hiện nay, tiên phong là phải chủ động trong 3 nhiệm vụ: Chủ động phát hiện, chủ động dự báo và chủ động nắm bắt thời cơ phù hợp với chiến lược mới, tâm thế mới, thời cuộc mới của đất nước. Nguy cơ hiện nay không còn giống ngày xưa. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạnh tranh nước lớn cũng là nguy cơ, nhưng trong những nguy cơ này phải phát hiện ra thời cơ.

Đại hội XIII đã tạo tiền đề cho bước chuyển của đất nước. Phải cụ thể hóa sự chuyển mình đó, đặc biệt là những khát vọng về phát triển và hội nhập hướng tới mốc 2030 và 2045. Theo đó, chiến lược ngoại giao được chuyển đổi sang phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Để phục vụ mục tiêu này, chính sách đối ngoại cần làm được 3 việc.

Thứ nhất, phải giữ vững được môi trường xung quanh hòa bình, ổn định để tập trung cho phát triển kinh tế đất nước. Chúng ta đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc nên hiểu rất rõ môi trường hòa bình là cực kỳ quan trọng và tạo ra lợi thế lớn. Muốn có môi trường hòa bình, quan trọng nhất là tạo dựng được những mối quan hệ trên cơ sở những nguyên tắc của luật pháp quốc tế với các nước xung quanh và các nước lớn.

Thứ hai, phải tranh thủ hội nhập và hợp tác kinh tế để tạo thêm nguồn lực cho phát triển nhưng chất lượng cao hơn, bền vững hơn và dựa nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, khi tham gia vào hội nhập quốc tế phải phát huy được những thế mạnh của Việt Nam ở mức độ cao nhất, để vừa đóng góp vào sự phát triển chung của thế giới vừa tạo nên vị thế ngày một rõ ràng hơn cho Việt Nam. Càng tạo được vị thế quốc tế thì đất nước sẽ càng lớn mạnh.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

PV: Ông từng khẳng định, đối ngoại là cánh tay nối dài của đối nội và đối ngoại có thể khởi xướng những câu chuyện lớn cho đất nước. Đó là một Việt Nam bất khuất, kiên cường, nhưng rất hòa hiếu, một Việt Nam khát vọng vươn lên vì hòa bình, thịnh vượng. Xin ông nói rõ hơn về điều này?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Cánh tay nối dài có hai vế. Thứ nhất là ưu tiên chính sách trong nước để bảo vệ lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập. Thứ hai là thúc đẩy hòa bình, hòa hiếu, chính nghĩa; đề cao hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Việc hợp tác với các quốc gia sẽ tạo ra lợi ích đan xen. Chính sách của mình tạo ra lợi ích cho đối tác, thì đối tác sẽ mang đến lợi ích cho mình. Đối ngoại có thể tạo ra những đột phá về mặt tư duy phát triển ở trong nước, thúc đẩy tạo ra các khung pháp lý và cơ chế quản trị tốt hơn.

Hiện nay, để rút ngắn khoảng cách phát triển, nhất là dựa vào khoa học công nghệ, đối mới sáng tạo, thì hợp tác quốc tế cũng là một động lực, tạo sự kích thích phát triển kinh tế trong nước rất lớn và có thể tạo ra đột phá mới trong việc nâng cao năng suất và giải phóng sức lao động.

Gần 4 thập kỷ đổi mới và hội nhập đã tạo ra cho Việt Nam một năng lực vững chắc và sức hấp dẫn riêng trong chính sách thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục như cũ thì sẽ chỉ “hứng” được những cái cũ.

Đại sứ Phạm Quang Vinh:

Gần 4 thập kỷ đổi mới và hội nhập đã tạo ra cho Việt Nam một năng lực vững chắc và sức hấp dẫn riêng trong chính sách thu hút đầu tư. Ảnh minh hoạ: ST

Thế giới đang ngày càng phân mảnh, trong xu thế đó, Việt Nam phải giữ được chữ tín để duy trì và nâng cao các mối quan hệ đối ngoại. 

Mục tiêu độc lập, tự chủ đòi hỏi Việt Nam phải mạnh từ bên trong, tự quyết định vận mệnh và con đường phát triển. Nhưng để làm được điều đó, thì cần nâng cao vị thế, tranh thủ được nguồn lực cho xây dựng đất nước. 

Thế giới đang chú trọng hợp tác đa phương, Việt Nam cần phát huy tốt hơn nữa vai trò trong ASEAN và cả châu Á - Thái Bình Dương. Chính vai trò này đã tạo ra vị thế cầu nối của Việt Nam khi các nước cần hợp tác với khu vực. Tăng vai trò của Việt Nam tại khu vực cũng là một cách gia tăng quan hệ với các nước lớn.

Điều cần nhấn mạnh hơn là, tâm thế, vị thế của một Việt Nam mới trong bối cảnh quốc tế mới đang tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững, chất lượng và tin cậy hơn để hướng tới từng bước hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc vào năm 2030 và 2045./.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top